Thiền có thể được thực hiện ở bất kỳ chỗ nào hay thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, có một số lợi ích đặc biệt khi bạn thực hiện thiền vào buổi sáng.
1. Lợi ích của thiền vào buổi sáng
- Khởi đầu ngày mới bình yên: Chuyên gia yoga Jaisleen Kaur, tại thành phố Dehradun, Ấn Độ cho biết, sáng sớm thường là khoảng thời gian yên tĩnh trong ngày.
Đây là thời điểm thích hợp để bạn thực hành thiền trong không gian tĩnh lặng, chỉ tập trung, chú ý vào nội tâm mà không bị ảnh hưởng bởi các loại âm thanh xung quanh.
Khi thực hiện thiền buổi sáng giúp đưa tâm trí vào trung tâm, giúp kiểm soát căng thẳng và mang lại sức khỏe tổng thể. Thực hành thiền cũng giúp mang lại cảm giác bình tĩnh và cân bằng cho ngày mới với nhiều dự định, kế hoạch mới.
- Cải thiện khả năng tập trung: Hầu hết các công việc trong ngày, cho dù đó là việc nhà hay việc công sở, đơn giản hay phức tạp đều đòi hỏi bạn phải phân chia, lên kế hoạch cho từng thời gian cụ thể. Đôi lúc còn phải thực hiện đồng thời nhiều việc cùng một lúc.
Khi bạn thực hiện thiền vào buổi sáng, bạn sẽ rèn luyện được khả năng tập trung và tập trung cao độ, giúp bạn dễ dàng giải quyết các công việc trong ngày với đầu óc tỉnh táo hơn.
- Giảm căng thẳng: Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực về công việc, tài chính, gia đình cũng như có quá nhiều thông tin cần xử lý khiến bạn khó giữ bình tĩnh và trở nên căng thẳng, cáu gắt, nóng tính…
Thiền tập trung sự chú ý (có thể vào việc hít thở hoặc đếm số…) và loại bỏ những suy nghĩ lộn xộn khiến tâm trí bị dồn nén gây căng thẳng. Hơn nữa, thiền buổi sáng còn giúp tạo ra trạng thái thư giãn và tâm trí tĩnh lặng, giúp bạn dễ dàng đối phó với thử thách của ngày mới bằng thái độ bình tĩnh.
Thiền vào buổi sáng mang lại nhiều lợi ích cho tâm trí.
2. Bạn nên thiền trong bao lâu?
Thời gian lý tưởng để thiền rất khác nhau đối với mỗi người. Tuy nhiên, chất lượng luyện tập có giá trị hơn thời lượng nhiều mà không đem lại hiệu quả. Do đó, bạn có thể thực hiện theo hướng dẫn về khoảng thời gian để đạt được hiệu quả khi thiền:
- Với người mới bắt đầu: Bắt đầu với 5-10 phút. Sau đó, bạn có thể từ từ tăng thời lượng khi đã thành thạo với việc thực hành thiền.
- Người đã thực hành thường xuyên: Mục tiêu trong 20-30 phút. Điều này giúp bạn có nhiều thời gian để đi sâu vào thiền định và trải nghiệm những lợi ích của nó.
- Thiền sinh cao cấp: Bạn có thể thiền trong 45 phút đến một giờ hoặc hơn.
Thời gian ngồi thiền có thể tăng dần khi bạn đã làm quen với phương pháp này.
3. Làm gì khi mới bắt đầu thiền?
Nếu bạn là người mới tập thiền, bạn sẽ gặp một số khó khăn do ngoại cảnh và nội tâm tác động. Chính vì thế, bạn cần vượt qua trở ngại ban đầu bằng cách:
- Tạo không gian riêng: Với người mới tập thiền, độ tập trung chưa cao nên việc tìm một nơi yên tĩnh, không bừa bộn trong nhà để thiền là điều cần thiết và đây sẽ là nơi tạo sự bình yên nội tâm của bạn.
Không gian riêng nên lựa chọn ở trong phòng, không nên chọn không gian ngoài trời do sẽ có sự tác động nhất định của thời tiết, âm thanh ảnh hưởng đến quá trình thiền. Không gian trong phòng phải đảm bảo thoáng khí, yên tĩnh.
- Duy trì sự thường xuyên: Bạn có thể lựa chọn thời điểm để thiền vào bất kỳ lúc nào trong ngày, có thể là sáng, trưa hay tối cho phù hợp với lịch làm việc, đón con, dọn dẹp nhà cửa hay nấu nướng…
Tuy nhiên, khi đã xác định thời gian, bạn nên tuân thủ, thực hiện thường xuyên, không nên vì một lý do nào đó mà tạm dừng hay thực hành ngắt quãng để đạt được những lợi ích của thiền với tâm trí và sức khỏe.
Duy trì sự thường xuyên là yếu tố quan trọng khi thực hành thiền vào buổi sáng.
- Khắc phục sự mất trập trung: Khi mới thực hành thiền, tâm trí bạn còn chưa tập trung nhưng bạn không nên nản chí mà hãy kiên nhẫn, vì thiền là một kỹ năng và thực hành cần có thời gian để phát triển. Nên điều bạn cần làm là nhẹ nhàng hướng sự tập trung trở lại hơi thở hoặc điểm tập trung đã chọn.
- Khắc phục những vấn đề có thể xảy ra khi thiền: Trong quá trình ngồi thiền, ngoài sự mất tập trung, bạn có thể gặp một số vấn đề thể chất khác như buồn ngủ, đau lưng, mỏi chân… Để khắc phục bạn cần thực hiện chỉnh sửa từ tư thế ngồi sao cho thoải mái, giữ lưng thẳng, tốt nhất là kiểu ngồi kiết già hay bán già.
+ Ngồi bán già: Tư thế này được thực hiện bằng cách ngồi gác một chân lên bắp chân bên kia.
+ Ngồi kiết già: Tư thế này còn được gọi là tư thế hoa sen. Để thực hiện, từ tư thế ngồi khoanh chân, dùng tay phải nhấc chân trái đặt lên đùi phải, gót chân áp sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên trời. Lặp lại với chân bên trái.
Mời bạn xem tiếp video:
5 cách thiền giúp giảm căng thẳng, trẻ lâu | SKĐS