Thiên Thai, oan khuất giăng mờ

06-01-2020 06:12 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Gia Bình, một núi, hai sông

Những ngày cuối thu, bầu trời xanh thẳm, trong veo, những dải mây mỏng như những chiếc khăn voan vắt ngang bầu trời, làn gió thu nhè nhẹ thoang thoảng hương lúa từ cánh đồng quê đang vào mùa thu hoạch. Xe chúng tôi chầm chậm chạy trên con đường tỉnh lộ về thăm di tích lịch sử, văn hóa tại huyện Gia Bình (Bắc Ninh) - một địa danh được coi là “miền đất chịu nhiều oan khuất”:

“Gia Bình một núi hai sông

Bốn trang kỳ án, tam công đại thần”!

Thiên Thai là dãy núi duy nhất thuộc địa phận huyện Gia Bình gồm 9 ngọn núi liền nhau có hình con rồng uốn lượn 9 khúc. Tương truyền: Ngày xưa, rừng thông phủ kín núi, trên đỉnh ngọn Thiên Thai có một ngôi chùa cổ trăm gian và một vườn hồng đào, đây là một giống đào đặc biệt, hoa nở thành từng chùm buông xuống như những chiếc đuôi cáo nên mới có cái tên là hồng đào. Ngày xuân, khách lên lễ chùa vãn cảnh vườn đào, dạo chơi rừng thông rồi hướng ra biển Đông “xem loan phượng ăn xoài”.

Núi Thiên Thai được nhắc nhiều trong các làn điệu dân ca quan họ “Trèo lên trên núi Thiên Thai, thấy chim Loan Phượng ăn xoài biển Đông”. Trong bài thơ Bên kia sông Đuống, nhà thơ Hoàng Cầm viết: “Ai về bên kia sông Ðuống/ Cho ta gửi tấm the đen/ Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên/ Những hội hè đình đám/ Trên núi Thiên Thai/ Trong chùa Bút Tháp” và trong thơ Tố Hữu: “Chí ta như núi Thiên Thai ấy/ Đỏ rực chiều hôm dậy cánh đồng”...

Sông Đuống (còn gọi là sông Thiên Đức) là một con sông dài khoảng 70km, chảy qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, nối sông Hồng và sông Thái Bình. “Em ơi buồn làm chi/ anh đưa em về sông Đuống/Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ/Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” (Hoàng Cầm). Sông Đuống, như hàng trăm năm nay vẫn hiền hòa, nghiêng nghiêng, ôm trọn trong mình biết bao huyền thoại, góp phần bồi đắp nên một nền văn hóa đặc trưng của mảnh đất Kinh Bắc giàu truyền thống, soi bóng những cây cầu hiện đại trong thời kỳ đổi mới và những đô thị đang chuyển mình mạnh mẽ, đổi thay từng ngày. Con sông thứ hai là sông Ngụ - con sông nhỏ phân chia ranh giới giữa huyện Gia Bình và huyện Lương Tài.

Giữa một vùng sông nước mênh mông và sự khoáng đạt của đất trời, cứ đi vài cây số, những người đam mê kiến trúc cổ và yêu thích lịch sử hẳn sẽ phải dừng chân khi bắt gặp những mái đình cổ kính, những ngôi chùa thâm nghiêm có niên đại hàng nghìn năm và những đền thờ các bậc danh nhân, anh hùng, hào kiệt của dân tộc ẩn chứa trong đó bao nỗi thăng trầm và cả những nỗi oan khuất trong những kỳ án trải hàng nghìn năm vẫn huyễn hoặc, mờ ảo dưới lớp bụi thời gian...

Tượng Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi tại đền Lệ Chi Viên.

Tượng Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi tại đền Lệ Chi Viên.

Kỳ án “nỏ thần”: Tương truyền Cao Lỗ (người làng Lớ, xã Cao Đức) là người chế ra nỏ liên châu, các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn, bắn một lần được nhiều mũi tên, còn được gọi là nỏ thần. Khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc, quân Triệu đã bị các tay nỏ liên châu bắn tên ra như mưa, thây chết đầy nội và phải lui binh. Đương thời, nỏ liên châu trở thành thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc. Triệu Đà bèn lập xảo kế thông gia, cho con trai là Trọng Thủy lấy con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Cao Lỗ phản đối, khuyên vua không nên nhận nhưng An Dương Vương không nghe ông mà nghe lời gièm pha của Lạc hầu. Cao Lỗ dần dần bị vua xa lánh, ông bỏ đi tìm nơi ở ẩn.

Sau khi Trọng Thủy biết được bí mật phòng thủ của An Dương Vương, về mách cho vua cha, Triệu Đà mang quân sang đánh Âu Lạc. An Dương Vương thua chạy. Quân Triệu đuổi theo. Cao Lỗ biết tin, ra đón đường chặn đánh quân Triệu cho vua chạy thoát nhưng do Mỵ Châu tin lời của Trọng Thủy, rải lông ngỗng theo sau để Trọng Thủy lần theo nên cả hai đã tử trận.

Kỳ án “Hồ Dâm Đàm”: Thái sư Lê Văn Thịnh nổi tiếng là người thông minh, hiếu học từ nhỏ. Năm 1075, triều đình nhà Lý mở khoa thi Minh kinh Bác học (là khoa thi đầu tiên của Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Thăng Long), ông đỗ đầu khoa thi, được tôn vinh là Trạng nguyên Khai khoa và được bổ nhiệm làm chức Thị Lang Bộ Binh, phụ trách dạy vua Lý Nhân Tông học. Năm 1084, vua Lý Nhân Tông cử ông đến trại Vĩnh Bình, biên giới Việt Trung (thuộc Cao Bằng ngày nay) để giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước. Với tài ngoại giao xuất sắc của ông, nhà Tống đã phải trả lại toàn bộ lãnh thổ đã chiếm đóng. Lê Văn Thịnh được triều đình nhà Lý thăng chức Thái Sư, là chức vụ cao nhất trong triều.

Ông là người có tài, liêm chính, có tư tưởng đổi mới nên bị bọn nịnh thần ganh ghét, tìm cách hãm hại. Năm 1096, ông bị vu oan tội “hóa hổ giết vua” tại hồ Dâm Đàm (Hồ Tây, Hà Nội). Trong buổi luận tội, các quan nịnh thần ghen ghét hùa vào bảo tội giết vua phải xử tội chết và tru di cửu tộc. Vì vua luôn kính trọng ông, người thầy uyên bác, trọng đức, trọng tài nên đã không xử tội chết, bắt ông đi đày ở Thao Giang thuộc vùng đất Phú Thọ ngày nay. Đến khi già yếu, hơi tàn, sức kiệt, ông tìm về quê hương nhưng đến xã Đình Tổ (thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh), ông trút hơi thở cuối cùng. Nhân dân Đình Tổ trọng tài đức của ông, đã chôn cất ông cẩn thận. Quê hương nội, ngoại của ông và làng Đình Tổ, nhiều làng khác đã tôn ông làm Thành Hoàng làng.

Tại đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh (xã Đông Cứu) lưu giữ một tượng rồng bằng đá nằm trong tư thế cuộn tròn đầu ngóc cao, miệng ngoạm vào thân, toàn thân có vẩy, đầu không có bờm râu, dáng nằm quằn quại, hai chân đang dùng những chiếc móng sắc nhọn như muốn xé toạc thân mình. Đặc biệt đôi tai: một bên thông, một bên bịt kín. Bức tượng nặng hơn 1 tấn, cao khoảng 0,9m, dài rộng mỗi chiều 1m. Từ bức tượng toát lên nỗi oan khuất ngút trời, sự đau đớn, vò xé, căm hận. Bức tượng đã lột tả tâm trạng oan khuất, bi oán, phản ánh được thông điệp của quá khứ gửi lại cho hậu thế về nỗi oan khiên của Thái sư Lê Văn Thịnh. Bức tượng này đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số: 2599/QĐ-Ttg ngày 30/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều nhà khoa học nhận định vụ án “Lê Văn Thịnh hóa hổ” chỉ là một màn kịch, được những đối thủ của Lê Văn Thịnh dựng nên một kỳ án oan khiên nhất trong lịch sử Đại Việt. Tuy nhiên, ai đứng đằng sau màn kịch này vẫn là câu hỏi lớn đối với các nhà nghiên cứu, các nhà sử học.

Kỳ án “Lệ Chi Viên”: Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, ngày 27 tháng 7 (âm lịch) năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Hải Dương. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4 tháng 8 (âm lịch), vua về đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định (nay thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Cùng đi với vua có bà Nguyễn Thị Lộ - một người thiếp của Nguyễn Trãi khi ấy đã vào tuổi 40, được vua Lê Thái Tông yêu quý vì xinh đẹp, lại có tài văn chương, luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi về đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với bà Nguyễn Thị Lộ rồi mất.

Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ đầu độc vua Lê Thái Tông. Ngay sau khi Thái tử Bang Cơ mới 2 tuổi lên nối ngôi (tức là Lê Nhân Tông), triều đình bắt Nguyễn Trãi tru di tam tộc (họ cha, họ mẹ, họ vợ), hơn 400 người thuộc 3 họ Nguyễn Trãi bị hành quyết vào ngày 16 tháng 8 (âm lịch) năm này.

22 năm sau, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi. Riêng với bà Nguyễn Thị Lộ, ông chỉ phê một câu: “Bà Lễ nghi học sĩ không can dự vào tội giết vua”.

Nguyễn Trãi vừa tài giỏi lại chính trực, mọi việc làm của ông đều là “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, thế nhưng trong vương triều thì Nguyễn Trãi lại không hợp lòng nhiều người.

Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng nguyên nhân đích thực của “kỳ án Lệ Chi Viên” là do Nguyễn Trãi biết Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh mang thai trước khi vào cung, nếu Nguyễn Trãi tâu với vua thì Nguyễn Thị Anh sẽ bị tội chết nên Nguyễn Thị Anh lập xảo kế giết vua rồi vu oan cho vợ chồng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.

Vụ án Lệ Chi Viên được xem là vụ án oan kinh hoàng nhất trong sử Việt, vô cùng thảm khốc đối với công thần Nguyễn Trãi - người hiền tài bậc nhất trong lịch sử dân tộc.

Thông điệp từ quá khứ

Đi dọc triền đê sông Đuống, dòng sông đỏ nặng phù sa phủ sương mờ ảo, ẩn hiện mấy chiếc thuyền câu, núi Thiên Thai uốn lượn trong sương mù như còn ấp ủ nỗi niềm oan khuất... Chúng tôi vào đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, rồi vào khu tưởng niệm Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, thắp nén hương tưởng nhớ các bậc hiền tài của đất nước, ai nấy đều bùi ngùi, xao xuyến, nghe như văng vẳng bên tai lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi nói về “Vụ án Lệ Chi Viên”: “Tội ác này lá rừng Việt không đủ để ghi. Vết nhơ đó nước biển Đông không đủ để rửa”. Bản Di bút của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh do một doanh nhân hiến tặng được treo trang trọng trên bức thuận, trong đền Lệ Chi Viên như lời tâm sự, chân tình đối với du khách: “Đất nước Việt Nam ta từ nhiều thế kỷ trước đến nay đã có không biết bao nhiêu anh hùng cứu nước và xây dựng đất nước. Nguyễn Trãi là một trong những bậc anh hùng đó. Tiếc thay một vị anh hùng đáng tôn kính đó lại bị kết liễu cuộc đời một cách rất thương tâm. Bài học của Nguyễn Trãi mong rằng các thế hệ ngày nay và mãi mãi sẽ là tấm gương sáng soi chung: mọi người phải noi gương oanh liệt của Nguyễn Trãi và những người có chức có quyền không được đối xử với biết bao người có công với đất nước như những bọn tham quan ô lại trước kia đã đối xử với Nguyễn Trãi một cách bất công”.

Ngẫm về những kỳ án trong lịch sử dân tộc, nhiều thế kỷ qua và mãi mãi về sau vẫn còn tiếp tục lay động tận đáy tâm can và làm rỏ máu trái tim người lương thiện như một lời nhắc nhở về đạo ứng xử đối với trung thần nghĩa sĩ của dân tộc!

Thời gian trôi đi, cuộc sống vẫn xoay vần, các giá trị tinh thần dân tộc, lòng trung trinh với đất nước và tâm hồn Việt vẫn ngời sáng và được tôn vinh theo đúng quy luật của sự sống! Các vụ kỳ án đã gieo rắc nỗi oan nghiệt cho bao bậc anh tài, đức sáng và nhiều người vô tội nhưng tên tuổi Trạng nguyên Khai khoa Lê Văn Thịnh; Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và vợ là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, Huyền quang Phật tổ Lý Đạo Tái và Cao Lỗ Vương... vẫn sáng láng, lung linh như những bức tượng đài trong lòng người dân Việt.


Hồng Minh
Ý kiến của bạn