Theo các nhà khoa học tại Đại học Harvard, thiên thạch S2 – lớn gấp 200 lần thiên thạch từng gây ra sự tuyệt chủng của khủng long – đã rơi xuống khu vực Nam Phi khoảng 3,26 tỷ năm trước.
Tàn tích của vụ va chạm này vẫn còn tồn tại ở Vành đai đá xanh Barberton, Đông Nam châu Phi - một trong những khu vực địa chất cổ xưa và được bảo tồn tốt nhất trên thế giới.
Mặc dù từ trước đến nay, người ta tin rằng những tác động từ thiên thạch có kích thước khổng lồ như vậy thường hủy diệt sự sống, nhưng nghiên cứu mới lại chỉ ra điều ngược lại.
Khi phân tích các mẫu đá, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thay vì phá hủy, vụ va chạm này có thể đã kích thích sự phát triển của sự sống trên hành tinh.
Tác động của vụ va chạm
Khi thiên thạch S2 va chạm với Trái Đất, nó gây ra những cơn sóng thần khổng lồ, cuốn theo đất đá từ đất liền xuống đại dương và khuấy động các kim loại nặng như sắt từ đáy biển.
Sự tương tác giữa sắt từ biển và phốt pho từ thiên thạch đã tạo ra một môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Đây có thể là một trong những bước quan trọng thúc đẩy sự phát sinh của các dạng sống đầu tiên.
Tiến sĩ Nadja Drabon, nhà địa chất học tại Đại học Harvard và là tác giả chính của nghiên cứu giải thích: "Chúng tôi từng nghĩ các sự kiện va chạm thiên thạch sẽ hủy diệt mọi sự sống. Nhưng nghiên cứu này chỉ ra rằng, những tác động như vậy có thể đã mang lại lợi ích cho sự sống, đặc biệt là trong giai đoạn ban đầu của hành tinh chúng ta".
Phát hiện từ các mẫu đá cổ đại
Nhóm nghiên cứu đã thu thập và phân tích 214 mẫu đá từ khu vực Vành đai đá xanh Barberton. Bằng cách xem xét các yếu tố hóa học và đồng vị carbon hữu cơ, họ đã có thể tái tạo lại chuỗi sự kiện sau vụ va chạm.
Kết quả chỉ ra rằng vụ va chạm không chỉ gây ra những biến đổi vật lý lớn mà còn tạo ra các điều kiện thuận lợi để sự sống phát triển.
Thiên thạch S2 đâm xuống Trái Đất đã làm sôi nước biển, đẩy khí quyển vào tình trạng nóng nực và bao phủ bề mặt hành tinh bằng một lớp bụi dày, ngăn cản ánh sáng mặt trời.
Tuy nhiên, thay vì tiêu diệt sự sống, điều này lại tạo ra các chất dinh dưỡng và môi trường giúp các vi khuẩn kỵ khí, những sinh vật không cần oxy để tồn tại, phát triển mạnh mẽ nhờ vào sắt từ đáy biển.
Các nhà nghiên cứu cho biết, có ít nhất 16 sự kiện va chạm thiên thạch lớn từng xảy ra trên Trái Đất trong thời kỳ cổ đại, gây ra nhiều biến đổi mạnh mẽ về khí hậu và môi trường. Vai trò của những sự kiện này trong sự phát triển của sự sống vẫn chưa được hiểu rõ.
Bài nghiên cứu kết luận: "Mặc dù nhiều loài gặp phải khó khăn, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các sự kiện va chạm lớn như vụ va chạm S2 có thể đã cung cấp một môi trường giàu dinh dưỡng và electron, giúp thúc đẩy sự phát triển của các sinh vật ban đầu".
Vụ va chạm khổng lồ này không chỉ là một thảm họa tự nhiên mà còn có thể là chất xúc tác cho sự phát triển của sự sống, mở ra những góc nhìn mới về cách sự sống có thể bắt đầu trên Trái Đất hàng tỷ năm trước.