Một thiên thạch trời có đường kính khoảng 30 m sẽ bay sát trái đất sau 4h sáng mai và nó không gây nguy hiểm cho hành tinh xanh.
2014 DX110, tên của thiên thạch, có đường kính khoảng 30 m và khối lượng 16.000 tấn. Nó sẽ bay gần địa cầu nhất vào 21h06 hôm 5/3 theo giờ UT (4h06 hôm 6/3 theo giờ Việt Nam). Khi đó khoảng cách giữa nó và hành tinh xanh vào khoảng 345.600 km, tương đương 9/10 khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng.
Đài thiên văn Great Shefford tại Anh đang theo dõi chuyển động của thiên thạch. Nó di chuyển với vận tốc 14,8 km/giây so với địa cầu, Space đưa tin.
Các nhà thiên văn của chương trình Pan-STARRS 1 phát hiện 2014 DX110 khi họ quan sát bầu trời vào ngày 28/2. Sau 82 phút từ khi bay sát trái đất, nó sẽ tiếp tục bay qua mặt trăng. Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), xác suất thiên thạch này lao trúng trái đất vào ngày 4/3/2046 là một phần mười triệu.
Nếu một thiên thạch đâm trúng trái đất, năng lượng và bụi từ vụ nổ sẽ lan tỏa khắp trái đất và hủy diệt nền văn minh trong thời gian ngắn.
Thuộc lớp thiên thạch Apollo (gồm những thiên thạch có quỹ đạo qua địa cầu và có thể đe dọa nền văn minh), 2014 DX110 hoàn thành một vòng quỹ đạo trong 1192 ngày, hay 3,26 năm. Mặt phẳng quỹ đạo của nó có độ nghiêng khá nhỏ - chỉ hơn 5,7 độ. Nó từng bay sát trái đất vào ngày 17/3/1998 và 22/3/1982. Trong năm nay, nó chịu lực hấp dẫn của trái đất từ ngày 4 tới 7/3 theo giờ Mỹ.
Thiên thạch 2014 DX110 bay gần trái đất nhất vào lúc 4h09 hôm 6/3. Khi đó khoảng cách giữa nó và địa cầu vào khoảng hơn 345.000 km.