Bài nghiên cứu gợi ý một số phương pháp giúp các điều dưỡng và nhân viên y tế hạnh phúc hơn tại nơi làm việc.
Điều dưỡng bị căng thẳng, kiệt sức - tình trạng phổ biến tại các cơ sở y tế
Sức khỏe của các y tá có lẽ là yếu tố quan trọng nhất để đem lại dịch vụ chăm sóc người bệnh chất lượng cao. Để mang tới kết quả tối ưu cho bệnh nhân và gia đình đòi hỏi y tá phải làm việc ở tình trạng sức khỏe tốt nhất, cả về thể chất lẫn tinh thần. Báo cáo Đánh giá rủi ro y tế của Hiệp hội Y tá Hoa Kỳ cho thấy: 82% y tá tin rằng họ có nguy cơ mắc bệnh ở mức đáng kể do căng thẳng tại nơi làm việc. Những người lãnh đạo bệnh viện và cơ sở y tế có thể giúp tạo ra một nơi làm việc lành mạnh và thúc đẩy các biện pháp can thiệp nhằm nâng cao sức khỏe cho đội ngũ y tá, và những nỗ lực này cũng sẽ giúp giữ các y tá ở lại lâu hơn với nghề.
Công việc điều dưỡng trong môi trường bệnh viện cần thường xuyên thay đổi để đáp ứng những nhu cầu khác nhau của bệnh nhân đã đặt ra nhiều thách thức hơn đối với điều dưỡng viên. Đặc biệt, do tính chất công việc ở một số mảng như chăm sóc tích cực hay cấp cứu...họ cũng đối mặt với nhiều căng thẳng hơn.
Hầu hết các điều dưỡng có thể đáp ứng các yêu cầu của môi trường bệnh viện; song, họ cũng có nguy cơ bị kiệt sức, thậm chí nhiều người đã phải bỏ nghề. Trong thời gian làm việc hạn chế, họ phải hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ chăm sóc điều dưỡng, khó có đủ thời gian tiếp xúc chất lượng với người bệnh và quan tâm đủ cho họ, vì thế nhiều khi điều dưỡng kết thúc ca trực trong cảm giác không mấy hài lòng.
Quản lý căng thẳng trong công tác lâm sàng trở nên quan trọng không chỉ với việc chăm sóc bệnh nhân mà còn đối với sức khỏe và thời gian làm việc lâu dài của điều dưỡng. Để giảm căng thẳng trong công việc, duy trì thời gian làm việc và đảm bảo sức khỏe cá nhân, họ có thể học cách quản lý công việc điều dưỡng lâm sàng thông qua việc phát triển khả năng chánh niệm — ý thức về khoảnh khắc hiện tại — như được dạy trong các chương trình thiền chánh niệm, chẳng hạn như chương trình thực hành Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MBSR).
MBSR là một chương trình hướng dẫn thực hành các kỹ thuật chánh niệm, thiền định và Hatha yoga, giúp tăng cường sức khỏe thể chất và tâm lý cho người tham gia. Trong chương trình này, người hướng dẫn được đào tạo chuyên nghiệp sẽ điều phối các buổi học 2,5 tiếng mỗi tuần trong suốt 8 tuần và một ngày tĩnh tâm. Học viên cũng sẽ thực hành các kỹ thuật đã học trong lớp hàng ngày. Khóa học hướng dẫn những người tham gia thiết lập thái độ cởi mở và không phán xét trong khi chú tâm, hiện diện với những người khác trong môi trường xung quanh. Thông qua khóa học này, những người tham gia cũng học được cách chấp nhận những trải nghiệm trong quá khứ của họ, bao gồm cả những khoảnh khắc đau đớn, khó khăn.
Thực hành chánh niệm giúp điều dưỡng gia tăng sự hài lòng với công việc và giảm tình trạng kiệt sức
Sue Penque, Phó chủ tịch bệnh viện cộng đồng Nassau ở Oceanside (New York), đã thực hiện một nghiên cứu để xác định tác động của chương trình Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MBSR) đối với lòng trắc ẩn tự thân, sự thấu cảm, trạng thái bình an nội tâm, và mức độ hài lòng với công việc ở y tá. Nghiên cứu đã mời được 83 y tá tham gia khóa học 8 tuần MBSR và có 61 y tá trong số đó hoàn thành khóa học. Kết quả của nghiên cứu này đã chỉ ra: thực hành chánh niệm có thể gia tăng lòng trắc ẩn tự thân và trạng thái bình an nội tâm ở y tá. Nghiên cứu cũng cho thấy, tình trạng kiệt sức của các y tá giảm rõ rệt sau khi tham gia khóa học.
Những phát hiện này đã chứng minh rằng, thực hành chánh niệm có thể là một phương pháp hiệu quả giúp giảm thiểu tình trạng kiệt sức trong công việc, cải thiện các yếu tố tâm lý, cụ thể như khả năng hiện diện, ý thức, lòng trắc ẩn tự thân và sự bình an nội tâm, nâng cao sức khỏe và hạnh phúc của y tá, từ đó có thể giúp giữ chân các y tá lâu hơn trong nghề. Lãnh đạo bệnh viện và các cơ sở y tế có thể dựa trên nghiên cứu này để khuyến khích thực hiện các chương trình thực hành chánh niệm trong bệnh viện, giúp họ chuyển hóa suy nghĩ tiêu cực và nhìn nhận lại, vượt qua những tình huống khó khăn.
Chánh niệm cần được thực hành thường xuyên để duy trì và phát huy hiệu quả của nó, do đó các y tá có thể tập hợp thành nhóm để cùng thực hành tại nơi làm việc. Những nhóm thực hành cũng giúp gia tăng sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau khi có thử thách, khó khăn. Ý tưởng này được tác giả Sue Penque khuyến nghị, vì chất lượng cuộc sống của các y tá, và cũng là vì chất lượng dịch vụ của chính các cơ sở y tế.
Xem thêm video được quan tâm:
Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội