Thiên tai, cháy nổ và tai nạn lao động trong sản xuất: Đừng để “đáng tiếc” quá muộn!

24-11-2020 11:45 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo báo cáo tai nạn lao động (TNLĐ) hàng năm, số vụ TNLĐ 6 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ năm 2019 và năm 2019 tuy có tăng 0,65% so với năm 2018 nhưng số vụ TNLĐ chết người, số người chết và số người bị thương nặng trong khu vực có quan hệ lao động năm 2019 giảm so với năm 2018 tương ứng là 1,04% số vụ có người chết, 1,93% số người chết và giảm 5,5% số người bị thương nặng.

Trong giai đoạn 2016-2018, sau khi triển khai Luật ATVSLĐ, tần suất tai nạn lao động ở một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ thể hiện xu hướng giảm, phản ánh rõ nhất là ở nhóm lao động trong lĩnh vực xây dựng; số vụ TNLĐ trong các ngành hóa chất, cơ khí - luyện kim, điện giảm mạnh so với giai đoạn 2013-2015.

Tuy nhiên, tình hình TNLĐ ở khu vực không có quan hệ lao động theo số liệu thống kê được trong các năm 2017-2019 thể hiện xu hướng tăng vì công tác thống kê, báo cáo TNLĐ chết người trong khu vực này bắt đầu được thực hiện từ cuối năm 2016 và đang được các địa phương quan tâm thống kê, báo cáo nên số liệu thu thập được cao hơn.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2018, trên cả nước xảy ra 24.934 vụ TNLĐ (trong đó có 2.669 vụ có người chết, bằng 11,2%; 319 vụ có từ 2 nạn nhân trở lên, bằng 1,3%); tổng số nạn nhân TNLĐ giai đoạn này là 25.653 người (trong đó có 7.765 nạn nhân là lao động nữ, bằng 30%; 2.829 nạn nhân chết, bằng 11%; 5.806 nạn nhân bị thương nặng, bằng 22,6%; số nạn nhân là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là 2.681 người, bằng 10%).

Tuy nhiên, số liệu thống kê này chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện tình hình TNLĐ trên cả nước do chỉ có khoảng 5-7% doanh nghiệp (DN) tuân thủ quy định báo cáo TNLĐ, chủ yếu là các DN hoạt động sản xuất công nghiệp quy mô lớn, việc chấp hành chế độ báo cáo, thống kê TNLĐ của DN vừa và nhỏ cũng như khu vực không có quan hệ lao động rất yếu; DN dịch vụ, cơ quan hành chính hầu như không báo cáo. Bên cạnh đó, còn tình trạng khi xảy ra TNLĐ, người sử dụng lao động che giấu, không khai báo mà thỏa thuận bồi thường với người lao động hoặc thân nhân người lao động bị chết.

Cần bổ sung các biện pháp an toàn phù hợp cho người lao động.

Cần bổ sung các biện pháp an toàn phù hợp cho người lao động.

Tai nạn lao động nghiêm trọng có tính lặp lại và xuất hiện những yếu tố nguy hiểm mới

Thật đáng phải suy nghĩ khi vụ TNLĐ chết người nghiêm trọng tại tỉnh Đồng Nai vào tháng 5/2020 vừa qua có tính lặp lại của vụ TNLĐ xảy ra ngày 15/3/2019 tại Khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long do Công ty TNHH Cơ khí Xây dựng công nghiệp Hưng Thịnh Phát là nhà thầu thi công cho Công ty TNHH BOHSING tỉnh Vĩnh Long làm chủ đầu tư, hậu quả làm 07 người chết và nhiều người bị thương. Hay gần đây là các vụ TNLĐ xảy ra tại công trình khai thác đá tại tỉnh Điện Biên làm 03 chết ngày 01/6/2020 do nổ bãi thuốc nổ đang được thi công, cũng có tính lặp lại của những vụ tai nạn trên công trường khai thác đá trước đây và nhiều vụ TNLĐ chết người trên công trường xây dựng do ngã cao, điện giật... cũng có tính lặp lại.

Vụ tai nạn sập công trình tại Khu Công nghiệp Giang Điền, tỉnh Đồng Nai xảy ra khi mà các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trở lại trạng thái bình thường mới sau giãn cách do dịch COVID-19. Vì một số DN phải dừng hoạt động nên đã có tới 55 người lao động tham gia xây dựng 01 bức tường nhà xưởng độc lập dài 109m, cao trên dưới 10m mà không hề có những biện pháp thi công an toàn phù hợp tại một khu công nghiệp lớn của một địa bàn trọng điểm công nghiệp dẫn đến hậu quả rất thảm khốc khi có tới 10 người chết và 14 người bị thương, thiệt hại này có thể sẽ nhỏ hơn rất nhiều, nếu ở điều kiện bình thường, công trường này chỉ có thể thu hút khoảng 5-10 lao động tham gia xây dựng và tai nạn sẽ không xảy ra khi khu nhà xưởng này được xây dựng đúng quy trình, khi lắp dựng khung nhà thép tiền chế trước, sau đó mới thi công bức tường, có các liên kết chịu lực với khung nhà và các cấu kiện khác.

Cháy nổ trong sản xuất vẫn xảy ra nghiêm trọng

Trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462ha rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3ha rừng.

Trong giai đoạn 2014-2018, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng mới 96.792 phương án chữa cháy, tổ chức thực tập 52.032 phương án, trong đó có 3.642 phương án xử lý tình huống cháy, nổ lớn có huy động nhiều lực lượng tham gia nhằm tăng cường khả năng phối hợp, hiệp đồng trong xử lý các vụ cháy lớn. Lực lượng Cảnh sát PCCC đã phối hợp với các lực lượng tổ chức cứu chữa và dập tắt 9.612 vụ cháy (chiếm 73,1%); hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng nghìn người trong đám cháy. Nhiều vụ cháy được Cảnh sát PCCC và nhân dân khống chế kịp thời, không để xảy ra cháy lớn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở như ở các khu công nghiệp, DN, nhà xưởng... chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, việc thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó; nhiều phương án chữa cháy sơ sài, tình huống giả định cháy thường có diện tích nhỏ, dễ xử lý, chưa sát với thực tế. Có một số vụ cháy nhỏ không được dập tắt kịp thời nên đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Tai nạn do thiên tai đang gây những hậu quả thảm khốc

Thảm họa thiên nhiên trong thời gian gần đây đang ngày càng trở nên khốc liệt hơn với các đợt lũ lụt, cháy rừng nghiêm trọng xảy ra ở khắp mọi nơi. Điển hình là thiên tai đã gây thiệt hại lớn với con số đáng báo động.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do biến đổi khí hậu và phá rừng, phát triển thiếu quy hoạch. Theo Công ty Tái bảo hiểm Munich Re của Ðức, thiên tai đã gây thiệt hại 150 tỷ USD trên toàn cầu trong năm 2019, tăng 10 tỷ USD so năm 2018. Năm ngoái, khoảng 9.000 người đã thiệt mạng trong 820 thảm họa thiên nhiên trên thế giới.

Theo dự báo sơ bộ của Munich Re, bão Hagibis và Faxai là thảm họa thiên tai tàn khốc nhất trong năm 2019 tại Nhật Bản, gây tổng thiệt hại 26 tỷ USD. Quỹ từ thiện Christian Aid cho biết, trong năm 2019, thế giới trải qua nhiều thảm họa thiên tai và ít nhất 15 thảm họa trong số đó gây thiệt hại hơn 1 tỷ USD, thậm chí 7 thảm họa có mức thiệt hại ít nhất 10 tỷ USD.

Từ tình hình TNLĐ, cháy nổ và những vụ sự cố sập nhà xưởng do giông lốc, những vụ tai nạn sự cố sập đổ công trình và các vụ cháy nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nêu trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tai nạn, sự cố thảm khốc do ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và cả những nguyên nhân từ lỗi của con người trong quản lý các công trình, nhà xưởng, từ sự thiếu ý thức và cả kiến thức, trách nhiệm của các chủ đầu tư, nhà thầu, người sử dụng lao động đến an toàn lao động và công trình, nhà xưởng.

Qua đó, đang đòi hỏi cấp thiết những hành động cương quyết của tất cả các cấp trong việc phải rà soát ngay những công trình, nhà xưởng công nghiệp, nhà máy có nguy cơ cao mất an toàn, cháy nổ, để đánh giá mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn, cháy nổ từ nhiều yếu tố, từ tự nhiên đến con người, qua đó điều chỉnh kịp thời các tiêu chuẩn, quy chuẩn và đặc biệt là bổ sung các biện pháp an toàn phù hợp, đảm bảo thi công công trình, duy trì các nhà xưởng, công trình trong các điều kiện thay đổi khác nhau.


Tân Bình
Ý kiến của bạn