Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết sách không ngừng nghỉ
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những người tiên phong đưa Phật giáo của Việt Nam qua phương Tây, thành lập các tu viện và hàng chục trung tâm tu tập ở Mỹ và châu Âu, cùng với hơn 1.000 cộng đồng thực hành chánh niệm được gọi là "sanghas".
Dành trọn đời mình cho Phật pháp, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xây dựng một cộng đồng thịnh vượng gồm hơn 600 nhà sư và nữ tu trên toàn thế giới, cùng với hàng vạn sinh viên đang theo học, áp dụng các giáo lý về chánh niệm, hòa bình và xây dựng cộng đồng trong các trường học, nơi làm việc, kinh doanh trên toàn cầu.
Không chỉ là một tăng sĩ Phật giáo Việt Nam nổi tiếng trên thế giới, Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn là một giáo viên, nhà văn – nhà thơ và nhà hoạt động vì hoà bình được kính nể khắp thế giới, với những lời dạy mạnh mẽ và các cuốn sách bán chạy nhất về chánh niệm và hòa bình.
Ở địa hạt văn chương, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đến nay đã xuất bản hơn 100 quyển sách về thiền định, chánh niệm và Phật giáo, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Các tác phẩm của Thiền sư được dịch sang tiếng Pháp, Đức, Ý, Nga, Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Việt Nam… và đồng thời lưu hành ở các quốc gia này.
Đặc biệt hơn cả, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những tác giả người Việt đã bán được hơn 3 triệu cuốn sách ở Mỹ, trong đó phải kể đến các tác phẩm nổi tiếng nhất: An lạc từng bước chân, Phép lạ của sự tỉnh thức, Đường xưa mây trắng, Giận, Chúa ngàn đời, Bụt ngàn đời, Hạnh phúc là việc bên trong, ...
Khi còn khỏe mạnh, Thiền sư Thích Nhất Hạnh thường xuyên có những bài viết trên tạp chí của nước ngoài, cũng như các bài thơ, những câu chuyện về trẻ em, các bài bình luận về các văn bản Phật giáo cổ được dư luận chú ý và đánh giá cao.
Mặc dù tuổi cao, sức khoẻ có phần suy giảm, nhưng với ý chí mạnh mẽ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đến nay đã viết gần 100 quyển sách văn xuôi, thơ và cầu nguyện. Cuốn sách mới nhất trong năm 2021 của Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa được in bản đặc biệt có tên gọi Fear - sợ hãi.
Fear - sợ hãi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh có gì đặc biệt?
Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cách duy nhất để bớt đi lo sợ và thật sự hạnh phúc là nhận diện lo sợ và quán chiếu gốc rễ của lo sợ. Thay vì tránh né, ta sử dụng khả năng tỉnh giác và quán sát tinh tường để nhìn sâu vào nỗi sợ. Năng lực chánh niệm, sự có mặt của thân và tâm trong giây phút hiện tại sẽ giúp chúng ta chuyển hóa mọi nỗi lo sợ.
Khi chúng ta sử dụng chánh niệm để đối diện lo sợ thì chúng ta sẽ ý thức rằng chúng ta đang sống, rằng chúng ta còn có những gì ta trân quý và yêu thích. Nếu không phí thì giờ đè nén, bận tâm vì lo sợ, ta sẽ có thì giờ vui hưởng nắng ấm, trời trong, gió lành. Nếu quán chiếu sâu sắc và tỏ tường lo sợ thì ta sẽ khám phá ra rằng ta có thể sống một cuộc đời đáng sống.
Nỗi lo sợ lớn nhất là sợ rằng khi chết ta không còn là gì nữa. Để thực sự giải thoát khỏi nỗi sợ đó, ta phải nhìn sâu dưới cái nhìn bản môn để thấy được bản chất không sinh không diệt của ta. Phải từ bỏ định kiến rằng ta chỉ có một thân xác này và nó sẽ tàn hoại khi ta chết. Hiểu rằng ta không chỉ là một thân xác, rằng ta không đến từ hư không và sẽ tan biến vào hư không. Hiểu như thế ta sẽ giải thoát khỏi lo sợ.
Cuốn sách Fear - sợ hãi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh với hơi thở, với tỉnh thức, chúng ta có thể đối xử với bất cứ điều gì xảy đến cho ta, để chúng ta cùng nhận diện không sợ hãi không chỉ là thói quen tốt mà còn là một niềm vui thâm diệu. Mỗi khi tâm ta không có sợ hãi, ta được tự do. Không ai có thể cho ta sự không sợ hãi.
Ngay khi có đức Bụt ngồi đó bên cạnh, ngài cũng không thể cho bạn sự không sợ hãi. Nếu bạn tập được thói quen chánh niệm thì khi gặp khó khăn, bạn sẽ biết là bạn phải làm gì. Những phương pháp thực tập chánh niệm để ta nhận diện, trị liệu, chuyển hóa và vượt qua lo sợ sẽ được truyền tải trong cuốn sách.
Phiên bản đặc biệt của sách Fear -Sợ hãi, cuốn sách mừng ngày tiếp nối của Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 2021 vừa được thực hiện. Đây là một món quà tri thức mang thông điệp về sự bình tâm và vô úy.
Án bản đặc biệt của Fear -Sợ hãi có phần bìa sách được chế tác từ giấy dó nâu cậy, loại giấy được làm thủ công từ vỏ cây dó bởi các nghệ nhân làng nghề Đống Cao, Bắc Ninh. Đầu tiên, giấy được làm theo các bước làm giấy dó truyền thống, tiếp đó giấy được seo với bột giấy đã được nhuộm màu nâu thẫm.
Phần hộp sách được chế tác từ giấy dướng thả lá - loại giấy dó được làm từ vỏ cây dướng nên còn gọi là giấy dướng, được làm hoàn toàn thủ công bởi các nghệ nhân tại Hòa Bình. Nghệ nhân sử dụng các loại lá tại địa phương như lá tràm, lá tre… để điểm xuyết cho tờ giấy. Các loại lá được rửa sạch, giã nhỏ và rắc vào trong khi seo giấy. Sau khi giấy được phơi khô, lá ẩn mình cùng với bột giấy tạo nên những tờ giấy có hoa văn độc đáo, gần gũi với thiên nhiên.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị COVID-19 tại nhà