Thiện Nhân - Câu chuyện thấm đẫm tình người

17-06-2016 07:10 | Thời sự
google news

SKĐS - Sinh ra đã bị bỏ rơi, bị động vật ăn mất một chân, bộ phận sinh dục, từng khiến dư luận bàng hoàng, xót xa và lo lắng, thế nhưng cậu bé Thiện Nhân vẫn vươn lên đầy mạnh mẽ, trở thành tấm gương tiêu biểu về khát vọng sống. 10 năm sau buổi tối đặc biệt tại Khoa Sản, Bệnh viện Quảng Nam, các y bác sĩ lại có dịp ôn lại những ký ức về ý chí, tình người bên “chú lính chì dũng cảm” Thiện Nhân năm ấy…

Lễ đầy tháng có một không hai

Một buổi tối, cả Bệnh viện Quảng Nam xôn xao vì hình ảnh một sinh linh nhỏ bé vừa mới ra đời đã bị cắt cụt cả chân và bộ phận sinh dục. BS. Tố Trinh trực lãnh đạo tặng khoảng 100ml máu B đồng nhóm để truyền cho em bé. Sau 1 giờ 30 phút căng thẳng trong phòng mổ, BS. Nguyễn Tải cũng hoàn tất những nốt khâu cuối cùng để chuyển sinh linh nhỏ bé ấy qua phòng hồi sức.

Sáng ngày hôm sau, nhân viên y tế lẫn người nhà đi thăm hỏi sức khỏe của đứa bé sơ sinh ấy với nhiều tâm trạng khác nhau, người thương xót, kẻ hiếu kỳ, người lo lắng vì không biết đứa bé có chịu nổi giai đoạn hậu phẫu nặng nề ấy không? Vậy mà giống như có phép nhiệm màu nào đó được ban tặng, đứa trẻ vẫn hồng hào và đầy sức sống, chống chọi với nỗi đau đầu đời, mới sinh ra đã phải gánh chịu.

Thiện Nhân (ngoài cùng bên phải) cùng mọi người trong một hoạt động kêu gọi phẫu thuật cho trẻ kém may mắn.

Sau 2 ngày tại Khoa hồi sức, đứa trẻ được chuyển về Khoa Sản. Các thành viên trong khoa đưa vào một phòng tương đối đặc biệt, đó là phòng trực tầng 2 để mọi người thay phiên nhau chăm sóc, cả giờ hành chính lẫn giờ trực. Có một sức mạnh vô hình nào đó tiếp sức cho cậu bé, vết thương bộ phận sinh dục, chỗ cái khe ấy vừa nước tiểu vừa phân hằng ngày chỉ rỉ ít dịch mà không bị nhiễm khuẩn nặng nề như mọi người tiên lượng trước đó.

Ngày này qua ngày khác, một số tổ chức, cá nhân đem sữa đến cùng với Khoa Sản nuôi đứa bé. Trong những ngày ấy, những bác sĩ và nữ hộ sinh Khoa Sản thay phiên nhau bồng ẵm… Không có hơi ấm của mẹ và những người trong gia đình, nhưng trong vòng tay thương yêu của các bác, các cô, em lớn từng ngày như thổi.

Thấm thoắt gần 30 ngày, các bác sĩ trong Khoa lại họp bàn làm cho cậu bé một lễ đầy tháng: phân công người nấu xôi, chè, bánh trái, cắm hoa và cả người đứng cúng lễ đặt tên. Ngày ấy, nhìn đứa trẻ thấy thật thương, chỉ cầu mong sau này cậu không oán hận hoàn cảnh đã làm cho cậu trở thành người “đái ngồi” bất đắc dĩ, BS. Kiều Trinh chỉ cầu mong cậu bé lớn lên sống đủ nghĩa của một con người với tên Thành Nhân nhưng rồi sau khi ngồi uống cà phê, với sự góp ý của BS. Huỳnh Hiếu, chữ Thiện được thay cho chữ Thành và cái tên Thiện Nhân ra đời từ đó.

Ngày hôm sau, buổi lễ đầy tháng được tổ chức thật hoành tráng, đầy ấm cúng. Hôm ấy, BS. Sách phụ trách phần trang trí hoa, ban thờ cúng lễ. BS. Trần Thọ và BS. Hiếu đứng lạy 12 bà mụ, còn mời thêm Giám đốc và Phó Giám đốc BV xuống tham dự và có cả một “nhiếp ảnh gia” nhí Y.B. chụp hình và hoàn thành một album ý nghĩa “Đầy tháng Thiện Nhân”.

Vậy đó, Thiện Nhân đã ở lại và sống với Khoa Sản trong những ngày đầu đời của bé… Sau gần 2 tháng, bé cứng cáp và được chuyển về nhà cho bà ngoại của bé…

Người mẹ thứ hai

Cuộc đời có những duyên phận nhất định. Số phận run rủi cho bé Thiện Nhân gặp được mẹ Trần Mai Anh và cuộc đời cậu bé chuyển sang bước ngoặt mới. Cậu đã lớn lên trong sự yêu thương vô bờ bến của mẹ Mai Anh. Người mẹ mới của Thiện Nhân đã “chở” bé trên đôi vai gầy guộc nhỏ bé, đi khắp cùng trời cuối đất, để lấy lại những gì đã mất cho bé. Và cứ như cuộc đời không phụ người tốt, cậu bé ấy đã gặp các bác sĩ nổi tiếng thế giới và đã giúp đỡ “chú lính chì dũng cảm” ấy quay về với đúng nghĩa nam nhi.

Đạo diễn Đặng Hồng Giang đã thực hiện bộ phim tài liệu mang tên Lửa Thiện Nhân dài 77 phút kể lại câu chuyện trên. Phim vừa được công chiếu tại một số rạp phim Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Xem phim này, nhiều khán giả đã rơi nước mắt vì thấy ý chí vượt lên số phận, tình người và tính nhân văn mà tác phẩm đề cập tới.

Bộ phim kể về hành trình vất vả và đầy xúc động “tìm lại chính mình” của cậu bé từng chịu nỗi đau tột cùng ngay khi vừa sinh ra đã bị bỏ rơi, cơ thể đầy kiến bu, thú vật ăn mất một chân và bộ phận sinh dục đến những ngày đầu tiên về nhà mẹ nuôi Mai Anh, ghẻ lở đầy người, ăn nhiều đến mức cả nhà phải giấu đồ ăn vì sợ no quá mà chết. Không những kể câu chuyện đời nhiều giá trị về tính nhân văn, “Lửa Thiện Nhân” còn lan truyền hơi ấm sang các bạn nhỏ bất hạnh khác…

Hơn ai hết, các y, bác sĩ Khoa Sản, Bệnh viện Quảng Nam, những con người đã chung tay thắp lửa để ngọn “lửa Thiện Nhân” luôn cháy và cháy rực rỡ chính là những người đã dựng lên một câu chuyện thấm đẫm tình người, với những chi tiết như chỉ có trong điện ảnh.


BS. Trinh Nguyễn
Ý kiến của bạn