Thiện nguyện xây nhà vệ sinh cho trẻ em nghèo vùng cao: Tưởng dễ nhưng lại rất khó!

09-05-2023 16:01 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhà vệ sinh không vệ sinh, nhà vệ sinh nhưng lại không dùng để vệ sinh… đó là câu chuyện không chỉ của riêng các trường học dưới xuôi mà những nơi vùng sâu, vùng xa đều đang gặp phải.

Chưa vội bàn về ý thức khi đi vệ sinh. Hãy nhìn thẳng vào chất lượng sử dụng nhà vệ sinh ở các trường học như thế nào và nó có thực sự đáp ứng nhu cầu của học sinh hay không? Với mức độ quan tâm và hỗ trợ 'khiêm tốn' như hiện nay, hầu hết vấn đề này chưa được chú trọng. Đặc biệt tình trạng không có nhà vệ sinh ở các điểm trường tiểu học miền núi khiến nhiều người băn khoăn.

Thiện nguyện xây nhà vệ sinh cho trẻ em nghèo vùng cao: Tưởng dễ nhưng lại rất khó! - Ảnh 1.

Phát áo mùa đông, tặng áo ấm, xây nhà tủ sách, hỗ trợ thực phẩm cho bà con vùng cao là những chương trình thường được những nhóm thiện nguyện tổ chức hàng năm/ hàng quý tại những địa phương khó khăn. Nhưng đi ngược lại với số đông, chương trình xây nhà vệ sinh cho các điểm trường vùng cao lại được nhóm anh chị em Thiện nguyện VAECO HAN hướng đến trong những năm qua.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm thiện nguyện này đã huy động ủng hộ và xây dựng được nhà vệ sinh thứ 8 dành cho các em học sinh tại nhiều điểm trường khó khăn chưa có nhà vệ sinh khác nhau.

Thiện nguyện xây nhà vệ sinh cho trẻ em nghèo vùng cao: Tưởng dễ nhưng lại rất khó! - Ảnh 2.

Thực tế tại điểm trường Bản Na Pô, Bản Rào xã Na Khê, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang là nơi giáp với biên giới Trung Quốc và thực sự khó khăn, thiếu thốn. Điểm trường Na Pô (cách trung tâm xã Na Khê 22km) có 48 học sinh và 2 cô giáo nhưng chỉ có 3 phòng học (mỗi phòng 35m2).

Đặc biệt, ở điểm trường này hoàn toàn không có nhà vệ sinh, học sinh muốn giải quyết nhu cầu có thể đi ra khu đất trống hoặc đi vào bụi, hoặc sườn núi. Riêng đối với giáo viên đang thực hiện công tác giảng dạy không thể đi về trong ngày được nên phải đi ở nhờ nhà dân quanh bản.

Còn tại điểm trường Bản Rào (cách trung tâm xã Na Khê 27km) có 28 học sinh, có 1 nhà vệ sinh tạm quây bằng bạt. Tuy vậy, rất ít học sinh chọn nhà quây này mà thường ra bên ngoài đi vệ sinh.

Anh Trần Ngọc Anh (Trưởng nhóm Thiện nguyện VAECO HAN) cho biết: "Sau khi trao đổi, thống nhất và được sự nhất trí của chính quyền địa phương, đồn biên phòng Bạch Đích, trường mầm non xã Na Khê. Nhóm Thiện Nguyện VAECO HAN quyết định đầu tư xây dựng ủng hộ 2 nhà vệ sinh (mỗi nhà vệ sinh gồm 3 phòng, 1 phòng nam, 1 phòng nữ, 1 phòng vệ sinh/ nhà tắm cho các cô giáo với đầy đủ téc nước, vòi rửa, chậu rửa, điện đèn".

Cũng theo anh Ngọc Anh: "Chi phí xây dựng tại điểm trường Na Pô và Bản Rào với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 70 triệu VNĐ (bà con dân bản hỗ trợ san lấp mặt bằng, đào móng, vận chuyển nguyên vật liệu). Đây chính là 2 nhà vệ sinh thứ 7 và 8 mà Nhóm xây dựng".

Thiện nguyện xây nhà vệ sinh cho trẻ em nghèo vùng cao: Tưởng dễ nhưng lại rất khó! - Ảnh 3.

Có thể thấy ở dưới xuôi, chi phí để xây dựng nhà vệ sinh rơi vào khoảng từ 20 -30 triệu đồng. Tuy nhiên, tại 2 điểm trường này cùng nhiều điểm trường khác mà nhóm xây dựng đều đắt gấp đôi do việc di chuyển nguyên vật liệu, san lấp mặt bằng máy móc gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí đường đi vào những điểm trường này 1 bên là vực, bên kia là núi đá tai mèo khiến nhiều đơn vị từ chối thực hiện.

Vậy mới nói, xây nhà vệ sinh: Tưởng dễ nhưng lại rất khó! Đặc biệt đối với những nơi cuộc sống người dân vẫn còn nghèo, có địa hình phức tạp, địa bàn là vùng núi hiểm trở và dân cư thưa thớt.

Thiện nguyện xây nhà vệ sinh cho trẻ em nghèo vùng cao: Tưởng dễ nhưng lại rất khó! - Ảnh 4.

Sắp tới, trước dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6, 2 nhà vệ sinh tại 2 điểm trường này sẽ khánh thành và bàn giao lại cho nhà trường. Hi vọng, công trình này sẽ trở thành nhà vệ sinh đúng nghĩa. Và các em học sinh vùng cao sẽ yêu trường, yêu lớp nhiều hơn, hãy cố gắng vượt thoát ra khỏi những dãy núi trập trùng vì ở đâu đó có những người tử tế luôn khao khát các em thoát nghèo!


PV
Ý kiến của bạn