Hà Nội

Thiền định giúp giảm đau loại nặng

17-04-2016 14:18 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - . Hiện nay người ta đang kỳ vọng vào một biện pháp không dùng thuốc là thực hành thiền định và bắt đầu có chứng cứ xác định tác dụng kỳ diệu của biện pháp này.

Hiệp hội Quốc tế Nghiên cứu về Đau (International Association for the Study of Pain) vào năm 1979 đã cho định nghĩa về đau gắn liền với khổ như sau: “Đau là một kinh nghiệm khó chịu về mặt cảm giác (sensory) và cảm xúc (emotional) liên quan đến tổn thương có thật trong cơ thể hoặc tổn thương tiềm tàng hoặc được mô tả như có tổn thương!”.

Định nghĩa cho thấy đau không chỉ là cảm giác mà là phức hợp gồm cảm giác, nhận thức, tình cảm, tâm lý. Tức là đau không chỉ đau mà còn gắn liền với khổ như chữ “đau khổ” mà tiếng Việt ta rất khéo diễn tả.

Đau là gì?

Đau là triệu chứng thường hay gặp ở người bệnh. Khi bị đau, phản ứng tự nhiên của con người là tìm cách giảm và hết đau. Vì vậy, thuốc giảm đau là loại thuốc được dùng thường xuyên và phổ biến nhất. Từ lâu cho đến nay và mãi về sau trong tương lai rất xa, con người vẫn phải chữa đau bằng thuốc. Hiện nay, người ta vẫn chưa tìm ra loại thuốc giảm đau nào hoàn toàn không có tác dụng phụ có hại. Nếu một loại thuốc giảm đau nào không gây nghiện như nghiện ma túy (morphin là thuốc giảm đau rất tốt nhưng chính nó nếu dùng ngoài mục đích điều trị y khoa thì đó là ma túy) thì hoặc thuốc đó gây hại dạ dày (như aspirin) hoặc hại gan (như paracetamol) hoặc làm khởi phát hen suyễn, làm tăng huyết áp (như nhiều thuốc chống viêm không steroid)… Khổ nỗi, khi bị đau là người ta tìm cách thoát khỏi cơn đau ngay bằng cách dùng thuốc. Lạm dụng thuốc giảm đau đưa đến bị tai biến do thuốc giảm đau ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe trên toàn thế giới.

Ba bậc dùng thuốc giảm đau

Để giúp việc sử dụng thuốc giảm đau hợp lý và giảm thiểu các tai biến do thuốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề ra 3 bậc thang dùng thuốc giảm đau như sau.

Bậc 1 là khi đau nhẹ và vừa, ta nên dùng thuốc giảm đau thông thường mua không cần có đơn thuốc của bác sĩ (gọi là thuốc OTC, viết tắt của Over The Counter tức thuốc mua tại quầy nhà thuốc) là paracetamol hoặc thuốc nằm trong nhóm có tên gọi chung là thuốc chống viêm không steroid (viết tắt là NSAID, gồm có: aspirin, ibuprofen, diclofenac…). Nếu dùng thuốc giảm đau bậc 1 là paracetamol hay aspirin không cải thiện đau, có nghĩa người bệnh bị đau ở bậc cao hơn tức nặng ở bậc 2 hoặc đau dữ dội như đau ung thư là đau bậc 3. Lúc này phải dùng đến thuốc giảm đau là loại gây nghiện có nguồn gốc thuốc phiện với loại gây nghiện trung bình như codein hoặc loại gây nghiện mạnh như morphin. Thuốc giảm đau bậc 2 và 3 có tính chất gây nghiện bắt buộc phải để cho bác sĩ điều trị chỉ định, tức là chỉ dùng khi có đơn thuốc được ghi bởi bác sĩ, và bác sĩ cho dùng vì đau nặng hoặc rất nặng.

Thiền định giúp giảm đau

Trong điều trị nhiều bệnh, ngoài việc dùng thuốc còn có phương thức trị liệu gọi là không dùng thuốc. Biện pháp không dùng thuốc thường không có tác dụng trị liệu nhanh và mạnh như biện pháp dùng thuốc nhưng bù lại, đây là biện pháp không hoặc rất ít gây hại. Hiện nay người ta đang kỳ vọng vào một biện pháp không dùng thuốc là thực hành thiền định và bắt đầu có chứng cứ xác định tác dụng kỳ diệu của biện pháp này.

Trước đây, có nhiều nghiên cứu đề cập các thử nghiệm lâm sàng chứng minh thiền định giúp giảm đau với các hình ảnh chụp não bộ rất rõ ràng. Đặc biệt, nhờ kỹ thuật đo fMRI (functional magnetic resonance imaging) các tác giả đã xác định rất rõ các vùng não bộ chịu trách nhiệm về cảm giác đau và khi giảm đau thì những vùng này có sự thay đổi hình ảnh rất cụ thể. Không những thế, các công trình nghiên cứu bước đầu cho thấy con người có thể giải mã phần nào cái gọi là “thần diệu bất khả tri” của thiền định. Kinh nghiệm thiền định không chỉ người nào thực hành người đó biết nữa mà nay có thể chứng minh cho người khác biết bằng tiến bộ của khoa học.

Thiền giúp giảm đau loại nặng không thua thuốc opioid gây nghiện

Khi bị đau nặng hoặc rất nặng (như đau ung thư), người phải dùng đến thuốc giảm đau rất mạnh là các thuốc có nguồn gốc thuốc phiện được gọi chung là các dẫn chất opioid (xuất phát từ opium là thuốc phiện). Đây cũng là các thuốc mà người nghiện ma túy sử dụng, vì thực chất opioid cũng chính là ma túy (nếu dùng ngoài mục đích chữa bệnh). Opioid là thuốc giảm đau gây nghiện, và dùng các thuốc giảm đau nhóm opioid đúng là dùng con dao hai lưỡi mà lưỡi rất sắc là gây hại. Một mặt chúng giúp giảm các cơn đau dữ dội và mạn tính, mặt khác chúng gây thảm họa cho biết bao triệu người trong xã hội từ trước đến nay - từ chỗ nghiện thuốc giảm đau opiod dẫn đến nghiện ma túy và gây biết bao nhiêu tệ nạn khủng hoảng toàn cầu.

Mới đây, thông tin rất vui đã đến là thiền định bước đầu được chứng minh có thể dùng thay thế thuốc giảm đau opioid gây nghiện để trị đau loại nặng.

Các nhà khoa học của Trung tâm Y khoa Wake Forest Baptist (Bắc Carolina, Mỹ) thông qua nghiên cứu mới đây đã ghi nhận thiền có thể thay thế thuốc opioid trị hiệu quả đau mạn tính.

Bác sĩ Fadel Zeidan, giáo sư giải phẫu sinh lý thần kinh của Trung tâm Y khoa Wake Forest Baptist, phát biểu: “Qua thử nghiệm lâm sàng về thiền, chúng tôi chứng minh thiền giúp giảm đau nhưng không vận hành qua hệ thống thụ thể opioid của cơ thể như các thuốc opioid”.

Tức là, theo phát biểu của bác sĩ Zeidan, tác dụng giảm đau của thiền định có thể theo con đường khác, không thông hệ thống thụ thể opioid của cơ thể để không ức chế sự tiết ra opioid nội sinh là các endorphin (ma túy nội sinh do chính cơ thể tiết ra).

Trong nghiên cứu, bác sĩ Zeidan và các cộng sự đã tuyển 78 người tình nguyện khỏe mạnh, và chia thành 4 nhóm. Nhóm thứ nhất thực hành thiền và tiêm naloxon là chất đối kháng với opioid nội sinh (endorphin), nhóm thứ hai thực hành thiền và tiêm giả dược (nước muối sinh lý), nhóm thứ ba chỉ tiêm naloxon, nhóm thứ tư chỉ tiêm giả dược tức nước muối đơn thuần để đối chứng.

Sau đó, các nhóm được gây đau nặng (dùng nhiệt) và đánh giá mức độ đau bằng thang điểm. Nhóm thực hành thiền và tiêm naloxon giảm đau đến 24%, nhóm thực hành thiền và dùng giả dược (tiêm nước muối sinh lý) mức độ đau cũng giảm được 21%. Trong khi các nhóm thử nghiệm không thực hành thiền cho thấy mức độ đau tăng lên đáng kể.

Nhóm nghiên cứu tin rằng phương pháp thiền có thể được kết hợp hoặc thay thế các phương pháp điều trị truyền thống để góp phần làm giảm đau mà không bị gây nghiện, tránh được các tác dụng phụ có hại và hệ lụy mà thuốc giảm đau opioid gây ra.

Nhóm nghiên cứu tin rằng phương pháp thiền có thể được kết hợp hoặc thay thế các phương pháp điều trị truyền thống để góp phần làm giảm đau mà không bị gây nghiện, tránh được các tác dụng phụ có hại và hệ lụy mà thuốc giảm đau opioid gây ra.


PGS.DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Ý kiến của bạn