Bệnh làm tổn hại đến các dây thần kinh mắt khiến người bệnh nhìn mờ và đau đầu, có thể gây mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
Triệu chứng cơ bản có thể nhận biết sớm
Bệnh glôcôm có nhiều thể bệnh và nhiều nguyên nhân khác nhau, do vậy, triệu chứng biểu hiện cũng rất khác nhau tùy thể loại bệnh. Trong đó, glôcôm chủ yếu được chia làm 2 thể bệnh chính là glôcôm góc đóng và glôcôm góc mở. Nguy hiểm hơn, ở giai đoạn sớm của 2 thể bệnh này, triệu chứng biểu hiện không rõ ràng và thường bị bỏ qua.
Nhức mắt, nặng mắt thoáng qua: bệnh glôcôm xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm trong thời gian dài, nhiều bệnh nhân không cảm thấy đau nhức mắt, một số trường hợp đôi khi thấy mắt căng tức nhẹ thoáng qua hoặc nhức quanh hốc mắt.
Mờ mắt thoáng qua: ở giai đoạn sớm khi tình trạng nhãn áp tăng lên có thể làm nhìn mờ như sương mù hoặc nhìn nhòe trong 1 thời gian ngắn. Sau đó, khi áp lực mắt giảm xuống, bệnh nhân nhìn rõ trở lại, triệu chứng này có thể gặp ở nhiều bệnh khác nhưng mờ mắt thoáng qua xảy ra cùng lúc với nhức mắt là dấu hiệu nghi ngờ rõ nhất của bệnh glôcôm.
Nhìn thấy hào quang: khi nhãn áp tăng, bệnh nhân đôi khi sẽ thấy quầng sáng xanh đỏ khi nhìn vào đèn. Tình trạng này có thể kéo dài cả buổi và lập đi lập lại trong một khoảng thời gian.
Nhức đầu: nhức đầu là triệu chứng của rất nhiều bệnh, trong đó cao huyết áp là bệnh thường hay nghĩ đến hơn là bệnh glôcôm. Vì vậy, khi các triệu chứng nhức đầu kèm theo nhức mắt, mờ mắt thì cần phải đi khám thêm bác sĩ chuyên khoa mắt để kiểm tra có bệnh glôcôm kèm theo hay không.
Ngoài ra, người mắc bệnh glôcôm có thể có thêm một số triệu chứng như: Nhìn đèn có quầng xanh đỏ, nhìn có đom đóm bay trước mắt; Thích nghi sáng tối kém, khó nhìn theo vật di động; Nhìn khuyết góc hoặc nhìn bị che lấp một phần; Đau nhức hốc mắt; Mất dần tầm nhìn ngoại vi: người bệnh có cảm giác như nhìn qua đường hầm; Mắt sưng đỏ, khi lấy tay di vào phần mí mắt trên thấy cứng như hòn bi; Nôn hoặc buồn nôn.
Mắt bình thường và mắt bị glôcôm.
Thường thì trong giai đoạn đầu, các triệu chứng xuất hiện ít và khó phát hiện. Theo thời gian, bệnh có thể tiến triển nặng lên gây suy giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí mù lòa.
Khi có một hay cùng một lúc xuất hiện các triệu chứng trên, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để kiểm tra, chẩn đoán bệnh. Bác sĩ sẽ cho đo thị lực, nhãn áp, khám thần kinh thị giác, soi góc tiền phòng và cho làm các chẩn đoán hình ảnh như đo thị trường, chụp hình ảnh đánh giá lớp sợi thần kinh... để xác định có những tổn thương do glôcôm hay không.
Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh nêu trên cũng cần đi khám mắt định kỳ mỗi năm 1 lần để được phát hiện sớm bệnh glôcôm.
Vì bệnh glôcôm là bệnh gây giảm thị lực vĩnh viễn, do đó, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm (khi thần kinh thị giác chưa bị tổn thương nhiều) sẽ giúp bệnh nhân bảo tồn được thị lực tốt hơn.
Nguyên nhân bệnh thiên đầu thống
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh thiên đầu thống và dưới đây là những yếu tố nguy cơ làm tăng cao khả năng phát bệnh: Bệnh thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ và chủ yếu là ở độ tuổi trung niên; Người có nhãn cầu nhỏ như bị viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, dễ xúc cảm, hay lo âu... đều có thể tạo điều kiện thuận lợi để xuất hiện thiên đầu thống; Người thường đau một bên đầu hay còn gọi là đau nửa đầu, mức độ đau đầu nghiêm trọng, thường có thể dẫn đến nôn mửa. Dù không xảy ra liên tục nhưng tình trạng đau đầu có thể xảy ra 1-2 lần/tháng hoặc 3-4 lần/năm (tùy theo mỗi người); Ngoài ra, người đang mắc bệnh tiểu đường, huyết áp thấp, đục thủy tinh thể, có các chấn thương ở mắt... đều có thể có biến chứng trở thành thiên đầu thống.
Điều trị thế nào?
Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh thiên đầu thống. Mục đích điều trị bệnh là làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế tổn thương dây thần kinh thị giác. Tùy vào từng giai đoạn của bệnh, có thể phải điều trị bằng thuốc, laser hoặc phẫu thuật.
Một số loại thuốc trị tăng nhãn áp đang có trên thị trường gồm: pilocarpin 1%, 2%; timolol 0,25%, 0,5%; betoptic S, alphagan P, travatan 0,004%, lumigan, azopt, acetazolamide 250mg, glycerol, manitol... Các thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, do đó, người bệnh không được sử dụng bừa bãi mà phải tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ.
Hiện nay, có 3 phương pháp phẫu thuật phổ biến để điều trị bệnh thiên đầu thống: Cắt bè củng giác mạc; Cấy ghép ống thoát thủy dịch; Mổ glôcôm bằng laser.
Mỗi phương pháp có các ưu và nhược điểm riêng. Tùy vào đặc điểm của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp. Có trường hợp bệnh nhân đã phẫu thuật nhưng bệnh lại tái phát. Do đó, người bệnh không được chủ quan mà cần khám sức khỏe định kỳ để các bác sĩ tư vấn và theo dõi.
Vì triệu chứng của bệnh thiên đầu thống không rõ ràng nên dễ bị người bệnh bỏ qua. Có đến 50% người mắc thiên đầu thống mạn tính không biết mình bị bệnh, chỉ khi bệnh đã tiến triển rất nặng, thị lực giảm sút rõ rệt thì bệnh nhân mới phát hiện ra. Do đó, khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh như nhìn mờ, đau tức mắt, nhức đầu..., cần đến ngay các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự mua thuốc nhỏ mắt về dùng nếu không có chỉ định của bác sĩ.