Dân số già và những khó khăn của người cao tuổi
Từ năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Điều này thể hiện rõ ở số NCT gia tăng theo thời gian. Nếu năm 2017, số NCT chiếm 11,9% trong tổng dân số thì theo dự báo đến năm 2030, tỷ trọng NCT Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%. Tuy nhiên hiện nay, đời sống NCT ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn do trên 70% sống ở nông thôn, làm nông nghiệp, trên 70% không có tích lũy vật chất, tỷ lệ thuộc hộ nghèo cao, số lượng có lương hưu, bảo hiểm, trợ cấp xã hội thấp... Không chỉ thế, đa phần NCT còn phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép, trong đó chủ yếu là các bệnh mạn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, thoái hóa khớp, sa sút trí tuệ, tim mạch, đái tháo đường... cần phải điều trị suốt đời, nhưng có đến 70% NCT phải tự chi trả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bản thân vì không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào. Bên cạnh đó, trong cuộc sống, NCT vẫn còn bị phân biệt đối xử, phân biệt tuổi tác khiến họ bị hạn chế trong tiếp cận thông tin, dịch vụ tài chính, cơ hội tập huấn, đào tạo nghề, việc làm...
Thích ứng với già hóa dân số nhanh cần có mô hình phù hợp
Già hóa dân số tạo ra những tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, lao động việc làm, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, thiết kế hạ tầng... Chính vì vậy, để thích ứng với vấn đề này, trước hết cần thay đổi nhận thức của người dân về NCT, nghĩa là NCT không phải là gánh nặng mà một nguồn lực của gia đình, cộng đồng. Do đó, phải cam kết đảm bảo cho NCT có cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc, tạo điều kiện cho NCT tham gia công tác xã hội để tận dụng được những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của NCT trong cuộc sống.
Người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe thường xuyên sẽ tăng số năm sống khỏe trong cuộc đời.
Để làm được điều này, cần lồng vấn đề già hóa dân số trong các chính sách, chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, ban hành định hướng chiến lược tổng thể thích ứng với già hóa dân số, xây dựng chương trình hành động về già hóa dân số cho giai đoạn 2021-2030; đẩy mạnh sự tham gia, phối hợp và tăng cường vai trò của các Bộ, ban, ngành đoàn thể, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội và các bên liên quan trong việc bảo vệ quyền lợi của NCT. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện, rà soát và điều chỉnh (nếu cần) những chính sách, pháp luật liên quan đến NCT như Luật NCT, Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh dân số để bảo đảm giải quyết tốt hơn các vấn đề về NCT. Bên cạnh đó, do NCT có nhu cầu cần được chăm sóc sức khỏe dài hạn nên cần tập trung ưu tiên phát triển các loại dịch vụ chăm sóc này như thành lập Khoa Lão tại các bệnh viện hay xây dựng nhà dưỡng lão… để NCT sống vui, sống khỏe, tiếp tục đóng góp kinh nghiệm, trí tuệ vào các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước.
Thực tế hiện nay cho thấy, không ít NCT bị phân biệt, kỳ thị do tuổi tác khiến NCT có cảm giác tiêu cực, tự cô lập và có nguy cơ gia tăng bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... Do đó, để già hóa một cách tích cực, điều quan trọng là phải chấm dứt sự phân biệt tuổi tác bằng cách tăng cường truyền thông thay đổi nhận thức, giáo dục giới trẻ để xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực đối với NCT. Ngoài ra, cần lưu ý xây dựng cơ sở hạ tầng và môi trường xã hội để đảm bảo NCT có thể tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội để NCT cảm thấy mình vẫn có ích, sống hòa nhập và nâng cao số năm sống khỏe trong cuộc đời.