Sáng 16/4, Lễ hội Diều Huế 2022 chính thức khai mạc tại Công viên Tứ Tượng (TP Huế). Lễ hội sẽ được tổ chức từ ngày 16-23/4 trong khuôn khổ Festival Huế 2022 với các hoạt động trưng bày và trải nghiệm làm diều Huế .
Hơn 80 con diều với các chủng loại diều truyền thống như rồng, phượng, chim công, bướm, én, quạ, diều hâu, gà trống, cá vàng,...có sải cánh từ 1,5m đến 3m chiều dài, đặc biệt diều rồng dài 50m sẽ được trưng bày tại Công viên Tứ Tượng, thuận tiện cho du khách và người dân đi dạo đường Lê Lợi, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu thưởng lãm.
Ngoài ra còn có hoạt động trải nghiệm làm diều diễn ra buổi sáng 9h-11h, buổi chiều 14h-16h phục vụ học sinh, thiếu nhi và các du khách muốn quay trở lại tuổi thơ.
Bên cạnh đó, hoạt động thả diều “Những cánh bay Việt Nam” sẽ được tổ chức tại 2 khu vực rộng rãi, quang đãng ở Phu Văn Lâu và Quảng trường Ngọ Môn vào các buổi chiều (từ 14h - 17h) với sự tham gia của các CLB diều khắp 3 miền cùng du khách, người dân quanh vùng.
Ghi nhận của PV tại Quảng trường Ngọ Môn Huế chiều 16/4, hàng chục con diều với thiết kế đa dạng, đầy màu sắc tung bay…Hoạt động thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo du khách, người dân địa phương đặc biệt là các em thiếu nhi.
Các hoạt động này tạo nên một bức tranh sắc màu rộn ràng, tươi vui, tràn ngập sức sống, góp phần làm cho Huế trở nên đẹp hơn, sinh động hơn hướng đến Tuần lễ Festival Huế 2022 “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.
Theo Ban tổ chức, ngoài tác dụng trang trí và là thú vui tao nhã của mọi lứa tuổi, trong tâm thức của người Việt, thả Diều hàm chứa ý nghĩa tâm linh, khát vọng về cuộc sống nhàn hạ, ấm no, hạnh phúc. Từ thời xa xưa đã có các cuộc thi diều do nhà vua tổ chức, vậy nên các hoa văn và họa tiết trên diều Huế ít nhiều ảnh hưởng tính chất cung đình. Mỗi cánh diều Huế là 1 tác phẩm nghệ thuật, là sự kết hợp của toán học, vật lý, hội họa, thẩm mỹ, nghệ thuật tạo hình cùng kinh nghiệm lâu đời.
Các loại diều Huế được làm ra đều có ý nghĩa riêng, phục vụ mục đích riêng, người nghệ nhân thổi hồn vào những vật liệu tre nứa, vải giấy, chỉ sợi,... mô phỏng dáng dấp của các loài chim, thú, bướm hoa,... từ đó tạo nên muôn loài diều màu sắc rực rỡ mà kết cấu đơn giản, phục vụ thú chơi thường nhật của đa số người dân.
Cao cấp hơn thì có các loại diều linh vật như rồng, công, phượng, kỳ lân… với cấu trúc, hình khối phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao về tạo hình, óc sáng tạo và kinh nghiệm phong phú, đây là các tác phẩm nghệ thuật giá trị có ý nghĩa và trong biểu diễn và sưu tầm.
Nghệ nhân diều Huế không chỉ thả những con diều lên không trung mặc cho nó bay lượn mà còn chú trọng vào chủ đề và nghệ thuật biểu diễn, họ truyền sự sống vào cánh diều và gửi gắm bao ước mơ khát vọng với cuộc đời.
Các em nhỏ thích thú ngắm nhìn những con diều "khủng" tung bay giữa bầu trời.
Ban tổ chức Lễ hội Diều Huế 2022 “Những cánh bay Việt Nam” cho hay, thông qua hoạt động nhằm quảng bá, bảo tồn nghệ thuật làm diều và thả diều Huế, đồng thời thu hút du khách, tạo sân chơi và cơ hội thưởng lãm cho những ai yêu thích bộ môn nghệ thuật trên không.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cập nhật vụ gì ghẻ trút đòn roi con nhân tình: Bác ruột nạn nhân hé lộ diễn biến điều tra