Về vấn đề này, trả lời báo chí, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, đối với những trường hợp này, hội đồng thi sẽ giải quyết linh động nhưng không thể dùng VNeID để thay thế.
Giải thích về việc Sở GD&ĐT Hà Nội không đồng ý dùng VNeID thay thế giấy tờ tùy thân của thí sinh, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ứng dụng này nằm trong điện thoại thông minh.
Theo quy chế, điện thoại di động là vật dụng bị cấm mang vào khu vực thi. Cả giám thị coi thi và thí sinh đều không được phép mang theo điện thoại di động. Trường hợp thí sinh quên hoặc thất lạc căn cước công công dân trước giờ thi, thí sinh sẽ được hướng dẫn viết cam kết và được điểm trưởng, điểm phó xác nhận để vào phòng thi.
"Các hội đồng thi sẽ tạo điều kiện tốt nhất, linh hoạt nhất để thí sinh được dự thi. Bên cạnh đó, với tính chất quan trọng của kỳ thi này, việc tuân thủ đúng quy định là cần thiết, để đảm bảo không để xảy ra sai sót hoặc lợi dụng để thực hiện gian lận thi cử".
Để chuẩn bị cho công tác tổ chức thi, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, Hà Nội đã thành lập 201 điểm thi với hơn 4.300 phòng thi chính thức, hơn 400 phòng thi dự phòng đặt tại các trường THCS, THPT trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Đây là những nơi có cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi, bảo đảm các điều kiện về an ninh, an toàn.
Vì đông thí sinh dự thi nên Hà Nội bố trí số lượng lớn cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác phục vụ. Cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội huy động gần 15.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ kỳ thi. Cán bộ, công chức, giáo viên và nhân viên tham gia coi thi phải bảo đảm các tiêu chuẩn có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần trách nhiệm cao, nắm vững nghiệp vụ làm công tác thi.
Theo kế hoạch, sáng 6/6, các điểm thi họp ban lãnh đạo điểm thi, tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất và các phương án bảo đảm an ninh, an toàn. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu trưởng điểm thi tiếp nhận hệ thống camera an ninh từ phó trưởng điểm thi phụ trách cơ sở vật chất (hệ thống này đã được công an và kỹ thuật viên kiểm tra). Trưởng điểm thi, phó trưởng điểm thi, thư ký, công an bảo vệ đề thi, bài thi, phó trưởng điểm thi phụ trách cơ sở vật chất, kỹ thuật viên phải ký, xác lập thời gian và niêm phong phần ổ cứng/thẻ nhớ.
Sở GD&ĐT Hà Nội quy định, đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Phòng bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh phải có công an trực, bảo vệ liên tục 24/24 và phải bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ. Đồng thời, camera giám sát ghi hình liên tục 24/24; có một phó trưởng điểm thi là người của trường phổ thông không có thí sinh dự thi tại điểm thi, trực tại phòng trong suốt thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 trên địa bàn TP. Hà Nội sẽ diễn ra ngày 8 - 9/6. Trước đó, ngày 7/6, thí sinh sẽ đến trường làm thủ tục dự thi.
Năm học này, Sở GD&ĐT Hà Nội giao tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho 119 trường THPT công lập là 81.200 học sinh. Số học sinh đã đăng ký tham dự kỳ thi này là 106.000 em. Như vậy, sẽ có gần 25.000 học sinh không trúng tuyển lớp 10 trường công lập.