Thi văn chương có cần... rọc phách?

04-09-2020 09:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Những cuộc thi văn chương ngày càng tỏ ra thú vị. Có những cuộc thi, việc trao giải thưởng không phải là sự kiện kết thúc cuộc thi, mà lại là phát pháo mở đầu cho những tranh cãi liên miên.

Nhìn theo hướng tích cực hơn thì những “ồn ĩ” có thể là mở đầu cho một động lực sáng tạo mới mẻ, mạnh mẽ, để những tác giả (trượt giải cao nhất) phấn đấu vượt mình, vươn tới đỉnh cao của chính mình mà không cần ai trao giải.

Một cuộc thi không rọc phách

Năm 2019, tôi vinh dự được là một thành viên trong Ban Giám khảo xét giải thưởng văn học của nước nhà. Trước đó, cả trăm cuốn sách được lựa chọn, và khi đến tay tôi, thì tôi cần đọc tới ba chục đầu sách, ghi nhận xét tỉ mỉ, sau đó được bỏ phiếu cho 4 cuốn cuối cùng, hay nhất trong đánh giá của riêng tôi.

Ngay từ ban đầu bắt tay vào việc đọc chừng đó cuốn sách, tôi đã chú ý đến 2 điểm. Thứ nhất, những tác phẩm dự thi đó không phải là những sáng tác mới nhất. Thứ hai, do tác phẩm đã in và phát hành, nên giám khảo đã biết rõ tác giả. Như vậy, khi đã biết tác giả, thì ít nhiều đánh giá của bất cứ ai cũng sẽ bị chút ảnh hưởng từ danh tiếng của tác giả đó đã đạt được từ những tác phẩm trước. Và đương nhiên, danh tiếng, uy tín của tác giả là một điểm cộng cho tác phẩm dự thi, giống như khi xưa ở nước ta thi đại học, thường có điểm ưu ái (hay điểm thông cảm) cho các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa vậy.

Chính vì yếu tố lộ tên tuổi tác giả ngay từ đầu, cho nên mới có vị là thành viên ban giám khảo một cuộc thi văn chương của nước nhà mới đây từng phải phân trần, rằng họ chấm tác phẩm chứ không chấm tác giả. Nhưng việc giải thích này, lại hữu ý chỉ ra một sự thật khác mà công chúng nghi ngại, đó là sự thiên vị vô thức cho tác phẩm của tác giả “nặng ký”.

Trở lại với cuộc thi mà tôi là một thành viên Ban Giám khảo, khi chúng tôi (Ban Giám khảo) đã biết quá rõ về các tác giả dự thi, thì kết quả vẫn không nằm ngoài “quy luật” của ảnh hưởng. Tác phẩm được trao giải, lại không phải là tác phẩm tôi thích nhất, đánh giá cao nhất, hoặc mới nhất. Và tôi tin rằng, độc giả trẻ nếu không phải là nhà nghiên cứu văn học thì cũng khó chọn đọc tác phẩm ấy, bởi nó đã quá cũ, được viết ra cách nay vài chục năm rồi, với lối tư duy cổ. Với một ban giám khảo hầu hết là những người tuổi xưa nay hiếm, chỉ có tôi ở tuổi trung niên, thì quyết định chọn tác phẩm đoạt giải còn bị ảnh hưởng bởi tư duy thế hệ. Trong cuộc họp thuyết trình về lựa chọn tác phẩm đoạt giải của mỗi người, cái tên của tác giả, tuổi tác và tiếng tăm được nhấn mạnh thêm, không biết do hữu ý hay không, nhưng cũng gần như là sự thúc ép những lá phiếu chui vào cùng một giỏ.

Thi văn chương có cần... rọc phách?Tác giả bài viết (bên phải) tham luận trong một diễn đàn văn học quốc tế tại Kazakhstan năm 2019.

Cuộc thi văn chương ấy kết thúc, giải thưởng được trao, không có ai to tiếng gì hết. Mọi việc dường như êm xuôi, nhưng tôi cảm nhận một nỗi thất vọng, nỗi buồn khó tả, nỗi bất lực lặng câm của không chỉ những tác giả trượt giải thưởng, mà còn của chính tôi, một vị giám khảo lẻ loi khi có lá phiếu khác biệt.

Tác giả vô hình, giám khảo ẩn mặt

Năm 2020, tôi được Viện Dịch văn học Hàn Quốc mời làm giám khảo trong cuộc thi chọn dịch giả tiềm năng nhất của năm. Tất cả các tác phẩm dịch (từ nguyên tác tiếng Hàn dịch sang tiếng Việt) gửi đến cho tôi chấm điểm đều được đánh mã số. Do đó, tôi không biết dịch giả của các tác phẩm đó là ai. Khi đọc tác phẩm mà tác giả (hoặc dịch giả) đã được làm cho vô hình như thế, thì tôi tự do, thoát khỏi định kiến, ám ảnh về tên tuổi của họ. Tôi thấy thoải mái khi cho điểm, chỉ căn cứ vào 3 tiêu chí: đọc được, trôi chảy, phong cách văn học. Trong lúc đọc tác phẩm, tôi hoàn toàn chú tâm vào 3 tiêu chí đó, không bị áp lực, ảnh hưởng của bất kỳ ai bên ngoài, vì thế mà nảy sinh không chỉ niềm thích thú được đọc, được đánh giá theo quan điểm riêng mình, mà tự thấy trách nhiệm của mình cũng được nâng lên mức cao nhất. Không có bất kỳ giám khảo nào khác ngoài tôi, nên tôi phải chịu trách nhiệm với bất cứ điểm số nào, lời nhận xét nào mình phê trên tác phẩm dự thi. Tôi cũng được thông báo trước rằng, mọi lời nhận xét của tôi sẽ có thể được công bố trên báo chí văn học Hàn Quốc. Như thế, tôi không thể dựa dẫm, đổ thừa trách nhiệm cho một ban, hội đồng nào cả. Bởi xưa nay thường thấy: trách nhiệm hay lỗi được quy về một ban, hội đồng nào đó, thì dường như nó không thuộc về ai cả!

Tôi không hề biết các giám khảo khác trong cuộc thi mà tôi đang tham gia với tư cách giám khảo. Ngược lại, các giám khảo khác cũng đang chấm tác phẩm trong thầm lặng như tôi và không biết tôi. Chúng tôi ẩn mặt như vậy, nên không có chuyện hội đồng các giám khảo ngồi lại, bàn bạc thống nhất với nhau, rằng chúng ta nên và không nên chọn tác phẩm này hay tác phẩm nọ.

Và tôi bỗng nghĩ, trong phương pháp tổ chức các cuộc thi văn chương, ngoài những yếu tố ẩn mặt, vô hình, thì với những tác phẩm đã rõ ràng danh tính chủ quyền, vẫn có thể xét giải thưởng, nhưng không bằng quyết định của một hội đồng, hay một ban giám khảo cụ thể giới hạn, mà bằng cách để đông đảo độc giả bỏ phiếu, như bầu cử tổng thống vậy.


Kiều Bích Hậu
Ý kiến của bạn