Lao động có kinh nghiệm khó khăn tìm việc
Báo cáo thị trường lao động mới đây của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, nhóm lao động từ 35 tuổi trở lên có nhu cầu tìm việc khá cao, chiếm 40,95%, chỉ sau nhóm từ 25-34 tuổi (chiếm 48,86%). Tuy nhiên, lao động ở độ tuổi trung niên đang gặp khó khăn khi tìm việc trên thị trường lao động hiện nay.
Nguyên nhân là do thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và tự động hóa khiến cho những kỹ năng truyền thống mà lao động trung niên sở hữu, trở nên lỗi thời, trong khi các công việc hiện đại yêu cầu những kỹ năng sử dụng công nghệ mới.
Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, 70% các vị trí công việc yêu cầu người lao động phải có kỹ năng công nghệ thông tin/tin học văn phòng. Đây là thách thức đối với lao động trung niên.
Bên cạnh đó, lao động trung niên cũng gặp phải sự cạnh tranh với lao động trẻ. Lao động trẻ có ưu thế khi tham gia tuyển dụng, vì được đào tạo mới, có năng lực sử dụng công nghệ và có thể sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn, trong khi lao động trung niên có năng suất làm việc hạn chế hơn, hoặc khó thích nghi với những thay đổi về công nghệ. Có trên 60% lao động trung niên không được đào tạo bằng cấp kỹ thuật, trong khi con số này ở nhóm lao động trẻ chỉ là 45%.
Nguyên nhân nữa là do thiếu kỹ năng và đào tạo liên tục. Lao động trung niên có thể thiếu các kỹ năng cần thiết do không có cơ hội hoặc khả năng tiếp cận với các chương trình đào tạo liên tục và cập nhật. Việc này khiến họ khó cạnh tranh với lao động trẻ trong các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng mới.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các lao động trung niên cần được tạo điều kiện về chính sách đào tạo lại, để có thể tham gia vào các ngành nghề mới và được hỗ trợ tài chính trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp. Ngoài ra, lao động trung niên cũng cần thích ứng với xu hướng làm việc mới, chọn làm việc tự do hoặc khởi nghiệp trong các lĩnh vực như tư vấn, đào tạo và dịch vụ chuyên môn phù hợp với kinh nghiệm và kỹ năng để duy trì thu nhập, học hỏi, phát triển kỹ năng mới.
Đối với doanh nghiệp, có thể thiết lập các chương trình đào tạo nội bộ để nâng cao kỹ năng cho lao động trung niên, giúp họ cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới cần thiết cho công việc.
Doanh nghiệp khó tuyển dụng
Chia sẻ tại tọa đàm "Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn" mới đây, bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc Vận hành Chợ Tốt, kiêm Giám đốc Việc Làm Tốt cho biết, nhu cầu tuyển dụng trong 8 tháng năm đầu năm nay tăng trưởng 30% so với cùng kỳ 2023, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các nhóm nghề lái xe và kho vận, công nhân, xây dựng và bất động sản... có tốc độ tăng trưởng tuyển dụng cao nhất.
Với đà phục hồi của kinh tế, 85% doanh nghiệp trả lời họ đang gặp phải tình trạng thiếu lao động; 30% doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng, khi thiếu hơn một nửa so với nhu cầu thực tế.
Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự, Công ty TNHH May mặc Song Ngọc chia sẻ, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng. Năm nay, doanh nghiệp không tuyển dụng đủ lao động cho nhà máy, mặc dù đảm bảo thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng, trong đó 25% thu nhập đến từ tăng ca...
Theo ông Sơn, lao động trẻ không mặn mà với công việc trong ngành may. Không chỉ khó tuyển, số lao động nghỉ việc thời gian qua khá lớn. Nguyên nhân một phần do tiêu chí tuyển dễ, nên người lao động cũng dễ nghỉ việc. Do có trợ cấp thất nghiệp, người lao động cũng có xu hướng nghỉ đến khi nhận hết trợ cấp thất nghiệp mới trở lại làm việc.
Với thực tế này, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Văn phòng đại diện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, để đạt hiệu quả tuyển dụng, bên cạnh chính sách về tiền lương, doanh nghiệp cần có các phúc lợi như nhà ở, nhà trẻ và người lao động cần được tôn trọng, có cơ hội phát triển.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần thúc đẩy môi trường làm việc đa dạng, trong đó lao động trung niên cũng được coi trọng và có cơ hội bình đẳng trong việc phát triển sự nghiệp. Điều này bao gồm việc đánh giá công bằng dựa trên năng lực và kinh nghiệm, thay vì tuổi tác.