Hà Nội

Thị trường thực phẩm chức năng dồi dào, nhưng vẫn có không ít lo ngại về chất lượng

22-11-2018 22:06 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việc quản lý sản xuất, chất lượng của thực phẩm chức năng cũng như việc quảng cáo thực phẩm chức năng được các nhà quản lý đưa ra trong bối cảnh thị trường chức năng ngày càng phát triển, người dân sử dụng ngày càng tăng.

Tại Hội nghị khoa học Quốc tế về thực phẩm chức năng (TPCN) lần thứ 2 do Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm và Hiệp hội TPCN Việt Nam tổ chức ngày 22/11 ở Hà Nội, PGS. TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội  TPCN Việt Nam cho biết, những sản phẩm TPCN đầu tiên xuất hiện vào cuối năm 1999 là những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ.

Đến năm 2000 mới chỉ có 13 doanh nghiệp nhập khẩu với 63 sản phẩm. Đến năm 2016 đã có 1.872 công ty sản xuất kinh doanh với 3447 sản phẩm, trong đó sản phẩm sản xuất trong nước chiếm 56,45%.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại hội nghị

“Số người sử dụng TPCN ngày càng tăng. Theo đó, năm 2000, số người biết và sử dụng TPCN còn rất ít, chỉ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn ước tính chỉ có khoảng 500.000 người, sử dụng (khoảng 0,5% dân số). Năm 2015 đã tăng lên khoảng 15,5 triệu người dùng (chiếm 17,22% dân số) ở khắp các tỉnh thành. Năm 2017, số người dùng TPCN đã tăng lên 21,48% dân số”, ông Trần Đáng cho hay

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, trên khía cạnh kinh tế, có thể nói rằng ngành công nghiệp TPCN đang ở giai đoạn rất phát triển. Tuy nhiên, cùng với đó cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến các vi phạm, lạm dụng trong việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo các mặt hàng này như quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung, quảng cáo vi phạm các quy định cấm quảng cáo theo quy định của pháp luật;

Sản xuất không đúng với chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm; Ghi nhãn không đúng với các quy định của pháp luật; Sản xuất khi chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; hoặc sản xuất ở nơi không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm…

Phát biểu tại hội nghị, TS. Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, là một nước nhiệt đới với nhiều nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú, đa dạng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực TPCN, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới chất lượng để phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.

Trước tình trạng đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đề nghị phải sớm chuẩn hóa quy trình sản xuất sản phẩm TPCN an toàn, hướng tới xây dựng ngành TPCN bền vững và phát triển tiến bộ.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Trần Đáng cho hay, có một thực tế là nhiều doanh nghiệp biến mặt hàng này thành đa cấp, bất chính, khiến ngành TPCN bị biến tướng. Bên cạnh đó, lợi dụng kẽ hở, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN đã đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, công dụng không đúng với quảng cáo, mất niềm tin với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, nhiều người đã tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng, từ chối sử dụng thuốc chữa bệnh khiến cho bệnh ngày một nặng lên, khi đó mới tới các cơ sở y tế thì việc điều trị trở nên khó khăn vì đã bỏ qua thời gian vàng chữa bệnh.

Trước sự “bùng nổ” các sản phẩm TPCN, để tăng cường quản lý về điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng, kiểm soát chặt chẽ quy trình để đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm, Bộ Y tế đã tham mưu, xây dựng ban hành nhiều văn bản quản lý mặt hàng này. Đặc biệt, tại Nghị định 15 của Chính phủ quy định, từ 1/7/2019 tới đây, tất cả những cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe nếu không đạt tiêu chuẩn chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP) sẽ không được tiếp tục sản xuất.
“Hiện nay không lo thiếu TPCN, mà chỉ lo thiếu TPCN chất lượng tốt. Nếu để thị trường TPCN như hiện nay, thì doanh nghiệp đầu tư tốt, đảm bảo quy định pháp luật cũng bằng với doanh nghiệp đầu tư nhỏ, chất lượng chưa tốt; doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thông thường sẽ sản xuất thực phẩm chức năng và chất lượng sẽ không đảm bảo, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội nghị khoa học Quốc tế về thực phẩm chức năng

Do đó, theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, nếu áp dụng GMP thì cơ sở nào không tốt sẽ phải đóng cửa. Ngoài ra, việc quản lý chặt sẽ đảm bảo người dân được sử dụng các sản phẩm TPCN/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe an toàn, chất lượng.

Được biếtt, hiện cơ quan nhà nước cũng đã cấp chứng nhận GMP cho hơn 10 doanh nghiệp và hiện đang tiếp tục thẩm định, phê duyệt hàng chục hồ sơ khác. Dự kiến sẽ có khoảng 100-200 cơ sở sản xuất đạt GMP vào năm 2019.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, quá trình thanh kiểm tra cho thấy, những chiêu thức quảng cáo thực phẩm chức năng đang được các đối tượng sử dụng rất tinh vi trên mạng xã hội, hình thức quảng cáo đa dạng, diễn biến phức tạp nên rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, việc sử dụng hình ảnh một số nhân vật nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm nhằm đánh vào tâm lý yêu thích, tin tưởng của người dân.

“Thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát việc quảng cáo mặt hàng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đưa ra các cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nêu rõ.

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn