Thị trường nước mắm: Chất lượng thực thế nào?

19-10-2016 14:12 | Thời sự

SKĐS - Liên quan đến vấn đề chất lượng nước mắm đang được dư luận quan tâm, ngày 18/10, TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP)...

Liên quan đến vấn đề chất lượng nước mắm đang được dư luận quan tâm, ngày 18/10, TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết, trước 22/10 sẽ có kết quả thanh tra chất lượng nước mắm. Trước đó, chiều ngày 17/10, một công bố khảo sát tại 10 địa phương trên toàn quốc của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho thấy có đến 67,3% nước mắm được khảo sát chứa thạch tín (arsen) vượt ngưỡng...

Trong tuần này, báo cáo kết quả thanh tra nước mắm lên Thủ tướng

Theo ông Phong, từ 12/10, Đoàn Thanh tra liên ngành gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra thị trường nước mắm tại Hà Nội, TP.HCM, sắp tới sẽ mở rộng tới một số địa phương khác có truyền thống sản xuất nước mắm như Phú Quốc (Kiên Giang)... Mục đích đợt kiểm tra này để rà soát lại hồ sơ công bố đối với các sản phẩm nước mắm, quy trình sản xuất, giấy phép lưu hành, lấy mẫu xét nghiệm các loại nước mắm trên thị trường. Ông Phong khẳng định, ở Việt Nam không có khái niệm nước mắm công nghiệp hay thủ công. Tuy nhiên, nước mắm phải đảm bảo các yêu cầu về hàm lượng đạm, axit amin, đúng với hồ sơ công bố. “Quan điểm của chúng tôi là việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng phải đặt lên hàng đầu, tuy nhiên, việc thanh kiểm tra cũng cần đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, kết quả thanh tra sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22/10” - ông Phong nói.

Kiểm tra một cơ sở sản xuất nước mắm.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 2.800 cơ sở sản xuất nước mắm, cung cấp 2 triệu lít/năm. Tuy nhiên theo ông Phong, tất cả nguyên liệu đầu vào hiện đang do Bộ NN&PTNT kiểm soát.

Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính cho biết, đây sẽ là đợt thanh tra lớn nhất từ trước đến nay đối với sản phẩm nước mắm sau những lo ngại của dư luận đối với chất lượng của mặt hàng này.

67,3% nước mắm được khảo sát chứa thạch tín vượt ngưỡng

Trước đó, chiều ngày 17/10, tại Hà Nội, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Kết quả cho thấy có 125/150 mẫu khảo sát có ít nhất 1 trong 5 chỉ tiêu kiểm tra không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hóa. Cụ thể, có 51% mẫu có kết quả chỉ tiêu nitơ toàn phần thấp hơn công bố của doanh nghiệp. Cá biệt có tới gần 15% số mẫu có độ đạm thực tế thấp hơn 40% so với trên nhãn. 20% mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ axit amin; 2% mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ ammoniac.

Đặc biệt có 67,3% nhiễm arsen vượt quá ngưỡng quy định của Bộ Y tế, tương đương 101/150 mẫu khảo sát với hàm lượng arsen tổng dao động trên 1mg/l - 5mg/l. Đáng chú ý, nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ nhiễm arsen càng lớn. Cụ thể, 95,65% mẫu có độ đạm từ 40 trở lên đều có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định. Tuy nhiên, khi phân tích 20 mẫu chứa arsen tổng vượt ngưỡng đều không phát hiện arsen vô cơ (hàm lượng arsen vô cơ ở mức 0,01mg/l). Theo QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng arsen cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa chỉ là 1mg/l.

Trao đổi thêm với báo chí tại buổi công bố này, bà Trần Thị Dung, chuyên gia của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản cho biết, bản chất nước mắm đã chứa hàm lượng arsen hữu cơ cao do tự thân thủy, hải sản có chứa. Tuy nhiên, arsen hữu cơ gần như vô hại, tại châu Âu còn cho phép hàm lượng arsen trong nước chấm lên tới 30mg/l. Riêng với arsen vô cơ độc hơn hữu cơ 300-500 lần. Theo bà Dung, tại Việt Nam nồng độ kim loại nặng cần quan tâm là chì chứ không phải arsen.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn