Năm nay, Tết ông Công, ông Táo diễn ra vào thứ Sáu (2/2/2024), ngày thường nên người dân ai nấy cũng tất bật đi sắm lễ từ sớm.
Ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, tại một số chợ dân sinh Hà Nội ở khu vực quận Nam Từ Liêm, quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy… tiểu thương đã bày bán những mặt hàng cúng Tết ông Công, ông Táo với mẫu mã đa dạng.
Chị Liên (kinh doanh vàng mã tại chợ Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) cho hay, đồ cúng trong ngày lễ ông Công, ông Táo quan trọng nhất và không thể thiếu là vàng mã, 3 bộ trang phục (áo, mũ, hài) cùng cá chép đỏ.
"Hiện nay giá bán những bộ Táo quân không thay đổi so với năm ngoái, dao động trong khoảng 30.000 - 200.00 đồng/bộ (tùy kích thước, chất lượng), các sản phẩm tiền vàng, thỏi vàng thần tài... có giá từ 10.000 - 25.000 đồng/lễ... Cho đến thời điểm này, mỗi ngày tôi bán khoảng 50 – 100 bộ vàng mã ông Công, ông Táo", chị Liên nói.
Bên cạnh đồ cúng vàng mã, cá chép cũng là vật không thể thiếu trong ngày lễ này. Chị Hương (kinh doanh thủy sản tại khu chợ dân sinh, quận Thanh Xuân) cho hay, cá chép đỏ kích cỡ nhỏ được người dân ưa chuộng nhiều năm nay, có giá dao động từ 10.000 – 15.000 đồng/con.
Ngoài cúng cá chép sống, nhiều người còn cung cấp các mẫu cá chép bằng xôi, thạch, bánh trôi cá chép với giá dao động từ 40.000 - 80.000 đồng.
Hoa tươi trong dịp Tết ông Công, ông Táo cũng là mặt hàng hút khách, giá tăng hơn ngày thường một chút. Các loại hoa tươi như hoa cúc, hoa hồng giá từ 5.000 - 10.000 đồng/bông, hoa ly giá 20.000 đồng/cành, cành đào từ 70.000 - 250.000 đồng/cành.
Ngoài bán trên thị trường truyền thống, nhiều tiểu thương cũng tận dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook… để rao bán đồ lễ, đặt cỗ online cúng ông Công, ông Táo. Mỗi mâm cỗ có giá từ 500.000 – 2 triệu đồng/mâm, tùy thuộc số lượng món ăn.
Các món ăn trong mẫm cỗ cúng đều là những món cơ bản như bánh chưng, xôi cá chép, khoanh giò, gà luộc, canh măng, rau xào, canh bóng ngũ sắc... giá cả hợp lý. Điển hình gà ta luộc sẵn là 200.000 đồng/kg, canh măng, canh bóng 100.000 đồng/bát, tôm chiên 180.000 đồng/đĩa gồm 6 con, nộm 70.000 đồng/đĩa, xôi gấc 35.000 đồng/đĩa…
Chị Thu Trang (khách hàng tại chợ dân sinh, quận Thanh Xuân) chia sẻ: "Nhìn chung những ngày cận Tết này, hàng hóa dễ mua, không thấy sự chênh lệch giá cả, từ đó giúp người dân an tâm sắm Tết hơn".
Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và Tết Giáp Thìn, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường.
Bộ Công thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua.
Qua đó chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.