Hà Nội

Thị trường lao động cuối năm còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ

02-11-2024 10:42 | Xã hội
google news

Những tháng cuối năm 2024, nhiều doanh nghiệp ở các địa phương phía Nam tích cực sản xuất, kinh doanh, hoàn thành các đơn hàng, nhất là các đơn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Thị trường lao động vì vậy tiếp tục ghi nhận nhiều yếu tố tích cực. Tuy nhiên từ nhu cầu tuyển dụng cũng như nguồn cung lao động còn nhiều khó khăn.

Nhu cầu tuyển dụng những tháng cuối năm

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, thị trường lao động đang phát triển tích cực. Nhu cầu tuyển dụng tăng cao, đặc biệt ở các ngành công nghiệp công nghệ, dịch vụ, hành chính và bất động sản. Nhiều doanh nghiệp ưu tiên tuyển lao động có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kế toán - kiểm toán, marketing đồng thời chú trọng đào tạo và phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động.

Thị trường lao động cuối năm còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ- Ảnh 1.

Trong ảnh: Xưởng sản xuất giày da, Công ty TNHH Giày Gia Định, thành phố Thủ Đức. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Ba tháng cuối năm 2024, các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh cần từ 78.100-83.300 lao động, tập trung ở các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến lương thực thực phẩm; hóa dược - cao su và nhóm ngành dịch vụ chủ yếu (thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính, viễn thông và thông tin truyền thông; tài chính, tín dụng, ngân hàng; bảo hiểm; dịch vụ thông tin tư vấn - khoa học công nghệ; giáo dục - đào tạo…).

Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cũng nhận định, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh mở rộng sản xuất, thực hiện các đơn hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Trên địa bàn tỉnh có hơn 70.000 doanh nghiệp đang nhu cầu nhân lực rất lớn.

Tại Bình Dương nhu cầu về lao động phổ thông vẫn chiếm ưu thế, các vị trí đòi hỏi lao động có trình độ kỹ năng cao giữ ổn định. Đáng chú ý thời điểm giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 nhu cầu tuyển lao động thời vụ, các công việc mang tính ngắn hạn sẽ hạn chế hơn những năm trước. Trong khi đó, nhu cầu tìm công việc thời vụ, không tham gia bảo hiểm xã hội của lao động lại có xu hướng tăng. Đây là tâm lý chung của nhiều lao động thất nghiệp ở thời điểm cuối năm.

Hơn 9 tháng của năm 2024, các doanh nghiệp ở Bình Dương tuyển dụng trên 61.300 lượt lao động, tăng hơn 95% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu tích cực thể hiện hoạt động kinh tế, nhu cầu tuyển lao động tại tỉnh dần hồi phục sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 và biến động kinh tế toàn cầu.

Vẫn còn thách thức

Nhu cầu tuyển lao động khá sôi động, song thực tế thị trường lao động cho thấy vẫn còn nhiều thách thức. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, những tháng cuối năm, một số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tuyển lao động. Có tình trạng lao động vào làm tại doanh nghiệp hết thời gian thử việc nghỉ làm, đi tìm công việc khác. Đại diện một doanh nghiệp đóng tại Khu Công nghiệp VSIP 2 cho biết: công ty có nhu cầu tuyển bổ sung nhân viên kỹ thuật và công nhân sản xuất. Dù đã hạ một số tiêu chuẩn, yêu cầu về trình độ tay nghề so với mong muốn của doanh nghiệp, mức lương đưa ra cao hơn nhưng lao động vẫn “nhảy việc”.

Trong khi đó, một số lao động chia sẻ, họ quyết định đi tìm việc mới do môi trường làm việc chưa phù hợp hoặc mức lương chưa đảm bảo cuộc sống. Cũng có trường hợp lao động, nhất là lao động trẻ muốn tìm việc làm mới để có cơ hội trải nghiệm, giúp họ có những kiến thức, kỹ năng mới.

Các chuyên gia cho rằng, để cải thiện thu nhập và có cơ hội phát triển nghề nghiệp, người lao động cần xác định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Sự thiếu nhất quán trong sự nghiệp có thể gây bất lợi cho người lao động khi họ muốn thuyết phục nhà tuyển dụng mới với những cam kết về việc gắn bó lâu dài. Những lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng cần lưu ý, không “bỏ quên” quyền lợi được hỗ trợ học nghề để có thể sớm tìm được công việc mới tốt hơn, có triển vọng gắn bó lâu dài.

Về phía doanh nghiệp cần có sự đổi mới, cơ cấu tổ chức đa dạng, linh hoạt, cải cách chế độ tiền lương và các chế độ phúc lợi. Doanh nghiệp cũng lưu ý khi không có mức lương thực sự cạnh tranh thì môi trường và điều kiện làm việc trở thành yếu tố tiên quyết để người lao động đưa ra quyết định.

Đại diện nền tảng tìm việc và tuyển dụng trực tuyến “Việc Làm Tốt”, bà Hoàng Thị Minh Ngọc nhận định, lương thưởng, môi trường, quan hệ với đồng nghiệp là những tiêu chí hàng đầu dẫn đến lựa chọn công việc của người lao động hiện nay.

Theo Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TP Hồ Chí Minh Phạm Anh Thắng, để đạt được hiệu quả trong tuyển dụng lao động, bên cạnh chế độ lương, thưởng doanh nghiệp cũng cần có thêm các phúc lợi như nhà ở cho người lao động, nhà trẻ trông giữ con công nhân, giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài.


Theo Thanh Trà (TTXVN)
Ý kiến của bạn