Theo kiểm tra thực tế và báo cáo nhanh từ 2 Sở Y tế Hà Nội và TP.HCM, nhiều trường hợp nâng giá bất thường khẩu trang và cồn khô rửa tay đều đã bị xử lý nghiêm, thị trường mặt hàng này tạm thời ổn định, các cơ sở sản xuất đã liên tục tăng ca nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu...
Sở Y tế Hà Nội: thành lập 65 Đội phòng chống dịch, xử lý hàng chục cơ sở nâng giá vật tư y tế
Báo cáo nhanh hoạt động thanh tra, kiểm tra theo Công văn số 1040/TTrB-P3 và Công văn số 97/TTrB-P3 của Thanh tra Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế đã thành lập 04 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch do Lãnh đạo Sở làm trưởng đoàn, kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống dịch tại các đơn vị trong ngành. Sở cũng thành lập 65 đội phòng chống dịch lưu động: Trung tâm kiểm soát dịch bệnh thành lập 05 đội, mỗi Trung tâm Y tế của 30 quận, huyện, thị xã thành lập 02 đội.
Nhiều nhà thuốc tại Hà Nội cam kết không lấy lãi, không tăng giá khẩu trang để phục vụ tốt nhất yêu cầu phòng chống dịch.
Về thị trường khẩu trang, vật tư y tế phòng dịch, UBND các quận, huyện, thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch và kiểm tra, xử lý các trường hợp đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá; Phòng y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức cho các cơ sở hành nghề ký cam kết không tăng giá khẩu trang và dung dịch khử khuẩn.
Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, ngày 31/01/2020, Thanh tra Sở đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế tại điểm nóng là chợ thuốc khu vực Hapulico - Số 01 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở không có khẩu trang và một số cơ sở treo biển “Không có khẩu trang” hoặc “Không bán khẩu trang - Xin đừng hỏi”. Kiểm tra thực tế trong kho cũng không có khẩu trang. Cùng ngày 31/01/2020, Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh TTBYT tại phố Phương Mai và phát hiện cơ sở kinh doanh vật tư y tế miền Bắc - ở địa chỉ 49 phố Phương Mai có bán khẩu trang Hello Kidty do cơ sở Thái Dương ở Bắc Ninh sản xuất, giá bán 100.000 đ/hộp 25 cái, cơ sở xuất trình chứng từ nhập với giá 70.000đ/hộp (cũng khẩu trang loại đó trước đây trên thị trường bán khoảng 40.000đ/ hộp); cơ sở không thực hiện niêm yết giá đối với mặt hàng khẩu trang. Thanh tra Sở đã mời chủ cơ sở về xử phạt với hành vi vi phạm hành chính với hành vi vi phạm “Không niêm yết giá hàng hóa theo quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Phòng y tế các quận, huyện, thị xã kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế trên địa bàn. Kết quả: đã kiểm tra được 256 nhà thuốc và 02 cơ sở kinh doanh TTBYT, đã xử phạt vi phạm hành chính 01 cơ sở với mức phạt 20.500.000 đồng với hành vi vi phạm kinh doanh khẩu trang không có hóa đơn, chứng từ chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ và bán cao hơn giá niêm yết; nhắc nhở 03 cơ sở và cơ sở đã cam kết không tăng giá và 11 cơ sở đang chờ xem xét xử lý.
Kiểm tra một số nhà thuốc trên địa bàn Quận 10 - TP. HCM.
TP.HCM: đáp ứng nhu cầu khẩu trang y tế cho người dân
Cũng trong sáng ngày 3/2/2020, Đoàn Thanh tra Bộ Y tế đã làm việc với Sở Y tế TP.HCM để nắm tình hình công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV trên địa bàn nói chung và các nội dung liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các loại thuốc, hóa chất, khẩu trang... phục vụ công tác phòng chống dịch thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành y tế và Thanh tra Y tế.
Đoàn thanh tra Bộ Y tế do ThS. DS. Giang Hán Minh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, làm trưởng đoàn, đã kết hợp với Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cùng với Phòng Y tế Quận 10 tiến hành khảo sát nhiều nhà thuốc trên địa bàn quận 10 quanh Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh Hòa Hảo, BV Nhi Đồng 1, BV Nhân dân 115.
Theo khảo sát, người bán cho biết, nhu cầu mua khẩu trang tăng cao vô cùng, gấp hơn 10 lần ngày thường. Bình thường, người dân vào tìm mua 1,2 hộp để dùng hàng ngày. Còn hiện nay, mỗi ngày, hàng chục lượt người đến hỏi mua 5,10 hộp để dự phòng dịch kéo dài. Nhà thuốc số 9, đường Vĩnh Viễn, cho biết chỉ còn 5,6 khẩu trang lẻ; chủ yếu phát miễn phí cho bệnh nhân có nhu cầu.
Cũng trong sáng ngày 3/2, đoàn thanh tra cũng đã tiến hành khảo sát một số cơ sở sản xuất khẩu trang y tế trên địa bàn quận Bình Tân. Anh Hồ Văn Hoài - chủ cơ sở sản xuất khẩu trang y tế cho biết, dù cơ sở mới chỉ mở cửa hoạt động vào ngày 2/2/2020, nhưng với công suất một ngày sản xuất 50.000 cái, chắc chắn sẽ không thiếu khẩu trang cho các nhà thuốc cũng như người dân.
“Trong ngày đầu tiên đi làm lại, tôi đã liên hệ với các đại lý một số tỉnh Tây Nguyên, Đà Nẵng... để thông báo cho khách hàng yên tâm, giá khẩu trang chỉ tăng nhẹ tại thời điểm hiện nay. Chi phí phát sinh chủ yếu là để tập trung vào nhân công, những người sẽ trực tiếp tăng ca, làm thêm ngoài giờ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Nguồn nguyên liệu trong nước vẫn đảm bảo thay thế các nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc do giá tăng, đảm bảo chất lượng theo số đăng ký lưu hành Bộ Y tế,” anh Hoài cho biết.
Trong buổi làm việc, đầu mối Phòng Y tế Quận 10 cũng đã làm việc trực tiếp với một số cơ sở sản xuất khẩu trang y tế nhằm đảm bảo cung ứng đủ mặt hàng khẩu trang với giá bình ổn và nguồn hàng ổn định, khẩu trang trong thời gian ngắn nữa sẽ không thiếu cho nhu cầu người dân.
Cơ quan y tế cũng khẳng định với năng suất sản xuất của hơn hai chục cơ sở sản xuất khẩu trang y tế trên địa bàn thành phố đảm bảo đủ điều kiện công bố tại Sở Y tế TP.HCM. Sở Y tế TP.HCM cũng đã có công văn chỉ đạo về việc đảm bảo cung ứng và bình ổn giá các mặt hàng phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV.
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu 24 quận huyện triển khai ngay đến các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết yếu như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng viêm, thuốc ho... và các trang thiết bị thiết yếu để phục vụ công tác phòng chống dịch; không đầu cơ, tích trữ và tăng giá các mặt hàng này; không kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là các loại khẩu trang y tế.