Theo nhận định chung của các chuyên gia nghiên cứu về kinh tế, sau hơn 2 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), những cơn sốt nóng lạnh của thị trường bất động sản đã tạm nằm im. Đi kèm theo đó là những hệ lụy về kinh tế-xã hội chưa có giải pháp khắc phục. Vì thực tế, ngay cả những “siêu dự án bất động sản” của các tập đoàn nước ngoài vẫn tạm dừng triển khai vì “thời tiết thị trường đang xấu”.
Ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, dòng chảy của vốn đầu tư từ các tập đoàn nước ngoài (FDI) đã “cuồn cuộn chảy” vào thị trường bất động sản (BĐS). Đơn cử như tại thị trường BĐS tại TP.HCM. Số liệu thống kê cuối năm 2007 cho thấy, thị trường BĐS chiếm đến 50% vốn đầu tư nước ngoài, cả về số dự án lẫn tổng vốn đầu tư. Cụ thể, năm 2007, đã có 24 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS, với tổng vốn đầu tư hơn 1.530 triệu USD, gấp gần 2 lần tổng vốn đầu tư từ năm 2000 đến năm 2006 cộng lại. Con số này tiếp tục tăng lên sang năm 2008, khi có 45 dự án đầu tư vào lĩnh vực BĐS với tổng vốn đầu tư lên gần 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu cũng lưu ý đến mảng tối đã xuất hiện bên cạnh những thành quả của việc thu hút FDI vào thị trường BĐS. Đó là, trong 2 năm qua, sự chuyển hướng của 50% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng với một lượng lớn vốn của các doanh nghiệp Nhà nước sang khu vực BĐS với giá trị bị thổi phồng, gây ra hiện tượng đầu cơ, sốt ảo. Điều này khiến tín dụng nội địa tăng vọt, làm nền kinh tế trở nên quá nóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vốn đầu tư FDI được “bơm nhanh” vào thị trường BĐS đồng nghĩa với nguy cơ nhập siêu tăng cao trong tương lai, bởi các nhà đầu tư phải nhập khẩu nguyên vật liệu xây dựng, thiết bị nội thất ngày càng nhiều để triển khai các dự án. Ngoài ra, phần lớn vốn FDI đầu tư vào BĐS chủ yếu được dồn vào kinh doanh văn phòng, căn hộ cao cấp và khách sạn, du lịch để thu lợi. Trong khi đó, phân khúc nhà ở cho người có nhu cầu thực sự có thu nhập trung bình và thấp hầu như rất ít, dẫn đến sự mất cân đối cung cầu của thị trường nhà ở.
Ngoài việc nhìn nhận chung về hiện trạng của thị trường BĐS sau hơn 2 năm Việt Nam gia nhập WTO, các chuyên gia nghiên cứu về kinh tế còn dự báo rằng: Từ nay đến cuối năm 2009, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Một số dự án có vốn đầu tư lớn của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị “treo”, các dự án cao ốc văn phòng sẽ chậm đầu tư; khả năng thị trường “nóng” trở lại trong vòng một năm tới là rất khó.
Ngọc Thanh