Theo phân tích điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 do Bộ GD&ĐT công bố, cả nước có 656 bài thi ở 9 môn thi bị điểm từ 1 trở xuống. Tính từng môn, tỷ lệ điểm liệt chiếm 0,004-0,022%, đều giảm so với năm ngoái.
Cụ thể, môn Tiếng Anh có nhiều thí sinh bị điểm liệt nhất, 192. Đây cũng là môn thi có điểm trung bình thấp nhất 5,45. Toán là môn có nhiều điểm liệt thứ hai với 123 bài. Môn Hóa có ít thí sinh bị điểm liệt nhất là 14.
Hà Nội là địa phương có điểm liệt nhiều nhất với 77 bài thi.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chỉ cần 1 môn trong tổ hợp khoa học tự nhiên (hoặc khoa học xã hội) bị điểm từ 1 trở xuống (<=1) hoặc 1 trong 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) bị điểm từ 1 trở xuống (<=1) thì bị tính là điểm liệt và thí sinh không đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT năm nay (trượt tốt nghiệp). Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh cũng không thể sử dụng kết quả của tổ hợp môn thi có điểm liệt để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Cũng theo dữ liệu điểm thi Bộ GD&ĐT mới công bố, tổng số bài thi đạt điểm 10 năm nay là hơn 16.000 bài thi, gấp ba lần năm ngoái.
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước với 1.232 điểm 10, tập trung ở môn Giáo dục công dân 1.025 và Ngoại ngữ 106. So với năm ngoái, số điểm tuyệt đối của Hà Nội tăng hơn hai lần.
TP HCM đứng thứ hai với 1.019 điểm 10, tăng gần 5 lần, trong đó Giáo dục công dân 880, Ngoại ngữ 78. Cũng như Hà Nội, TP HCM có lợi thế về lượng thí sinh thi tốt nghiệp THPT với 85.000 em.
Tiếp theo là Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Ngãi, Lai Châu, Hà Giang, Kon Tum, Điện Biên, Cao Bằng, Ninh Thuận, Bắc Kạn, Đăk Nông, QUảng Trị, Phú Yên, Quảng Nam, Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong hai ngày 28-29/6 với hơn một triệu thí sinh dự thi. Trong đó, hơn 943.300 sử dụng kết quả vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Thí sinh lưu ý, từ 8h ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.
Theo quy chế tuyển sinh, mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường. Thí sinh phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất.
Khi đã xếp theo thứ tự ưu tiên, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể. Đối với những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm vẫn phải tiếp tục đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT để được xử lý theo quy trình toàn quốc, từ đó mới có kết quả trúng tuyển cuối cùng.
Nếu không đăng ký trên hệ thống, thí sinh được xem đã từ bỏ quyền trúng tuyển vào ngành/trường đó.