Theo thầy Nguyễn Thành Công - Giáo viên môn Sinh học tại HOCMAI, đến thời điểm hiện tại thì kiến thức gần như đã định hình, các em học sinh nên cải thiện về chiến thuật làm bài trắc nghiệm là chính. Trong những ngày cuối, ngoài giữ tâm lý thật thoải mái, thí sinh nên phân bổ thời gian làm bài hợp lý, làm theo trình tự lần lượt từ câu dễ đến câu khó.
Định hướng ôn thi những ngày như thế nào?
Thầy Công cho biết, nhiều bạn đã đỗ đại học theo các phương thức xét tuyển khác nhưng còn nhiều bạn thì kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sẽ là căn cứ để xét tuyển đại học.
"Đối với các môn Lý, Hoá, Sinh, cấu trúc đề thi gồm 40 câu hỏi. Chiến thuật ôn thi những ngày cuối như thế nào phụ thuộc vào mục tiêu điểm của các em. Nếu các em có mục tiêu điểm 8 điểm thì cần tập trung vào 30 câu đầu. Nếu muốn điểm 9 các em tập trung làm đúng và chắc chắn 35 câu đầu, còn các câu hỏi khó quá thuộc câu vận dụng cao các em có thể lựa chọn ngẫu nhiên. Nếu muốn 10 điểm thì các em phải làm chắc chắn đúng 40 câu.
Trong chiến thuật này, thầy có nhắc nhở quan trọng với thí sinh đó là: Điểm của các câu khó nhất cũng chỉ có 0,25 điểm và điểm của những câu dễ nhất cũng là 0,25 điểm. Vì vậy, đừng lãng phí điểm ở những câu dễ, cố gắng và chắc chắn ở 30 câu đầu là những câu phải đúng".
Để không bị mất điểm ở những câu đầu, các em cần tránh những câu sai ngớ ngẩn. Trong giai đoạn này các em cần đọc kỹ lại lý thuyết và các nội dung trong sách giáo khoa lớp 11 và lớp 12.
Với những bạn muốn đạt mục tiêu điểm 9, 10, tức là các bạn bắt buộc phải làm được những câu khó thì song song với việc ôn tập kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa để đảm bảo không "rụng" điểm những câu dễ thì các bạn phải rèn luyện lại năng lực để giải quyết những câu hỏi khó thuộc phần vận dụng cao. "Để làm được điều đó, các em phải làm nhiều đề, tăng phản xạ, giảm thời gian làm và tăng tỷ lệ đúng" - thầy Công nói.
Ngoài ra, bên cạnh việc ôn tập kiến thức thì các em cần ngủ đủ giấc, ăn đủ bữa, đủ chất. Khi đến điểm thi phải đúng giờ quy định và mang đủ tất cả các dụng cụ cần thiết cho các môn thi, tránh trường hợp quên đồ dùng học tập ở 1 buổi thi nào đó, đặc biệt là máy tính bỏ túi. Đeo đồng hồ (không phải đồng hồ thông minh) khi đi thi để biết được thời gian làm bài.
Nếu không may quên hoặc mất thẻ dự thi, CCCD, thí sinh cũng không cần lo lắng vì sẽ được làm cam kết để dự thi. Sau buổi thi, không kiểm tra đáp án trên mạng, không trao đổi thông tin với các bạn để giữ tinh thần cho buổi thi sau.
Thí sinh bị xử lý thế nào nếu mang vật dụng cấm vào phòng thi?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra tại 2.323 điểm thi trên cả nước với gần 1,1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có gần 47.000 thí sinh tự do.
Theo quy định, thí sinh được mang vào phòng thi gồm: Bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).
Các vật dụng cấm mang vào phòng thi gồm: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.
Nếu thí sinh mang vào phòng thi một trong số các vật dụng trong danh mục cấm nêu trên sẽ bị đình chỉ thi. Thí sinh bị đình chỉ thi bài thi nào sẽ bị điểm 0 bài thi đó và không được tiếp tục dự thi các bài thi tiếp theo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thí sinh không đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp THPT, không còn cơ hội tham gia xét tuyển đại học năm nay.