Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có khá nhiều thay đổi
Kể từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo chương trình GDPT 2018 - chương trình giáo dục với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đề thi dựa vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực quy định trong chương trình. Đây là điểm khác biệt lớn nhất so với chương trình giáo dục 2006, hướng mục tiêu cung cấp kiến thức, kỹ năng cho học sinh.
Số môn thi giảm từ 6 môn xuống còn 4 môn, trong đó 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ Văn; 2 môn học sinh tự chọn trong số các môn (Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Công nghệ, Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật), phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp của cá nhân. Số môn thi giảm, đồng nghĩa với số tổ hợp xét tuyển đại học giảm.
Cấu trúc đề thi của các môn thi cũng được thay đổi khác so với các năm trước. Khác với dạng câu hỏi trắc nghiệm của các đề thi hiện nay, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ xuất hiện thêm một số dạng thức câu hỏi mới nhằm tăng cường tính phân hóa của đề thi tất cả các môn để đạt được các mục tiêu của kỳ thi như đã công bố trong phương án thi.
Trước ngưỡng cửa tốt nghiệp THPT, việc học sinh chọn môn thi tốt nghiệp theo định hướng nào là điều nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn bởi việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp 2025 đóng vai trò quan trọng để xét tuyển vào đại học.
Chuyên gia tư vấn chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Đưa ra lời khuyên với học sinh đang đứng trước ngưỡng cửa tốt nghiệp THPT, cô Nguyễn Thị Kim Dung - giáo viên dạy Toán Trường THPT Công nghiệp (Phú Thọ) cho rằng, việc học sinh chọn môn thi phải cân nhắc kỹ càng, có sự tham vấn của thầy cô và phụ huynh, hạn chế thấp nhất phải thay đổi môn thi. "Đây là quyết định quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kết quả tốt nghiệp cũng như hướng đi tiếp vào đại học và cao đẳng.
Đầu tiên, các em học sinh cần cân nhắc chọn môn học phù hợp với năng lực học tập, sở trường, điểm mạnh của bản thân xu hướng xã hội; không nên theo cảm tính, đám đông để từ đó có thể phát huy hết khả năng trong quá trình học tập. Tiếp theo, các em cần phải xác định rõ lĩnh vực, nghề nghiệp mà mình mong muốn hoặc có dự định theo đuổi. Cuối cùng, học sinh cần tham khảo ý kiến của cha mẹ, thầy cô, các kênh thông tin tuyển sinh của các trường đại học để có căn cứ lựa chọn chính xác, có định hướng nghề nghiệp tương lai, tăng cơ hội trúng tuyển".
Liên quan đến lựa chọn môn thi, TS. Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM nhìn nhận: "Thực ra việc học sinh nên lựa chọn môn nào để thi tốt nghiệp và các trường đại học lựa chọn môn nào để xét tuyển là vấn đề khá phức tạp trong năm tới".
TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, theo Chương trình GDPT 2018, học sinh đã lựa chọn môn học từ năm lớp 10. Do đó, việc học sinh chọn 2 môn tự chọn để thi tốt nghiệp thời điểm này, thực chất lựa chọn lại lần nữa trong số các môn học sinh đã chọn học từ lớp 10. Vì vậy, không phải học sinh nào cũng có thể chọn 4 môn thi tốt nghiệp theo 36 cách lựa chọn khác nhau khi kết hợp tất cả 9 môn tự chọn. "Đến thời điểm này, có lẽ cả học sinh và trường đại học đều đang "nhìn nhau". Các trường đại học không biết học sinh đang chọn môn thi tốt nghiệp theo hướng nào để đưa ra tổ hợp xét tuyển phù hợp. Ngược lại, học sinh thì không biết các trường xét tuyển theo tổ hợp nào để chọn môn thi phù hợp. Do vậy, cần tìm một giải pháp phù hợp cho học sinh cũng như các trường đại học khi tham gia xét tuyển".
Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa: "Một giải pháp chung có thể đưa ra là trường đại học xét tuyển theo tổng điểm thi tốt nghiệp 4 môn của học sinh, tránh tình trạng đưa ra tổ hợp xét tuyển mà ít thí sinh sử dụng. Hoặc các trường đưa ra 36 tổ hợp xét tuyển mà học sinh có thể lựa chọn theo các môn thi tốt nghiệp. Tất cả học sinh đều có thể lựa chọn tổ hợp xét tuyển".
Dành lời khuyên cho học sinh ở thời điểm này, TS. Nguyễn Đức Nghĩa khuyên: "Các em hãy chọn môn thi tốt nghiệp theo môn học thế mạnh, môn yêu thích và có khả năng đạt điểm cao nhất".