Thi tốt nghiệp THPT 2020: Bộ Y tế đề nghị nghiêm túc phân loại thí sinh để tổ chức thi an toàn

01-08-2020 09:45 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều 31/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 Ban Chỉ đạo (BCĐ) thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.

Cùng dự có Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng; các thành viên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên cùng thành viên của 63 BCĐ thi các tỉnh, thành phố.

Thi tốt nghiệp THPT 2020Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 BCĐ thi cấp tỉnh chiều 31/7

Công tác chuẩn bị chủ động, sẵn sàng

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) Mai Văn Trinh cho biết, đến thời điểm này các công việc chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cơ bản đã hoàn tất. Những công việc thuộc trách nhiệm của Bộ GDĐT, liên quan đến xây dựng các văn bản về Kỳ thi, phần mềm quản lý thi và chấm thi, ra đề thi, tập huấn Quy chế thi/thanh tra thi, tổ chức thanh tra/kiểm tra các khâu của Kỳ thi… đã được Bộ chủ động triển khai, đảm bảo đúng lịch trình và chất lượng. Công tác bàn giao đề thi của BCĐ cấp quốc gia cho 63 Hội đồng thi trên toàn quốc đã hoàn thành đầy đủ và an toàn tuyệt đối. Đề thi dự bị tới đây sẽ được chuyển tiếp tới các Hội đồng thi.

Thời gian qua, lãnh đạo Bộ GDĐT, các đoàn của BCĐ thi cấp quốc gia đã kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại nhiều địa phương. Đánh giá chung, các địa phương về cơ bản đã triển khai các công việc của Kỳ thi theo lịch trình thời gian đã ban hành. Các địa phương đã thành lập BCĐ cấp tỉnh, phân công nhiệm vụ của các thành viên BCĐ rõ ràng. Tất cả địa phương đều có Chỉ thị của Thường vụ Tỉnh ủy hoặc Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về Kỳ thi. Công tác đăng ký dự thi đến nay đã hoàn tất, một số trường hợp đặc biệt đều được xử lý theo nguyên tắc đúng quy chế và bảo đảm quyền lợi của thí sinh.

Cục trưởng Mai Văn Trinh, cho biết, quá trình kiểm tra các địa phương, Bộ GDĐT luôn yêu cầu BCĐ các tỉnh có phương án đối phó với thiên tai, dịch bệnh, trong đó có dịch COVID-19 và bệnh bạch hầu. Vì thế, khi dịch COVID-19 trở lại, các địa phương đã có dự phòng để ứng phó. Mới đây (ngày 30/7), Bộ GDĐT đã gửi công văn tới UBND các tỉnh thành phố, đề nghị  tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Đà Nẵng và đang lây lan sang các địa phương khác.

Trao đổi về công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tại TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý khẳng định, mọi công tác chuẩn bị cho Kỳ thi, từ bố trí nhân sự, sắp xếp phòng thi/Điểm thi, an ninh, y tế… đều đã sẵn sàng. Lãnh đạo TP đánh giá công tác chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ GDĐT là đồng bộ, quyết liệt, giúp các địa phương dễ triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cho biết, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát các khâu chuẩn bị cho Kỳ thi, bổ sung các điều kiện phòng chống dịch COVID-19, để Kỳ thi được tổ chức tốt nhất. Lãnh đạo TP Hà Nội kiến nghị Bộ GDĐT, Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể hơn việc tổ chức thi trong điều kiện dịch COVID-19, những vấn đề liên quan đến thực hiện giãn cách trong phòng thi, tổ chức điểm thi riêng cho đối tượng F1, F2, xét đặc cách tốt nghiệp THPT… để địa phương có căn cứ thực hiện tốt.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, địa phương này đã khảo sát nhanh để bảo đảm quanh Điểm thi chính thức có Điểm thi dự phòng, trường hợp số lượng thí sinh F1 quá lớn sẽ tổ chức thi riêng. Các thành viên tham gia in sao đề thi đều được kiểm tra y tế để đảm bảo không có nguồn lây bệnh trước khi vào khu vực cách ly. Mọi công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản đã được TP Hồ Chí Minh hoàn tất, sẵn sàng cho việc tổ chức Kỳ thi.

Lãnh đạo nhiều tỉnh/thành phố cũng khẳng định, việc chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đã được địa phương triển khai tích cực, chu đáo với trách nhiệm và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Theo Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, trong quá trình chuẩn bị Kỳ thi, các địa phương đã dự phòng phương án đối phó với tình huống phát sinh liên quan đến dịch bệnh, bão lũ... Do đó, khi dịch COVID-19 “trở lại”, công tác chuẩn bị vẫn chủ động, sẵn sàng tổ chức Kỳ thi đúng lịch trình.

Đà Nẵng kiến nghị dừng thi nhưng sẵn sàng thực hiện theo chỉ đạo với quyết tâm, trách nhiệm cao

Những ngày vừa qua, Đà Nẵng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 79 ca mắc ở hầu hết các địa bàn trong TP. Hiện đã có giáo viên, học sinh thuộc diện nghi nhiễm vì tiếp xúc gần người bệnh. Với tình hình đó, theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh, dù Đà Nẵng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức thi, nhưng tâm lý học sinh, phụ huynh rất hoang mang.

Trước diễn biến phức tạp không lường trước được của dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Bộ GDĐT xem xét báo cáo Chính phủ cho dừng thi và xét đặc cách tốt nghiệp THPT đối với toàn bộ thí sinh của thành phố. Với những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ, Bộ GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xem xét phương thức tuyển sinh phù hợp trên tinh thần tự chủ đại học, đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh.

“Chúng tôi nhận thức 3 kiến nghị này rất khó khăn, không dễ dàng để quyết định. Nhưng Chính phủ, Bộ GDĐT quyết định như thế nào, Thành phố vẫn sẵn sàng thực hiện với quyết tâm tối đa và trách nhiệm cao với học sinh, phụ huynh, các cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia làm thi”, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh nói.

Giáp ranh Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiện tỉnh này có 16 ca nhiễm diễn và tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp. Khẳng định công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đã đầy đủ nhưng trước bối cảnh mới của dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân kiến nghị 3 phương án.

Thứ nhất, đến ngày 06/8 nếu dịch COVID-19 không bùng phát, địa phương sẽ tổ chức thi đúng lịch trình, đảm bảo các biện phép phòng chống dịch. Phương án 2, dịch bệnh chưa ổn, Quảng Nam đề xuất lùi lịch thi 1 tháng, sử dụng đề thi dự phòng của Bộ GDĐT. Phương án 3, nếu diễn biến dịch phức tạp, địa phương kiến nghị dừng thi và xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho thí sinh.

Bộ Y tế đề nghị nghiêm túc phân loại thí sinh để tổ chức thi an toàn

Điểm lại tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng và một số địa phương trong cả nước, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra trước Kỳ thi. Trong đó, BCĐ thi cấp tỉnh phải kiểm tra Hội đồng thi toàn diện các vấn đề và giải pháp phòng chống dịch bệnh, như: nhân sự và cơ sở vật chất đảm bảo y tế; công tác vệ sinh khử khuẩn Điểm thi, phòng thi; việc chuẩn bị khẩu trang, nước sát khuẩn cho thí sinh và cán bộ tham gia làm thi…

Thi tốt nghiệp THPT 2020Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao đổi tại cuộc họp

Đặc biệt, BCĐ thi các địa phương phải thực hiện nghiêm túc việc phân loại thí sinh như công văn Bộ GDĐT vừa ban hành về tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Theo đó, thí sinh thuộc diện F0 (ca bệnh xác định, dương tính với SARS-CoV2) phải cách ly và điều trị tại cơ sở y tế thì không thể dự thi. Thí sinh thuộc diện F1, F2 phải tổ chức phòng thi hoặc Điểm thi riêng và đảm bảo yêu cầu cách ly. Để rà soát phân loại, cần phải huy động một lực lượng y tế vào cuộc để thực hiện.

“Phải huy động lực lượng Y tế tham gia sàng lọc, phân loại thí sinh. Những thí sinh không thuộc diện F0, F1, F2 tham gia Kỳ thi cũng phải đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách trong phòng thi. Các phòng thi, Điểm thi phải khử khuẩn…. Đề nghị địa phương thực hiện nghiêm việc không bật điều hòa trong phòng thi, chỉ bật quạt, mở các cửa cho thông thoáng và tăng lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn cho Kỳ thi”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Đảm bảo an toàn cả về an ninh và sức khỏe trong Kỳ thi

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 của các địa phương. Theo Bộ trưởng, Kỳ thi diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, chưa có tiền lệ, khi cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đặc biệt gần đây khi dịch bệnh bùng phát trở lại khiến phát sinh nhiều việc để tăng cường phòng dịch, đảm bảo Kỳ thi thực sự an toàn cả về an ninh và sức khỏe người tham gia.

“Chúng ta phải coi trọng sức khỏe của thí sinh, phụ huynh, cán bộ, giáo viên, nhân viên… tham gia làm thi, rộng hơn là coi trọng sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, không vì không đủ thông tin hoặc vì một số khó khăn mà có những quyết định không được cân nhắc kỹ”, Bộ trưởng nói.

Tại thời điểm này, Bộ trưởng yêu cầu công tác chuẩn bị và kế hoạch tổ chức Kỳ thi phải thực hiện chu đáo. Còn gần 10 ngày nữa Kỳ thi sẽ diễn ra, việc bám sát diễn biến dịch bệnh phải theo từng giờ để có phương án giải quyết phù hợp.

Gửi lời cảm ơn các địa phương, đặc biệt là những tỉnh thành có nguy cơ cao như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… đã chuẩn bị rất chu đáo và quyết tâm cao việc tổ chức Kỳ thi đúng kế hoạch, Bộ trưởng đề nghị thời gian tới các địa phương tiếp tục rà soát để làm tốt các công việc còn lại của Kỳ thi.

Ghi nhận kiến nghị của UBND TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, Bộ trưởng đề nghị hai địa phương bình tĩnh, bám sát diễn biến dịch để cùng Bộ GDĐT, Bộ Y tế tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ những giải pháp phù hợp liên quan đến Kỳ thi. Thời gian này, hai địa phương vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho việc tổ chức thi, trong đó lưu ý đến ổn định tâm lý thí sinh.

“Với quyết tâm cao của lãnh đạo các địa phương, BCĐ thi các tỉnh/thành phố, cùng sự đồng lòng của học sinh, phụ huynh và toàn thể nhân dân, chúng ta cố gắng để Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 diễn ra an toàn tuyệt đối cả về an ninh, an toàn sức khỏe, nghiêm túc và công bằng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 


NN
Ý kiến của bạn