Hà Nội

Thi thể nạn nhân Ebola bị chó ăn thịt ở Liberia

31-08-2014 08:34 | Quốc tế
google news

Người dân sống ở khu vực Johnsonville, ngoại ô thủ đô Monrovia – Liberia đang phải chứng kiến những cảnh tượng rùng rợn khi nhìn thấy chó hoang đào bới thi thể nạn nhân Ebola để ăn thịt.

Chính quyền địa phương Johnsonville trong một nỗ lực ngăn chặn đại dịch Ebola đã chôn cất những nạn nhân một cách vội vàng. Họ lập ra một “nghĩa địa Ebola”, đào những chiếc hố nông rồi chôn các thi thể nạn nhân xuống.

Mặc dù vấp phải sự phản đối từ phía người dân nhưng đội mai táng của Bộ Y tế Liberia vẫn lén lút đào các ngôi mộ vào ban đêm, khiến cho một số người nhặt rác quanh khu vực có nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Nỗi sợ hãi của người dân càng gia tăng khi những con chó hoang đào bới xác nạn nhân Ebola rồi tha vào thành phố để ăn thịt. Họ lo ngại những con vật có thể cắn người và truyền virus gây bệnh.

“Chúng tôi rất thất vọng về Bộ Y tế, đặc biệt là chính phủ đã hứa bảo vệ chúng tôi nhưng những gì đang diễn ra khiến mọi người không khỏi lo ngại. Cách làm của họ thật không thể chấp nhận được và chúng tôi sẽ không cho phép chính phủ chôn cất người bệnh như vậy nữa” – một người dân tên Alfred Wiah giãi bày.

Thi thể một nạn nhân Ebola trên đường phố Monrovia. Ảnh: AP
Thi thể một nạn nhân Ebola trên đường phố Monrovia. Ảnh: AP

Trong khi đó, Senegal vừa trở thành quốc gia Tây Phi thứ 5 bị ảnh dưởng bởi đại dịch Ebola. Bộ trưởng Y tế Senegal Awa Marie Coll Seck cho biết một nam sinh viên đại học đến từ Cộng hòa Guinea có khả năng đã mang theo căn bệnh này hôm 21-8.

Sinh viên kể trên đã được kiểm tra tại một bệnh viện ở thủ đô Dakar và xác nhận bị nhiễm virus Ebola, sau đó bị cách ly.

Hiện tại, chưa có loại vắc-xin chính thức nào được sử dụng để ngăn ngừa Ebola một cách hiệu quả. Nhóm các nhà khoa học do bác sĩ Gary Kobinger dẫn đầu, thuộc Cơ quan Y tế Công cộng Canada mới đây thông báo loại thuốc thử nghiệm ZMapp đã chữa khỏi bệnh thành công cho 18 con khỉ, ngay cả khi chúng bị nhiễm virus 5 ngày.

Trước đó, 2 bác sĩ người Mỹ nhiễm Ebola ở Liberia cũng được điều trị bằng ZMapp và hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, không rõ đó là do may mắn hay tác dụng của thuốc. Theo thống kê, khoảng 45 % bệnh nhân Ebola sống sót mà không cần điều trị. Có ít nhất 2 bệnh nhân sử dụng ZMapp nhưng vẫn thiệt mạng, nhiều khả năng do dùng thuốc muộn.

Tính đến ngày 26-8, 1.552 người được xác nhận đã chết vì Ebola tại 4 quốc gia Sierra Leone, Liberia, Guinea và Nigeria. Trong đó, Liberia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 694 trường hợp tử vong. 422 người thiệt mạng ở Sierra Leone và 430 ca ở Guinea, nơi virus xuất hiện vào đầu năm nay.

Cộng hòa Dân chủ Congo cũng xác nhận 2 trường hợp mắc virus Ebola, nhưng các quan chức khẳng định họ không liên quan đến sự bùng phát dịch bệnh tại Tây Phi.

Tổng thống Sierra Leone, ông Ernest Koroma hôm 29-8 đã sa thải Bộ trưởng Y tế Miatta Kargbo nhằm tạo điều kiện xử lý hiệu quả hơn dịch bệnh Ebola. Có khả năng bà Kargbo bị sa thải vì thất bại trong công tác hạn chế lây lan dịch bệnh.

 


Ý kiến của bạn