7 trường tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh đại học năm 2024
Nhằm phục vụ xét tuyển đầu vào năm 2024, 7 cơ sở giáo dục đại học tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức với 6 đợt thi, phục vụ khoảng 75.000 thí sinh tại: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Hải Dương. Thời gian từ 195 - 199 phút, gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học (50 câu hỏi, 75 phút), Văn học - Ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút), Khoa học tự nhiên - xã hội (50 câu hỏi, 60 phút). Điểm của bài thi được chấm tự động bằng phần mềm thi đánh giá năng lực. Kết quả bài thi được hiển thị trên màn hình máy tính sau khi thí sinh kết thúc bài thi hoặc hết thời gian thi theo quy định.
Kỳ thi đánh giá tư duy năm nay do Đại học Bách khoa Hà Nội được tổ chức với 6 đợt bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính. Thí sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có giá trị trong 2 năm để đăng ký xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có nhu cầu. Địa điểm tổ chức thi đánh giá tư duy năm nay của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024 ở Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Thái Nguyên và Đà Nẵng.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức một đợt thi đánh giá năng lực năm 2024, dự kiến trong ngày 11/5. Theo đó, thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi trong số các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học. Nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy. Thí sinh cần tìm hiểu, cân nhắc lựa chọn 2-5 bài thi đánh giá năng lực sẽ đăng ký dự thi. Đối với mỗi ca thi, chỉ đăng ký tối đa một bài thi. Thí sinh lựa chọn đăng ký dự thi tại một trong ba điểm thi ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực, với 3 đợt.
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM được tổ chức 2 đợt trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh có thể tham gia 1 đợt hoặc cả 2 đợt thi. Đợt 1 (dự kiến tổ chức vào ngày 7/4). Đợt 2 (dự kiến tổ chức vào ngày 2/6).
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá năng lực, tăng một đợt so với năm ngoái. Thí sinh đăng ký dự thi và nộp lệ phí theo hình thức trực tuyến. Thí sinh làm bài thi trên máy tính tại các điểm thi do trường tổ chức, gồm các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và tiếng Anh.
Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM dự kiến tổ chức 4 đợt thi đánh giá năng lực từ tháng 3 đến tháng 5. Đây là năm thứ hai nhà trường tổ chức kỳ thi này. Kỳ thi gồm 6 bài độc lập là Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh, Sử, Địa. Trong đó, môn Toán có thời gian làm bài 90 phút, còn lại 60 phút với hình thức trắc nghiệm.
Kỳ thi đánh giá năng lực TestAs (Test for Academic Studies) của Trường ĐH Việt Đức dự kiến tổ chức vào tháng 5 tới đây. Kỳ thi bao gồm hai bài viết: một bài cơ bản (Core Test) và một thi khối kiến thức chuyên ngành (Subject Specific Test). Đối với từng ngành học nhất định, thí sinh sẽ đăng ký bài thi tương ứng về Toán học, Khoa học máy tính và Khoa học tự nhiên; Kỹ thuật; hay Kinh tế. Kết quả tổng hợp của bài thi đầu vào hoặc của chứng chỉ TestAS hợp lệ được xác định từ kết quả của hai bài thi thành phần theo tỉ lệ: Bài thi kiến thức cơ bản chiếm 40% và bài thi kiến thức khối chuyên ngành chiếm 60%.
Có cần tìm "lò luyện"?
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, cách thức đơn giản nhất để làm tốt bài thi đánh giá năng lực là thí sinh hãy dành thời gian làm bài thi tham khảo trước ngày đăng ký dự thi. Việc làm thử đề thi tham khảo trước ngày thi giúp thí sinh làm quen với cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi, tính toán thời gian cho mỗi câu hỏi để đưa ra lựa chọn thích hợp nhất.
Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết không tổ chức ôn luyện, không hợp tác với trung tâm nào liên quan đến hoạt động ôn thi đánh giá năng lực hay kỳ thi nào khác. Việc thí sinh tham gia các khóa ôn luyện này chỉ mất thời gian. Sa lầy vào việc luyện thi để học lệch, học tủ một mảng kiến thức nào đó không phải cách tốt nhất để đạt điểm cao bởi ngân hàng câu hỏi của bài thi HSA rất lớn.
Bài thi đánh giá năng lực khác định hướng với bài kiểm tra kiến thức, vì thế ôn luyện theo cách dạy thông thường cho những dạng bài thi này sẽ không có tác dụng. Hơn nữa, mỗi thí sinh khi đăng nhập vào tài khoản thi trên máy sẽ có một đề thi riêng, không trùng lặp giữa các đợt thi hay giữa các thí sinh.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, trường dự kiến tổ chức kỳ thi một đợt duy nhất trong năm vào ngày 11/5. Cấu trúc bài thi giữ ổn định như năm trước. "Để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh không cần qua "lò luyện". Giảng viên nhà trường không tổ chức luyện thi đánh giá năng lực nên thí sinh đừng tin vào các lớp luyện thi. Giảng viên nhà trường có thể tham gia soạn thảo đề thi nhưng không có nghĩa sẽ dùng đề thi của giảng viên đó. Khi có ngân hàng đề thi, trường có thể lấy các tổ hợp ngẫu nhiên, không phải đề thi của cá nhân nào. Thực tế, nhiều thầy, cô ra đề thi nên không ai có thể liên kết với bên ngoài để tổ chức luyện thi cho học sinh".
Còn theo thầy Nguyễn Cao Cường, giáo viên trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội), việc nhiều trường tuyển sinh độc lập đánh giá năng lực sẽ tạo cơ hội nhiều hơn cho học sinh. "Việc đánh giá theo phương án riêng của các trường tôi cho rằng là tối ưu và tiếp cận với các đánh giá của các nước trên thế giới. Vì cùng là môn Toán nhưng Toán ở các trường kỹ thuật sẽ khác với trường mà môn Toán để sử dụng vào nghiên cứu. Với những mục tiêu khác nhau có cách lựa chọn khác nhau".
Thầy Cường cho biết, học sinh sẽ cần dự kiến tìm hiểu về các trường đại học từ năm lớp 11 hoặc đầu năm lớp 12 để có phương án chuẩn bị. Phương án này không phải để đến lúc đi thi mới vào ôn thi mà quá trình này để học sinh hiểu rằng các trung tâm ôn luyện, lò luyện sẽ không đáp ứng được hết. "Học sinh cần hiểu việc ôn luyện kiến thức trên lớp là cần thiết chứ không thể chỉ đến "lò luyện thi" là đủ".