Đ.A.T (ở Phú Thọ) cho biết: "Sau khi biết điểm chuẩn đại học vào chiều qua em rất buồn vì đã trượt nguyện vọng 1 vào ngôi trường mà mình mơ ước. Em lo lắng không biết sẽ phải làm sao nếu tất cả các nguyện vọng đều "vuột" mất".
Không chỉ riêng T. mà thời điểm này nhiều thí sinh cảm thấy lo lắng, sợ hãi không biết tương lai sẽ thế nào nếu trượt đại học?
Cơ hội nào cho thí sinh trượt đại học?
Chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, cô giáo Nguyễn Thanh Ngọc (giáo viên một trường THPT tại Hà Nội) cho biết, thời gian này thí sinh vẫn còn cơ hội. "Trước 17h ngày 24/8, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn 2023 và kết quả xét tuyển đợt 1. Thế nên hiện tại, thí sinh vẫn còn cơ hội ở đợt xét tuyển bổ sung hoặc xét học bạ vào những trường còn đợt xét tuyển".
Theo cô Ngọc, lúc này các sĩ tử cần bình tĩnh, cẩn thận tìm hiểu thông tin xét tuyển bổ sung ở các trường đại học để tìm ra sự lựa chọn phù hợp với mình nhất. "Trường hợp nếu trượt hết tất cả các nguyện vọng thì cũng không phải là dấu chấm hết, các em còn nhiều lựa chọn khác. Năm nay trượt không có nghĩa là không được quyền thi tiếp vào năm sau. Năm tới, các em có thể thi THPT với tư cách thí sinh tự do và đăng ký những tổ hợp mà trường đại học xét tuyển. Hoặc các em có thể lựa chọn học cao đẳng hoặc học tại các trường nghề nếu "tuột tay" khỏi cánh cửa đại học.
Trượt đại học thì không vui, tuy nhiên không phải vậy mà các em nản chí hay sợ bạn bè, người thân dè bỉu mà phải giam mình lại. Cánh cửa này khép lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Và đại học không phải là cánh cửa duy nhất hay con đường duy nhất để các em có thể lựa chọn cho tương lai cuộc đời của mình", cô Ngọc khuyên.
Đối với các bậc cha mẹ, chẳng may con em mình rơi vào trường hợp trượt tất cả các nguyện vọng đại học, theo cô Ngọc, với vai trò là cha mẹ, người thân thì các bậc phụ huynh cần đồng cảm với các em, lắng nghe và gần gũi nhiều hơn với các em.
"Khoảng thời gian này con cái cần cha mẹ hơn bao giờ hết. Phụ huynh không nên tạo áp lực quá lớn cho con cái dễ dẫn đến tâm lý tiêu cực và chán nản, xấu hổ cho các em khi không thi đỗ đại học. Việc cha mẹ nên làm lúc này là chuẩn bị sẵn sàng các phương án nếu như con không thi đỗ đại học thì sẽ làm gì, học tiếp ra sao. Hãy ở bên cạnh con mình và cùng giúp các em hướng nghiệp cho đúng đắn".
Chia sẻ thêm với các thí sinh, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, quan niệm "trọng thầy hơn thợ" khiến nhiều phụ huynh và thí sinh có tư tưởng nhất định phải vào đại học bằng được.
Thực tế cho thấy, hằng năm có hàng trăm nghìn thí sinh bước vào giảng đường đại học. Tuy nhiên, khi ra trường không phải ai cũng xin được việc làm phù hợp với nguyện vọng.
TS. Nguyễn Tùng Lâm đưa ra lời khuyên: "Lựa chọn nghề nghiệp tương lai các em cần dựa vào năng lực bản thân, tiềm lực của gia đình và nhu cầu của xã hội. Các em nên đánh giá lại khả năng của mình ở đâu để lựa chọn con đường của riêng mình chứ không chọn theo xu thế đám đông. Có nhiều cơ hội để các em lựa chọn cho tương lai như có thể học cao đẳng vừa học nghề, vừa theo đuổi ước mơ của bản thân, hoặc có nhiều người làm lại và đã thành công".