Hà Nội

Thí sinh lưu ý gì ở các kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024?

11-01-2024 08:28 | Xã hội

SKĐS - Hiện nhiều thí sinh đang có xu hướng tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để tăng cơ hội được xét tuyển vào đại học.

Cả nước hiện có khoảng 10 kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, trong đó lớn nhất là kỳ thi của hai đại học quốc gia.

Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực năm 2024

Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực với quy mô khoảng 84.000 lượt thi. Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức kì thi đánh giá năng lực. Năm nay, Trung tâm tổ chức thi từ 23/3 đến 2/6 tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Thông tin về kỳ thi năm nay, GS. Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, thí sinh có 2 đợt đăng ký thi đánh giá năng lực vào 18/2 và 6/3 tới. Trường tổ chức đợt thi đầu tiên vào ngày 23-24/3 và đợt cuối dự kiến vào ngày 1-2/6. Lịch này có thể thay đổi theo số lượng thí sinh đăng ký và lịch thi tốt nghiệp THPT. Tất cả đều diễn ra vào thứ 7 và Chủ nhật để thuận tiện cho thí sinh dự thi. Lệ phí dự thi là 500.000 đồng/thí sinh/lượt thi và không hoàn lại với bất kỳ lí do gì.

Thí sinh lưu ý gì ở các kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024?- Ảnh 1.

Thời gian thi và số lượng dự kiến, kỳ thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS. Nguyễn Tiến Thảo lưu ý, thí sinh đọc kỹ hướng dẫn và cân nhắc kỹ trước khi nộp lệ phí. Sau 96 giờ ca thi sẽ tự động hủy nếu thí sinh không hoàn thành việc nộp lệ phí. Bài thi đánh giá năng lực làm trên máy tính, thời gian từ 195 - 199 phút gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học (50 câu hỏi, 75 phút), Văn học - Ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút), Khoa học tự nhiên – xã hội (50 câu hỏi, 60 phút). Phần 1 và phần 3 sẽ có thêm 1-3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm.

Thí sinh tra cứu kết quả thi và nhận giấy chứng nhận kết quả thi sau 14 ngày dự thi. Giấy chứng nhận kết quả được gửi qua đường thư bảo đảm theo địa chỉ và số điện thoại khai báo tại tài khoản đăng ký thi đánh giá năng lực.

Theo Giám đốc Trung tâm Khảo thí, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có mục tiêu đánh giá năng lực học sinh THPT theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới; định hướng nghề nghiệp cho người học trên nền tảng năng lực cá nhân; các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước có thể tham khảo kết quả thi phục vụ công tác tuyển sinh. Ngoài ra, kỳ thi có thể đánh giá chung về kết quả học tập bậc THPT và phân tích, dự báo kết quả học tập bậc đại học của người học. Đồng thời giúp xếp loại các trường THPT, góp phần xây dựng, hoàn thiện chính sách quốc gia về giáo dục đào tạo.

Đại học Quốc gia TP. HCM công bố mẫu đề thi đánh giá năng lực 2024

Đối với kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. HCM, TS. Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP. HCM cho biết, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, với ba phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và Phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề. Thí sinh làm bài trong 150 phút, thang điểm 1.200.

Năm nay, Đại học Quốc gia TP. HCM tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực, vào ngày 7/4 và 2/6, muộn hơn một tháng so với những năm trước. Đợt thi đầu tiên dự kiến mở đăng ký vào cuối tháng 1, lệ phí dự thi là 300.000 đồng mỗi thí sinh. Bình Phước và Tây Ninh là hai điểm thi mới, bên cạnh 21 điểm thi cũ, gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang và Bạc Liêu.

Thí sinh lưu ý gì ở các kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024?- Ảnh 2.

Thí sinh thi đánh giá năng lực năm 2023.

Thí sinh cân nhắc lựa chọn các kỳ thi phù hợp với sức khỏe, khả năng

Năm 2023, ngoài các phương thức xét tuyển truyền thống bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, các trường đại học cũng đẩy mạnh tổ chức, tăng chỉ tiêu cho phương thức mới, trong đó phải kể đến các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Luật Giáo dục đại học quy định các trường đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh. Các trường căn cứ vào quy chế tuyển sinh hiện hành để xây dựng quy chế và đề án tuyển sinh. Theo quy định của Quy chế tuyển sinh, các trường muốn tổ chức kỳ thi riêng để phục vụ phải đảm bảo các yêu cầu, khung quy định tại điều 12, 13, 14 và 15. Hiện, một số trường tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy ngoài việc lấy kết quả xét tuyển của cơ sở đào tạo còn được các trường khác sử dụng để làm căn cứ xét tuyển.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khuyến khích thí sinh đăng ký tham dự các kỳ thi riêng nhằm tăng cơ hội xét tuyển theo các phương thức khác. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, mục đích và yêu cầu của các kỳ thi là khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi, cách thức, thời gian, địa điểm tổ chức cũng khác nhau. Thí sinh cần xem xét kỹ đề án tuyển sinh của các trường và cân nhắc lựa chọn các kỳ thi phù hợp với sức khỏe, khả năng của bản thân. "Thí sinh không nên tham gia quá nhiều kỳ thi riêng, vừa lãng phí thời gian, công sức, áp lực và gánh nặng về thi cử mà khó có thể đạt được kết quả như mong muốn".

Thí sinh cần hiểu rõ, các kỳ thi riêng có định hướng vào các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ kỳ thi đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia phạm vi lĩnh vực rộng; Đại học Bách khoa Hà Nội có kỳ thi chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tập trung cho lĩnh vực đào tạo giáo viên, Bộ Công an tổ chức kỳ thi riêng cho các trường khối an ninh, công an…). "Các em thí sinh cần lưu ý tập trung ôn tập để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì chỉ khi thí sinh tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện xét tuyển vào đại học, cao đẳng".

Thí sinh có thể sử dụng kết quả Đánh giá tư duy xét tuyển trường Y?Thí sinh có thể sử dụng kết quả Đánh giá tư duy xét tuyển trường Y?

SKĐS - Trong mùa tuyển sinh đại học năm 2024, dự kiến nhiều trường đại học chọn sử dụng kết quả Kì thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì để thực hiện tuyển sinh đại học.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn