Hà Nội

Thí sinh lúng túng trước 20 phương thức xét tuyển đại học năm 2022

15-04-2022 10:22 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong 20 phương thức xét tuyển đại học năm nay thì hầu hết thí sinh đều chỉ tìm hiểu và nắm vững thông tin của 2-3 phương thức tuyển sinh đại học, số còn lại, nhiều thí sinh vẫn còn lúng túng.

Thí sinh là F0 lo không có điểm xét tuyển đại học, Bộ GDĐT nói gì?Thí sinh là F0 lo không có điểm xét tuyển đại học, Bộ GDĐT nói gì?

SKĐS - Mặc dù còn 4 tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay mới chính thức diễn ra, song số ca F0 là học sinh và trong cộng đồng tăng cao khiến phụ huynh, học sinh rất lo lắng, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến về vấn đề này.

Em Trịnh Thành Hưng – học sinh lớp 12B Trường Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho biết, năm nay có quá nhiều phương thức xét tuyển, có nhiều phương thức mà em còn chưa biết thông tin. "20 phương thức xét tuyển đại học thì em chỉ nắm vững thông tin về xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ và xét kết quả thi đánh giá năng lực".

Không chỉ riêng Hưng mà nhiều học sinh lớp 12 khác cũng thấy lạ lẫm về nhiều phương thức xét tuyển đại học. Theo Hưng: "Từ năm lớp 10, chúng em đã được định hướng xét tuyển vào đại học bằng việc thi tốt nghiệp THPT nên đến năm lớp 12, khi những phương thức mới xuất hiện, chúng em cảm thấy hoang mang, chưa biết nên sử dụng phương thức nào để tăng cơ hội trúng tuyển".

Thí sinh hoang mang về nhiều phương thức xét tuyển đại học năm 2022 - Ảnh 2.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, con số 20 có thể khiến thí sinh lo lắng nhưng thực ra mỗi trường không sử dụng nhiều phương thức như vậy.

Trước băn khoăn của các thí sinh về việc năm 2022 xuất hiện hơn 20 phương thức xét tuyển sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh. PGS.TS. Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, việc xuất hiện nhiều phương thức xét tuyển đại học thể hiện quyền tự chủ của các trường. Phương thức xét tuyển sẽ phải phù hợp với chương trình đào tạo mà trường cung cấp.

PGS.TS.Nguyễn Thu Thủy lý giải: "Con số 20 có thể khiến thí sinh lo lắng nhưng thực ra mỗi trường không sử dụng nhiều phương thức như vậy. Mỗi trường sẽ lựa chọn phương thức phù hợp để xét tuyển. Trường hợp đặc biệt là các trường thuộc khối nghệ thuật, năng khiếu có những tổ hợp có môn năng khiếu.

Nếu thí sinh quyết tâm theo ngành, lĩnh vực đó phải chuẩn bị từ trước. Hoặc các trường đặc thù thuộc lĩnh vực công an, quân đội có điều kiện xét tuyển khác biệt với các khối còn lại. Như vậy, tưởng chừng nhiều phương thức xét tuyển nhưng bao quát cho thấy phương thức xét tuyển khu trú trong số lượng phù hợp với mỗi trường".

Thí sinh hoang mang về nhiều phương thức xét tuyển đại học năm 2022 - Ảnh 3.

20 phương thức xét tuyển đại học năm 2022.

Nhiều trường đại học công bố đề án tuyển sinh sớm để thí sinh định hướng ôn tập, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy cho rằng, các trường không muốn gây ra thay đổi đột ngột ảnh hưởng tới thí sinh. Những gì đã công bố không phải quá mới mẻ với thí sinh.

Phân tích về việc xét tuyển đại học năm 2022 thí sinh có nhiều cơ hội đăng ký xét tuyển vào các trường khác nhau, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy nêu ví dụ: "Chẳng hạn, thí sinh đang yêu thích một ngành nghề. Các em dựa trên năng lực, sở trường của mình để đăng ký ngành đó ở trường này nhưng ở trường khác cũng tuyển sinh sử dụng phương thức khác. Lúc này, thí sinh chỉ việc sắp xếp thứ tự ưu tiên nơi nào mong muốn học nhất".

Trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 vừa được Bộ GD&ĐT công bố, có 3 thay đổi lớn, đó là:

Thời gian đăng ký xét tuyển: Các năm trước, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học cùng lúc với đăng ký thi tốt nghiệp và được điều chỉnh lại sau khi biết điểm thi. Năm nay, các em có thể đăng ký sau khi đã thi tốt nghiệp, thậm chí khi đã biết điểm. Thay đổi này được đánh giá là tiện lợi hơn cho thí sinh, giúp các em có có đủ tham số, từ kết quả tốt nghiệp đến việc tìm hiểu kỹ các ngành, trường để sắp xếp thứ tự nguyện vọng, tránh phải điều chỉnh, tốn thời gian và chi phí.

Thí sinh đăng ký xét tuyển qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia theo kế hoạch chung. Các em vẫn được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường không hạn chế số lượng; sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.

Phương thức xét tuyển: Năm nay, các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình chung của Bộ GD&ĐT, mà chỉ được phép công bố và tải danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm vẫn tiếp tục phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ; và sẽ được công nhận trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất.

Điểm ưu tiên khu vực: Năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến giữ nguyên mức điểm cộng ưu tiên khu vực. Thí sinh khu vực 1 (KV1) được cộng 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 và khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm. Tuy nhiên, dự thảo đưa ra điểm mới là cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng vào năm thí sinh tốt nghiệp THPT. Thí sinh tốt nghiệp từ những năm trước, nếu thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng thì không được cộng.

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học hiện được Bộ GD&ĐT công bố để lấy ý kiến. Những điểm mới trên sẽ có hiệu lực khi Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh năm 2022, dự kiến vào tháng 6 tới đây.

Xem thêm video:

Bộ Y tế: Tiếp tục tiêm vaccine cho người đã mắc COVID-19 | SKĐS



Đỗ Vi
Ý kiến của bạn