Đây là nội dung liên quan tới trách nhiệm thí sinh trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT vừa được Bộ GD&ĐT công bố.
Như vậy, nếu dự thảo được thông qua, thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình, dù chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem hay truyền tín hiệu - điều quy định hiện hành cho phép.
Ngoài ra, theo dự thảo, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2 phần 3 thời gian làm bài của buổi thi; phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi trước khi ra khỏi phòng thi và phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi.
Nếu thí sinh ra khỏi phòng thi sớm ở môn tự luận thì dự kiến sẽ vẫn phải lưu lại ở phòng chờ của khu vực thi trong thời gian còn lại của buổi thi. Đây cũng là điểm mới so với trước.
Đáng chú ý, dự thảo quy định, thí sinh được đăng ký dự thi trực tuyến hoặc đăng ký dự thi trực tiếp tại trường phổ thông nơi học lớp 12 (quy định hiện hành là đăng ký tại trường phổ thông nơi học lớp 12).
Về điểm ưu tiên, dự thảo sửa đổi, bổ sung liên quan đến một trong những đối tượng thuộc diện cộng 0,25 điểm ưu tiên, đó là: Người Kinh, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có ít nhất 2 phần 3 thời gian học cấp THPT tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương và có nơi thường trú từ 3 năm trở lên trong thời gian học cấp THPT (tính đến ngày thi) ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III; các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ;
Một trong những đối tượng thuộc diện cộng 0,5 điểm ưu tiên cũng được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo, cụ thể: Người dân tộc thiểu số đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương và có nơi thường trú ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III; các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ.
Dự thảo này được lấy ý kiến đến hết 5/3/2023. Những thay đổi (nếu có) sẽ được áp dụng ngay trong năm nay, các quy định còn lại vẫn thực hiện theo quy chế thi tốt nghiệp THPT tại hai Thông tư 15/2020 và 05/2021 của Bộ GD&ĐT.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong 2,5 ngày với ba bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên). Trong đó, bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận. Các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm.
Trong báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022 cho thấy, 5 phương thức có số lượng thí sinh nhập học cao nhất gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển theo kết quả học tập cấp THPT (học bạ); xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo; xét theo bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở giáo dục tự tổ chức xét tuyển và xét tuyển theo phương thức khác. Trong đó, hơn 50% số lượng thí sinh nhập học theo phương thức xét điểm thi THPT vào các trường.