Điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 22/7
Bộ GD&ĐT cho biết từ ngày 16 đến 18/7, cổng thông tin tuyển sinh sẽ mở để thí sinh, điểm tiếp nhận hồ sơ thực hành thử nghiệm việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến và bằng phiếu điều chỉnh.
Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT thông báo cho thí sinh, các điểm tiếp nhận hồ sơ biết để tham gia. Đồng thời, lưu ý đây chỉ là giai đoạn chạy thử phần mềm giúp thí sinh, điểm tiếp nhận hồ sơ làm quen với cách điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Kết quả thử điều chỉnh nguyện vọng này của thí sinh trên cổng thông tin tuyển sinh sẽ bị xóa toàn bộ sau khi kết thúc đợt chạy thử. Hệ thống sẽ được làm mới lại để thí sinh chính thức điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ ngày 22/7.
Từ ngày 22/7 đến 17h ngày 31/7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức phiếu đăng ký xét tuyển.
Theo đó, từ ngày 22/7 đến 17h ngày 29/7, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng chính thức theo phương thức trực tuyến. Từ ngày 22/7 đến 17h ngày 31/7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức phiếu đăng ký xét tuyển. Cũng theo hướng dẫn này, Bộ GD&ĐT cho phép các trường thực hiện điều chỉnh đề án tuyển sinh.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường rà soát đề án gồm chỉ tiêu, ngành, tổ hợp xét tuyển, tiêu chí phụ, điểm xét tuyển môn năng khiếu… Các thông tin này phải chính xác với dữ liệu đã khai báo trong hệ thống nghiệp vụ thi và tuyển sinh.
Trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung nội dung đề án thì tuân thủ quy định, việc điều chỉnh không làm ảnh hưởng quyền lợi các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường. Ví dụ như trường mở thêm ngành và điều chỉnh chỉ tiêu cho ngành mới mở, lượng thí sinh đăng ký thấp hơn chỉ tiêu dự kiến một số ngành nên điều chỉnh chỉ tiêu dư cho các ngành gần trong nhóm ngành… Các nội dung điều chỉnh cùng đề án đã điều chỉnh phải gửi về bộ trước 17h ngày 10/7 để đảm bảo công khai đề án trước 10 ngày khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đợt 1.
Không điều chỉnh danh sách trúng tuyển
Năm nay, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức hỗ trợ kỹ thuật cho các trường về thông tin tuyển sinh trên cổng thông tin tuyển sinh, thống kê nguyện vọng của thí sinh, phần mềm xét tuyển, lọc ảo…
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý phần mềm lọc ảo chỉ làm nhiệm vụ loại bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà trường gửi lên hệ thống, không có chức năng điều chỉnh chỉ tiêu, điểm chuẩn mà trường đã xác định.
Bộ GD&ĐT cũng khẳng định các trường tự chủ trong công tác tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm trong xác định chỉ tiêu, xác định điểm trúng tuyển vào các ngành/nhóm ngành đào tạo của trường. Nếu trường xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát với thực tế dẫn đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu đã đăng ký, nhà trường và cá nhân liên quan phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo quy chế tuyển sinh hiện hành.
Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các trường phải triệt để tuân thủ và thống nhất thực hiện quy định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức vào trường là danh sách thí sinh được phần mềm lọc ảo toàn quốc gửi lại trường sau khi lọc ảo lần cuối vào ngày 8/8, các trường tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.
Tính đến thời điểm ngày 20/6, đã có 52 trường đại học đăng ký tham gia nhóm xét tuyển phía Bắc. Hiện nay, việc đăng ký tham gia nhóm đã hoàn tất. Trên địa bàn Hà Nội, hầu hết trường đều tham gia nhóm xét tuyển. Ngoài ra, các trường ở những tỉnh khác như Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh cũng tham gia. Đặc biệt, nhóm xét tuyển miền Bắc còn có các trường top đầu như: Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, ĐH Y Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Năm nay, phần mềm xét tuyển nhóm các trường phía Bắc có một số thay đổi nhỏ. Theo đó, phần mềm được bổ sung do Bộ GD&ĐT quy định điều kiện đảm bảo chất lượng đối với các ngành sư phạm và các ngành khối sức khỏe. Bên cạnh đó, phần mềm cũng tăng tốc độ xử lý, rút ngắn được thời gian xét tuyển hơn so với trước.