Ngày 27/5, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT chủ trương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 giữ ổn định về phương thức như năm 2020. Theo kế hoạch, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức vào các ngày 7-8/7/2021.
Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT cho biết: Cho đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021; ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT, Kế hoạch tổ chức Kỳ thi.
Mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi được triển khai tích cực thời gian qua. Đề thi tham khảo của 15 môn thi đã được Bộ GD&ĐT công bố vào ngày 31/3, giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh có định hướng phù hợp trong dạy, học, ôn tập để chuẩn bị tham gia kỳ thi.
Ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn bị bảo đảm yêu cầu, quy trình và số lượng phục vụ công tác thi và tổ chức kỳ thi. Phần mềm quản lý thi (phục vụ đăng ký, tổ chức thi, hỗ trợ tuyển sinh) và phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được đánh giá để trước khi tập huấn, sử dụng theo kế hoạch. Thí sinh đã hoàn thành đăng ký dự thi (từ ngày 27/4 đến hết ngày 11/5). Công tác đăng ký dự thi được triển khai thuận lợi, bảo đảm tiến độ.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục phối hợp với các địa phương để kịp thời hỗ trợ các vấn đề phát sinh (nếu có) nhằm bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.
Bộ GD&ĐT khẳng định, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 trong năm học 2019-2020 và 2020-2021 sẽ không được đưa vào đề thi năm nay.
Tại hội nghị, ý kiến các địa phương đều cho thấy, các địa phương đã chủ động xây dựng phương án tổ chức kỳ thi nếu tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn. Lực lượng làm nhiệm vụ và học sinh dự thi tại các điểm thi phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của ngành y tế. Tất cả điểm thi, cán bộ tham gia công tác thi và thí sinh phải thực hiện các giải pháp phòng dịch như: Phun khử khuẩn phòng thi; áp dụng 5K, trong đó chú trọng việc không tụ tập đông người, giãn cách trong phòng thi, đo thân nhiệt, trang bị cồn rửa tay tới từng phòng thi, có bộ phận y tế và đầy đủ vật tư y tế cần thiết.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, đến hết ngày 26/5, cả nước có 18 học sinh lớp 12 mắc COVID-19 (F0), 394 F1, chủ yếu ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam và Điện Biên. Con số này có thể thay đổi trong thời gian tới. Bộ GD-ĐT đã xây dựng kịch bản để ứng phó với các tình huống, đồng thời yêu cầu các tỉnh thành có kịch bản cụ thể dựa trên thực tế địa phương, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Ngành giáo dục địa phương sẽ phối hợp với ngành y tế, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 để rà soát F0, F1, F2 nhằm có giải pháp xử lý, đảm bảo tối đa quyền lợi cho các em. Những thí sinh diện F0, không thể dự kỳ thi này sẽ được xét tốt nghiệp tương tự trường hợp bị ốm đau, tai nạn đột xuất. Thí sinh F1 sẽ được bố trí thi ở điểm riêng. Nếu xa địa điểm cách ly, địa phương tính toán đưa đón thí sinh bằng ô tô riêng và chống lây nhiễm chéo. Thầy cô và học sinh có thể phải mặc bảo hộ, tương tự ở Đà Nẵng năm ngoái. Với F2, các điểm thi sẽ bố trí phòng thi riêng. Đặc biệt, mỗi điểm thi đều có các phòng thi dự phòng. "Bộ GD&ĐT khuyến khích địa phương có nguồn lực và kinh phí có thể xét nghiệm cho thí sinh dự thi", ông Mai Văn Trinh nói.
Bộ GD&ĐT cho rằng, chúng ta đã có kinh nghiệm của kỳ thi năm 2020, khi bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và phải chia làm hai đợt. Chủ trương hiện nay của Chính phủ là chủ động khống chế dịch nhưng không ngừng các hoạt động kinh tế, xã hội, do đó Bộ GD&ĐT cũng quyết tâm tổ chức kỳ thi theo hướng an toàn, nghiêm túc. Chỉ trường hợp bất khả kháng với số lượng F1 và phạm vi bùng dịch lớn hơn, chúng ta mới tổ chức thêm đợt thi.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường nhấn mạnh Bộ sẽ phối hợp chặt vẽ với Thanh tra Chính phủ triển khai công tác thanh tra, kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT. Thanh tra Chính phủ cử lãnh đạo tham gia Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và có văn bản hướng dẫn Thanh tra các tỉnh. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thanh tra đột xuất đến tất cả những địa phương, những vùng, những khâu có vấn đề.
Năm 2021, Bộ sẽ huy động tối đa lực lượng đã tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra. Bộ sẽ tiến hành tập huấn cho cốt cán là thanh tra nội bộ và lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học (dự kiến 200 cơ sở) về nội dung kiểm tra công tác coi thi, trên cơ sở đó các cơ sở giáo dục đại học tổ chức tập huấn đến tất cả cán bộ giảng viên được cử tham gia kiểm tra công tác coi thi; tập huấn cho cán bộ, công chức của Bộ và giảng viên cơ sở giáo dục đại học được điều động tham gia các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi, chấm thi và phúc khảo của Bộ GD&ĐT (khoảng 250 người).
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Thời gian làm bài thi/môn thi: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút 2 đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp (các bài thi tổ hợp thi cùng một buổi).