Do dịch COVID-19, hàng loạt địa phương không tổ chức thi tốt nghiệp đợt 2
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ diễn ra trong các ngày 6-7/8. Theo số liệu thống kê, có khoảng hơn 26.000 thí sinh chưa dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1, trong khi đó, một số địa phương không thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2.
Hiện dự kiến sẽ có khoảng 10.000 thí sinh đặc cách, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Bộ GD&ĐT dự báo số liệu này có thể biến động theo chiều hướng tăng, nhưng không nhiều. Bên cạnh những em xét tuyển bằng các phương thức khác, còn nhiều em chưa có căn cứ điểm để xét tuyển ĐH, CĐSP.
Thời điểm này, Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đang trong thời gian giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND TP. Hà Nội đã quyết định không tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2, mà xét đặc cách cho thí sinh đăng ký đợt thi này do dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe của thí sinh, người tham gia tổ chức thi và cộng đồng,
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng có công văn khẩn gửi Bộ GD&ĐT, đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho các thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2; lý do là dịch diễn biến phức tạp, việc tổ chức thi đợt 2 khó có thể thực hiện, không tạo được tâm lý an toàn cho phụ huynh và cả thí sinh.
Đồng thời, TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ GD&ĐT yêu cầu ĐH Quốc gia và các trường ĐH, trường có tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non triển khai bổ sung kỳ thi đánh giá năng lực, sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh khác (ngoài căn cứ trên điểm thi tốt nghiệp THPT) để xét tuyển đối với thí sinh thi được xét đặc cách trong đợt 2.
Các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Đăk Lăk, Khánh Hoà cũng gửi văn bản đề xuất Bộ GD&ĐT xét đặc cách cho các thí sinh đủ điều kiện thi THPT đợt 2.
Trả lời các văn bản này, ngày 29/7, Bộ GD&ĐT đã có quyết định về việc bổ sung đối tượng được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo đó, đối tượng được bổ sung là thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và có nguyện vọng được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT, đang ở nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoặc nơi bị phong tỏa hoặc thuộc đối tượng phải cách ly y tế theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Đề xuất về phương thức và chỉ tiêu xét tuyển
Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH Phạm Như Nghệ cho biết, nhằm tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho thí sinh đặc cách có thể được xét tuyển vào ĐH, CĐSP, Bộ đã có văn bản và trao đổi trực tiếp, đề nghị hai Đại học Quốc gia tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho các đối tượng này.
Các cơ sở có thể căn cứ vào kết quả thi đánh giá năng lực, học bạ hoặc phương thức khác để xét tuyển, đảm bảo công bằng, khách quan. Phương thức xét tuyển hoàn toàn do các cơ sở GDĐH quyết định và chịu trách nhiệm giải trình.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, cơ sở GDĐH phải xác định các vùng tuyển chủ yếu của mình, từ đó, để dành lại số chỉ tiêu đã xác định trong năm 2021, cho từng ngành, từng chương trình đào tạo. Số chỉ tiêu để lại dự kiến tối thiểu phải tương đương với tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐSP, phù hợp với đặc điểm ngành đào tạo và yêu cầu của cơ sở đào tạo.
Sau đợt 2 thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ công khai những thông tin về số thí sinh ở các địa phương, các vùng, làm căn cứ cho các trường tính toán, để lại chỉ tiêu phù hợp. Đối với những ngành có nhu cầu lớn, điểm chuẩn cao, Vụ GDĐH tham mưu lãnh đạo Bộ cho phép các trường có thể tuyển đủ chỉ tiêu đã xác định.
Sau khi đã tuyển đủ, các trường được bổ sung chỉ tiêu cho những ngành này, tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số sinh viên có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐSP thuộc khu vực xét tuyển chủ yếu của trường đã xác định.
Đề xuất này nhằm đảm bảo công bằng, không làm mất đi cơ hội của thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT và tham gia xét tuyển. Đồng thời, tạo điều kiện cho thí sinh đặc cách tham gia xét tuyển.
Riêng đối với các cơ sở thuộc khối an ninh, quốc phòng, theo Nghị định 99, việc xác định chỉ tiêu vừa đáp ứng quy định của Bộ GD&ĐT vừa tuân thủ quy định riêng của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Dự kiến, hai Bộ này sẽ trực tiếp xác định chỉ tiêu và thông báo cho các trường trong khối an ninh, quốc phòng.
Về chỉ tiêu sư phạm, theo quy định của Luật, Bộ GD&ĐT đã xác định và thông báo chỉ tiêu đào tạo chính quy cho các trường. Phương án dự kiến là các trường được phép tuyển đủ chỉ tiêu theo quy định ngay trong đợt xét tuyển chung tới đây. Sau đó, nếu có thí sinh diện đặc cách đăng ký dự tuyển vào các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, căn cứ báo cáo, Bộ GD&ĐT sẽ bổ sung chỉ tiêu, đáp ứng nhu cầu của các trường.
Để thí sinh đặc cách có cơ hội ngang bằng với thí sinh khác trong xét tuyển ĐH, CĐSP, Vụ GDĐH đề nghị các cơ sở GDĐH tổ chức xét tuyển riêng cho đối tượng này.
Các cơ sở giáo dục đại học sẵn sàng phối hợp
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, việc xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho thí sinh đã được Bộ GD&ĐT đồng ý. Tuy nhiên, nhiều em vẫn có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng bằng phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT; trong khi các em sẽ không có điểm thi tốt nghiệp THPT để làm căn cứ xét tuyển.
Trước tình hình này, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, chỉ đạo tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, để thí sinh có thể tham dự. Kỳ thi này dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 8 hoặc tháng 9 (tuỳ theo điều kiện thực tiễn).
Đối với thí sinh thuộc diện đặc cách tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục đại học phát huy tinh thần tự chủ và trách nhiệm xã hội, có phương án chung trên toàn hệ thống, tính toán tỉ lệ chỉ tiêu dành lại phù hợp với tỷ lệ các thí sinh đặc cách tốt nghiệp.
Theo đó, có thể dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của hai đại học Quốc gia tổ chức để xét tuyển, hoặc xét tuyển bằng học bạ. Các trường cần dành lại một số chỉ tiêu tuyển sinh cho những thí sinh này phù hợp với tỉ lệ nói trên, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các em, nhưng cũng bảo đảm công bằng cho thí sinh xét tuyển chung trong đợt tới.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý, tới đây bộ phận chuyên môn cần bổ sung danh sách và số lượng thí sinh được xét đặc cách để gửi dữ liệu cho các trường. Sau khi có số liệu, các trường sớm công bố phương án điều chỉnh bổ sung, để thí sinh đăng ký xét tuyển. Các trường sẽ tính toán để dành chỉ tiêu riêng cho những thí sinh thuộc diện đặc cách.
Về phương án tuyển sinh, cơ bản các trường áp dụng xét tuyển bằng phương thức xét học bạ, hoặc căn cứ vào kết quả kỳ thi ĐGNL của 2 ĐH Quốc gia hoặc các phương thức xét tuyển khác. Thứ trưởng đề nghị, các cơ sở giáo dục đại học chủ động phương án xét tuyển. Riêng với kỳ thi đánh giá năng lực, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với 2 ĐH Quốc gia và các địa phương để tính toán địa điểm, thời gian tổ chức hợp lý, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, công bằng cho thí sinh.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với 2 ĐH Quốc gia để có dữ liệu chung. Các trường sử dụng kết quả của kỳ thi này, có thể tham gia xét tuyển chung.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý, các trường cần tính đến điểm ưu tiên đối với thí sinh xét tuyển bằng kết quả kỳ thi ĐGNL; đồng thời, tính đến trường hợp thí sinh không tham dự kỳ thi này để chủ động trong phương án xét tuyển cho các em. Với những trường tổ chức thi năng khiếu, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị gửi thông tin, Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp số liệu và làm việc với các trường để có giải pháp thoả đáng, phù hợp thực tiễn.