Thí sinh điểm IELTS, ACT/SAT cao có ảnh hưởng khi siết xét tuyển sớm?

01-12-2024 09:11 | Xã hội
google news

SKĐS - Trước dự kiến giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển sớm, thí sinh có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau đã và đang chuẩn bị?

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới. Trong đó, dự kiến Bộ GD&ĐT sẽ quy định cơ sở đào tạo có thể xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp, tuy nhiên chỉ tiêu xét tuyển sớm do trường quy định không quá 20% chỉ tiêu từng ngành, nhóm ngành đào tạo…

Quy định này đang gây tranh cãi, khi đại diện nhiều trường đại học cho rằng quy định gây ra nhiều rào cản bất hợp lý, hạn chế quyền tự chủ của các trường. Trong khi đó, học sinh, phụ huynh cũng lo lắng, nhất là những gia đình đã đầu tư cho con tham gia học và thi các loại chứng chỉ quốc tế, kỳ thi riêng… để phục vụ mục tiêu xét tuyển sớm vào đại học.

Trước những thông tin này, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng giải đáp những băn khoăn của học sinh, phụ huynh và các trường.

Thí sinh điểm IELTS, ACT/SAT cao có ảnh hưởng khi siết xét tuyển sớm?- Ảnh 1.

Thí sinh có điểm IELTS, ACT/SAT, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... không bị ảnh hưởng khi siết xét tuyển sớm. Ảnh minh hoạ

Theo Bộ GD&ĐT, việc đưa ra giới hạn 20% được căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua, để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT. Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12…

Trong những năm qua, hầu hết cơ sở đào tạo phân bổ chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển, thậm chí cho từng tổ hợp môn xét tuyển, từ đó áp dụng các tiêu chí xét tuyển để tính điểm xét của thí sinh và xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu của từng phương thức, tổ hợp môn xét tuyển. Điều này giúp các trường có thể sử dụng xét tuyển sớm để chủ động hoàn thành kế hoạch tuyển sinh.

Tuy nhiên, cũng từ đây xuất hiện những vấn đề như chênh lệch điểm trúng tuyển một cách bất hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển, đồng thời đẩy điểm chuẩn của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT lên rất cao do chỉ tiêu dành cho phương thức này không còn nhiều. Điều này gây bất công bằng về cơ hội cho những thí sinh không có điều kiện tiếp cận nhiều phương thức xét tuyển.

Chính vì thế, dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh lần này quy định thống nhất áp dụng quy đổi tương đương điểm xét của các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển về một thang điểm chung, thống nhất đối với mỗi chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trên cơ sở đó xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trừ trường hợp xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm các thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội.

"Dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau đã và đang chuẩn bị. Như vậy, các thí sinh có điểm IELTS, ACT/SAT, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... không bị ảnh hưởng", Bộ GD&ĐT khẳng định.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển đại học được các cơ sở đào tạo trên cả nước áp dụng, trong đó có phương thức xét tuyển sớm.

Xét tuyển sớm là phương thức tuyển sinh độc lập, không phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Phương thức này sử dụng những hình thức xét tuyển như: Xét học bạ THPT, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển sinh đặc thù, các hình thức ưu tiên theo quy định riêng của từng trường.

Với thí sinh, phương thức xét tuyển sớm có ưu điểm là thêm cơ hội tham gia xét tuyển vào ngành, trường mình mong muốn bằng các phương thức khác (ngoài phương thức truyền thống là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT). Đây cũng là phương thức giúp không ít thí sinh giảm áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp. Với các trường đại học, việc tổ chức xét tuyển sớm giúp thêm cơ hội tăng quy mô nguồn tuyển.


Lo cơ hội trúng tuyển sớm ít đi, học sinh đổi chiến thuật ôn thiLo cơ hội trúng tuyển sớm ít đi, học sinh đổi chiến thuật ôn thi

SKĐS - Những ngày này, việc Bộ GD&ĐT dự kiến "siết" xét tuyển sớm đã khiến học sinh bất ngờ, lo lắng. Nhiều em cho biết có thể phải điều chỉnh dự định khi chỉ còn một học kỳ nữa sẽ kết thúc năm học.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn