Dù cuối tuần nhưng phòng đào tạo Đại học Y dược TP HCM ngày 8/8 có đông thí sinh đến nộp và rút hồ sơ. Trong đó không ít người chỉ đến nghiên cứu tình hình trước khi đưa ra quyết định có hay không rút hồ sơ.
Ngồi ở dãy ghế cuối, Ngọc cho biết rất quyết tâm vào ngành Y đa khoa nên đã đầu tư ôn luyện khối B nhiều năm nay. Kỳ thi vừa rồi được 27 điểm nên em rất tự tin nộp hồ sơ vào ngành này bởi điểm chuẩn năm 2013 là 27, còn năm ngoái là 26. "Lúc biết điểm cả gia đình em vui lắm, dù không có điểm ưu tiên nhưng em rất hy vọng", Ngọc nói.
Ngày nào Ngọc cũng cập nhật vào trang web của trường để theo dõi tình hình. Đến ngày 3/8 nữ sinh bắt đầu lo lắng khi lượng hồ sơ vào ngành Y đa khoa với điểm số cao tăng rất nhiều, thứ hạng của Ngọc trên bảng danh sách vì thế tụt dần.
Đến tối 6/8, Ngọc không khỏi hoang mang khi chỉ tiêu của ngành chỉ 400 mà vị trí thứ hạng của cô đã nằm ngoài con số này. Ngọc đã khóc suốt đêm, ba mẹ khuyên theo dõi thêm vài ngày nữa rồi tính tiếp. Nhưng giờ vị trí của em lại tụt xuống nên đến rút hồ sơ để nộp vào Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
"Tới nơi thấy một số người cũng rút hồ sơ em lại chần chừ, hy vọng đông người rút vị trí của em sẽ được đẩy lên. Em đang ở rất gần với con số chỉ tiêu 400", Ngọc chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Tấn Cường (ngụ quận Gò Vấp) cho biết quyết định nghỉ làm một ngày để đến Đại học Y dược TP HCM nghiên cứu "thị trường" tuyển sinh cho em gái tên My, vốn là học sinh trường chuyên THPT Lê Hồng Phong. Kỳ thi vừa rồi My chỉ được 25 điểm nhưng nằng nặc nộp duy nhất một nguyện vọng vào ngành Y đa khoa của trường này.
"Từ ngày con bé có điểm thi tới giờ cả gia đình tôi mất ăn mất ngủ. Lúc nào mọi người cũng bàn chuyện nộp - rút hồ sơ. Khuyên nó chuyển sang ngành khác nhưng con bé không chịu vì nó thích ngành này từ nhỏ", anh Cường chia sẻ.
Trong khi tổ hợp điểm thi của My ở khối A được 27,5 điểm, gia đình khuyên nộp xét tuyển vào Đại học Bách khoa TP HCM nhưng em không chịu. Nữ sinh cho biết sẽ đợi đến gần hết hạn xét tuyển nếu không có khả năng đậu sẽ rút hồ sơ nộp vào ngành Y đa khoa của Đại học Y dược Cần Thơ.
"Cả 2 khối thi nó đều đạt điểm cao nhưng tôi không khỏi lo lắng nó rớt đại học. Vì nếu rút hồ sơ không kịp hoặc Đại học Y dược Cần Thơ lấy cao hơn 25 điểm thì không còn thời gian để nộp sang trường khác", anh Cường nói và cho biết My là học sinh giỏi 12 năm liền, năm vừa rồi My có điểm tổng kết gần 9 nên nếu rớt đại học sẽ là cú sốc rất lớn với em gái.
Cùng nỗi lo này nên dù cuối tuần phòng đào tạo không làm việc, nhiều thí sinh vẫn nẫn ná tại cổng Đại học Bách khoa TP HCM bàn chuyện rút hồ sơ. Thí sinh Hoài Anh cho biết được 23,75 điểm, đã nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Hóa - thực phẩm - sinh học nhưng đến ngày 6/8 ngành này đã có 635 thí sinh, điểm thấp nhất 23 điểm. Kể cả những nguyện vọng khác thì hiện có 1.234 người đăng ký vào ngành này, trong đó số lượng hồ sơ hơn điểm của em rất nhiều nên tính rút để nộp sang trường khác.
"Giờ thấy nhiều bạn cũng có ý định rút em lại hy vọng khả năng đậu của mình sẽ cao hơn. Coi như em đánh cược với kỳ xét tuyển này vì em rất thích ngành mình đã chọn. Nếu rớt đợt này em sẽ xét tuyển vào đợt sau", nữ sinh nói.
Tương tự, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn cũng có khá nhiều thí sinh tới rút hồ sơ. Một số khác thì mang hồ sơ tới trường nhưng chưa dám nộp vì thấy phổ điểm hiện tại đã cao hơn điểm mình có.
Quyết định rút hồ sơ, thí sinh Nguyễn Hoàng Thanh Duyên (quận Bình Thạnh) cho biết thi khối D được 27,5 điểm (môn Ngoại ngữ nhân hệ số 2) nên đã nộp nguyện vọng một vào ngành Ngôn ngữ Anh, nguyện vọng 2 vào ngành Quan hệ quốc tế. Lúc đầu chỉ có khoảng 200 hồ sơ, giờ đã có hơn 300.
"Điểm của em hiện đã nằm ngoài chỉ tiêu nên em phải rút hồ sơ để nộp vào ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Ngân hàng TP HCM. Sau đó sẽ tiếp tục theo dõi, nếu vẫn không an toàn em lại rút để nộp vào trường khác", Duyên chia sẻ.
Nhận định về tình hình rút hồ sơ PGS. TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng Phòng đào tạo Đại học Y dược TP HCM, cho biết hiện ngành Y đa khoa có khá nhiều thí sinh đạt trên điểm 27, nếu không rút hồ sơ nhiều thí sinh điểm cao có nguy cơ rớt đại học. Chỉ với những thí sinh khi làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2, 3, 4 vào các ngành khác, nếu rớt Y đa khoa thì mới có thể trúng tuyển ở những ngành còn lại.
"Năm nay trường sẽ xét tuyển ưu tiên thí sinh điểm cao chứ không ưu tiên nguyện vọng. Nghĩa là những thí sinh nguyện vọng 2, 3, 4, nhưng có điểm cao sẽ được ưu tiên chọn trước những thí sinh nguyện vọng một nhưng điểm thấp hơn", tiến sĩ Khôi nói.