Các chuyên gia cho rằng, dù chỉ có một mẫu hồ sơ đăng ký dự thi chung nhưng được áp dụng cho các đối tượng dự thi khác nhau. Tương ứng với mỗi đối tượng TS sẽ có cách khai khác nhau, nếu không thực hiện đúng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi được xét tốt nghiệp cũng như xét tuyển sau này...
Cẩn thận tránh sai sót
Theo quy định, thời hạn đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2017 từ ngày 1/4 - 20/4. Sau ngày 20/4, TS không được thay đổi điểm thi và các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký. Chậm nhất đến ngày 25/5, các đơn vị đăng ký dự thi (ĐKDT) hoàn thành việc: thu phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT và hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT kèm theo; nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm quản lý thi, bàn giao cho sở GD&ĐT về danh sách ĐKDT, túi hồ sơ ĐKDT gồm bản photocopy chứng minh nhân dân, phong bì ghi địa chỉ và ảnh của thí sinh (phiếu ĐKDT số 1 dán bên ngoài túi hồ sơ sẽ được Sở GD&ĐT lưu giữ).
Các đối tượng tuyển sinh sẽ có cách khai thác hồ sơ dự thi khác nhau nên không được chủ quan. Ảnh: TM
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, những TS đang học tại các trường phổ thông dự thi xét công nhận tốt nghiệp cần đánh dấu rõ vào mục đối tượng theo học chương trình THPT hay chương trình giáo dục từ xa. Bởi hai đối tượng này dự thi các môn khác nhau, trong đó chương trình THPT dự thi 4 bài (gồm 3 bài bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ và một bài tự chọn trong số 2 bài tổ hợp), còn chương trình giáo dục từ xa chỉ thi 3 bài (2 bài bắt buộc toán, văn và một bài tự chọn trong số 2 bài tổ hợp).
Một lưu ý nữa đối với các TS là cần phân biệt TS là học sinh đang học lớp 12 tại trường THPT và TS tự do. Trong đó, TS đang học tại trường phổ thông chưa tốt nghiệp bắt buộc phải đăng ký dự thi cả bài tổ hợp. Còn TS tự do tùy theo mục đích dự thi được quyền chọn thi môn lẻ hoặc cả bài tổ hợp.
Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, những TS đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ.
Chuẩn hóa đề thi
Liên quan đến kỳ thi quốc gia năm 2017, trước những băn khoăn về tính chính xác cũng như độ tin cậy của đề thi để phục vụ kỳ thi THPT quốc gia 2017, TS. Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT khẳng định, Bộ đang xây dựng đề thi trên cơ sở chuẩn hóa theo quy trình: viết câu hỏi thô, biên tập, chọn lọc, thẩm định, thử nghiệm, chỉnh sửa, rà soát kỹ trước nhằm tránh sai sót khi phát cho TS. Đến nay, ngân hàng đề thi phục vụ kỳ thi THPT quốc gia đã khá lớn và đủ chất lượng để kiểm tra kiến thức toàn diện của học sinh. Khác với các năm trước, mỗi TS dự kỳ thi THPT năm nay đều có một mã đề riêng nên bắt buộc quy trình làm đề phải chuẩn hóa, các khâu phải tuân thủ chặt chẽ.
Tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho hay, Cục đang tiếp tục triển khai xây dựng bộ đề thi thử nghiệm theo 5 bài thi để công bố rộng rãi ngay sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình năm học 2016-2017 (dự kiến giữa tháng 5), giúp các cơ sở giáo dục và thí sinh tập dượt, làm quen với định dạng đề thi. Đồng thời ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đang được hoàn thiện đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng, đảm bảo tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 6/2017.
Cần lưu ý TS và các nhà trường tham khảo, vận dụng 14 đề minh họa (Bộ công bố tháng 10/2016), 14 đề thi thử nghiệm của các môn thi (tháng 1/2017) và bộ đề thi thử nghiệm theo 5 bài thi (tháng 5/2017) trong dạy học và ôn tập nhằm tập dượt, làm quen với định dạng đề thi và phương thức thi, chuẩn bị tốt cho kỳ thi.
Bộ GD&ĐT yêu cầu, các Sở GD&ĐT có nhiệm vụ tổ chức Hội đồng thi, căn cứ điều kiện thực tế thành lập các điểm thi tại trường, hoặc liên trường phổ thông trong tỉnh/thành phố, đảm bảo thuận lợi cho TS dự thi. Theo danh sách mới công bố, Hà Nội là cụm thi lớn nhất với sự phối hợp của 12 trường ĐH. Cụm thi TP.HCM có sự tham gia của 9 trường ĐH.