Thêm nhiều cơ hội vào đại học
Đến thời điểm hiện tại, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, hàng loạt trường đại học tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh năm 2025 như: Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội; ĐH Quốc gia TP.HCM; Kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội; Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; ĐH Sư phạm TPHCM; Kỳ thi V-SAT; Kỳ thi riêng của trường đại học khối công an, quân đội...
Mới đây, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết sẽ mở hệ thống đăng ký thi Đánh giá tư duy (TSA) đợt 1 năm 2025 vào 11 giờ, ngày 1/12/2024. Trong năm 2025, kỳ thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội dự kiến tổ chức trong 3 đợt (đợt 1: 18-19/1/2025; đợt 2: 8-9/3/2025; đợt 3: 26-27/4/2025), mỗi đợt sẽ có từ 3 - 4 kíp thi tại 30 điểm thi. Kỳ thi có thể đáp ứng cho khoảng 75.000 lượt thi. Kết quả của kỳ thi đã được hơn 50 trường đại học sử dụng để phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học năm học 2024 - 2025.
Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội là kỳ thi có quy mô lớn nhất, với khoảng 90 trường đại học trên cả nước sử dụng kết quả để xét tuyển. Năm 2025, đơn vị dự kiến tổ chức 6 đợt thi, đáp ứng khoảng 85.000 lượt thí sinh dự thi. Kỳ thi diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng...
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025. Thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi trong số các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường. Thí sinh yêu thích ngành sư phạm có thể tham khảo thêm thông tin từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Năm 2025 là năm đầu tiên nhà trường tổ chức kỳ thi riêng và sử dụng để xét tuyển đại học.
Có nên tham gia nhiều kỳ thi riêng?
Thầy Nguyễn Bá Thịnh - một giáo viên dạy cấp THPT ở Hà Nội khuyến cáo, các em học sinh cần hiểu rõ ý nghĩa của từng kỳ thi để lựa chọn, quyết định đăng ký tham gia nhằm bảo đảm hiệu quả cao nhất, tránh lợi bất cập hại.
Thí sinh có dự định sử dụng kết quả kỳ thi riêng để xét tuyển đại học cần tìm hiểu kỹ xem trường đó sử dụng phương thức nào và số lượng chỉ tiêu ra sao để có quyết định phù hợp. "Để đáp ứng các kỳ thi riêng, học sinh phải học gấp nhiều lần bình thường, áp lực theo đó cũng gia tăng. Các kỳ thi riêng hiện nay đều có định hướng vào các lĩnh vực khác nhau, do vậy, các em chỉ cần chọn một kỳ thi phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình, không nên "tham" quá nhiều kỳ thi để bị phân tán, quá tải và tốn kém cả về thời gian, tiền bạc lẫn sức lực.
TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, việc nhiều trường tổ chức thêm các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy trong khi thí sinh vẫn phải dành thời gian cho kỳ thi tốt nghiệp THPT nên dễ dẫn đến "gánh nặng" thi cử. Bên cạnh đó, việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy không dễ dàng bởi để kỳ thi đạt chất lượng, đánh giá chính xác năng lực người học đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi về khảo thí. Điều này có thể là khó khăn với nhiều trường. Do đó, Bộ GD&ĐT cần tăng cường kiểm soát chất lượng các kỳ thi riêng.
Ngoài ra, TS. Lê Viết Khuyến cũng bày tỏ lo ngại việc có quá nhiều các kỳ thi riêng sẽ dễ gây lãng phí, tốn kém, trong khi tâm lý của thí sinh cũng có thể bị ảnh hưởng do muốn "ôm đồm" nhiều kỳ thi để tăng cơ hội trúng tuyển.
Dự kiến buộc gửi điểm thi đánh giá năng lực, tư duy về Bộ GD&ĐT
Tại buổi họp với các trường đại học phía Nam về dự thảo xác định chỉ tiêu và quy chế tuyển sinh đại học 2025 vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, Bộ GD&ĐT dự kiến yêu cầu các trường tổ chức kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, tư duy phải nộp dữ liệu điểm để phục vụ việc xét tuyển chung.
Giải thích về điểm mới này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện có nhiều đơn vị tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Số trường đăng ký dùng chung kết quả ngày càng nhiều nhưng lại yêu cầu thí sinh phải lấy phiếu xác nhận điểm thi ở nơi tổ chức, gây phiền hà, bức xúc cho người dự thi.
Do đó, Bộ GD&ĐT dự kiến bắt buộc các trường tổ chức thi riêng phải cung cấp dữ liệu kết quả thi lên hệ thống để các trường khác dễ dàng tra cứu, dùng xét tuyển. "Các đơn vị phải chịu trách nhiệm về độ chính xác của kết quả, hạn chế yêu cầu học sinh đến trường xin phiếu xác nhận điểm".