Thí sinh cần lưu ý gì khi lựa chọn phương thức xét tuyển đại học 2024?

23-02-2024 12:15 | Xã hội

SKĐS - Theo Bộ GD&ĐT, thí sinh khi cập nhật, tra cứu thông tin đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học cần đặc biệt lưu ý về các điều kiện đi kèm với từng phương thức xét tuyển.

Theo kế hoạch, Bộ GD&ĐT sẽ chính thức ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào cuối cuối tháng 2. Quy chế được hoàn thiện trên cơ sở dự thảo quy chế sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT, được sửa đổi, bổ sung bởi thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Dự thảo được Bộ GD&ĐT đăng tải công khai để xin ý kiến góp ý rộng rãi trong hai tháng qua (từ 15/12/2023 đến 15/2/2024).

Để giải tỏa lo lắng của thí sinh về việc liệu quy chế thi tốt nghiệp THPT sắp ban hành có ảnh hưởng đến kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT và tham gia xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng năm 2024 không, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, các nội dung của quy chế thi không gây tác động.

Thời điểm này, thí sinh cần tập trung cao độ cho việc học tập, ôn luyện theo hướng dẫn của nhà trường và đề thi minh họa do Bộ GD&ĐT đã công bố. Bên cạnh đó, thí sinh cập nhật đầy đủ, chính xác đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học để nắm được các phương thức xét tuyển năm nay.

Thí sinh cần lưu ý gì khi lựa chọn phương thức xét tuyển đại học 2024?- Ảnh 1.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024.

Từ thông tin đề án tuyển sinh của các trường đã công bố, có thể thấy phương thức xét tuyển năm nay không có nhiều thay đổi. Có trường bỏ bớt phương thức này, bổ sung phương thức khác hoặc có trường điều chỉnh chỉ tiêu giữa các phương thức cho phù hợp.

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý thí sinh khi cập nhật, tra cứu thông tin đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học cần đặc biệt lưu ý về các điều kiện đi kèm với từng phương thức xét tuyển.

Thực tế từ kỳ tuyển sinh năm trước cho thấy, không ít thí sinh chủ quan không để ý đến điều kiện đi kèm nên rơi vào tình huống đỗ thành trượt hoặc phải mất nhiều thời gian giải quyết. Ví dụ, phương thức xét học bạ THPT của một số trường có yêu cầu điểm trung bình của tổ hợp xét tuyển phải đạt mức điểm tối thiểu...

Lưu ý tới thí sinh năm nay, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết, kỳ thi tốt nghiệp là điều kiện cần nên thí sinh phải thi thật tốt; đồng thời nghiên cứu thật kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học.

Với các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học, thí sinh cần bám sát thời hạn nộp hồ sơ để không bỏ lỡ; nếu đã trúng tuyển ở các phương thức này và muốn học, thí sinh vẫn phải đăng kí nguyện vọng vào hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, thí sinh không đăng ký thì cơ hội đã trúng tuyển sớm không có giá trị.

Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học yêu cầu trường đại hoc hướng dẫn thí sinh nội dung này. Đặc biệt, với các tiêu chuẩn, tiêu chí đi kèm phương thức xét tuyển, thí sinh hết sức lưu ý, tuyệt đối không bỏ qua để tránh mất cơ hội trúng tuyển. Nếu muốn học nguyện vọng đã đỗ bằng phương thức xét tuyển sớm, thí sinh nên đặt đó là nguyện vọng 1. Còn nếu thí sinh vẫn băn khoăn, muốn tìm kiếm cơ hội khác thì có thể đặt xuống dưới các nguyện vọng mà thí sinh thực sự muốn học.

Thí sinh trượt tốt nghiệp năm 2024 sẽ thi lại thế nào?

Lứa học sinh lớp 12 năm học 2023-2024 là lứa thí sinh cuối cùng học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Trong trường hợp thí sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp THPT 2024 nhưng không may bị trượt tốt nghiệp THPT, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, chúng ta có một nguyên lý cơ bản, chung là các em học theo chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó. "Với các thí sinh này, Bộ GD&ĐT có thể tính toán tổ chức thi sau, nhưng đảm bảo theo đúng nội dung thi, phương thức, cấu trúc, định dạng đề phải theo chương trình phổ thông 2006. Như vậy, các em hoàn toàn có thể yên tâm không có việc học chương trình phổ thông 2006 nhưng phải thi theo Chương trình phổ thông 2018".

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, nguyên tắc "bất di bất dịch" là đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của học sinh. "Với các em trượt kỳ thi tốt nghiệp của Chương trình phổ thông 2006, có thể các cơ quan của Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu, nghiên cứu tổ chức thi cùng năm 2025 nhưng có 2 chương trình đề thi khác nhau. Một đề nội dung theo Chương trình phổ thông 2018, nội dung đề còn lại theo Chương trình phổ thông 2006. Theo tỷ lệ tốt nghiệp THPT, số lượng trượt này cũng rất ít, do đó không đáng ngại việc tốn kém kinh phí. Mà kể cả kinh phí tốn kém cũng phải phục vụ cho các em, đảm bảo quyền lợi chính đáng".

Thêm loạt trường đại học công bố phương án tuyển sinh 2024Thêm loạt trường đại học công bố phương án tuyển sinh 2024

SKĐS - Tính đến ngày 21/2 đã có hơn 100 trường đại học chính thức thông báo tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức khác nhau.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn