Hà Nội

Các tỉnh miền Trung gấp rút phòng chống trước giờ bão Noru áp sát

26-09-2022 15:53 | Xã hội
google news

SKĐS - Mặc dù là địa điểm du lịch nổi tiếng của TP. Hội An (Quảng Nam) nhưng nhiều năm qua, biển Cửa Đại xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, nhất là vào mỗi mùa mưa bão.

Chiều ngày 26/9, ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT dẫn đầu đoàn công tác đã có chuyến kiểm tra thực tế tại khu vực Cửa Đại (TP. Hội An, Quảng Nam) cũng như công tác phòng, chống bão số 4 (bão Noru) tại địa phương này.

Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng đã nghe chính quyền địa phương báo cáo về thực trạng của khu vực biển Cửa Đại những năm qua. Theo ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, những năm trước đây, khu vực bờ biển Cửa Đại bị sóng biển đánh sạt lở, ăn sâu vào trong đất liền.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học thì tình trạng sạt lở đã tạm thời không tái diễn. Ngoài ra, theo khảo sát mới đây thì hàng trăm mét bờ biển Cửa Đại đã được bồi cát trở lại.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thị sát khu vực sạt lở Cửa Đại trước giờ bão Noru áp sát - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiểm tra tại khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở ở Cửa Đại (Hội An) trước khi bão Noru áp sát đất liền.

"Tỉnh Quảng Nam đã cho đầu tư xây dựng tuyến đê ngầm nên cũng đang yên tâm hơn phần nào nếu như bão đổ bộ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thử nghiệm xem tuyến đê ngầm phát huy hiệu quả tới mức độ nào", ông Bửu cho biết.

Tuyến đê ngàm này có chiều dài 1.530m nối tiếp với dự án chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển Hội An kết hợp với nạo vét Cửa Đại về phía Bắc. Đê ngầm chắn sóng dạng hình thang, đỉnh đê rộng 5m, cao trình - 0,50 mét; chân đê bằng thảm rọ đá dày 1 mét, rộng 12 mét, xếp trên đáy biển tự nhiên. Sau khi hoàn thành, đoạn đê này kết nối tiếp với bờ kè chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển Hội An.

Trước đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đã có chuyến kiểm tra thực tế công tác phòng, chống bão Noru tại Quảng Ngãi, Đà Nẵng. Tại những địa phương này, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền cho người dân không được lơ là, chủ quan vì cường độ cơn bão Noru được dự báo là rất lớn. Đồng thời, lên phương án di dời người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm.

Theo bà Bùi Thị Quỳnh Vân - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đang chủ động các phương án ứng phó trước khi cơn bão Noru đổ bộ vào đất liền. Tỉnh này cũng đã quán triệt các địa phương không được để xảy ra những sự cố, vấn đề do lỗi chủ quan, trừ những sự cố bất khả kháng, ngoài mong muốn.

Kinh nghiệm từ những cơn bão trước cho thấy, vấn đề lo ngại nhất vẫn là sau khi cơn bão đi qua, ảnh hưởng của mưa lớn và hoàn lưu của bão không thể chủ quan. Một số người dân cho rằng bão đã kết thúc và đi về nhà, vẫn liều lĩnh qua các khu vực nguy hiểm dù đã có đặt biển cảnh báo. Do vậy, tỉnh Quảng Ngãi cương quyết sẽ không để những trường hợp này xảy ra bằng việc chỉ đạo lực lượng dân quân chốt chặn ở những địa điểm nguy hiểm.

"Điều quan tâm nhất là đảm bảo tính mạng cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản. Quảng Ngãi đặc biệt chú trọng đến 5 huyện miền núi và huyện đảo Lý Sơn. Lý Sơn được xác định là vùng đầu tiên ảnh hưởng nặng của bão nên ngày hôm qua, lực lượng quân đội đã giúp cho bà con chằng chống nhà cửa và thực hiện các phương án ứng phó. Đến chiều nay, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo cho các tỉnh miền núi", bà Vân nói.

Các tỉnh miền Trung gấp rút ứng phó trước giờ bão Noru áp sát - Ảnh 2.

Đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại Quảng Ngãi.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, đến thời điểm này, với sự chuẩn bị tích cực của các lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh này có thể tạm yên tâm trước khi cơn bão đến. Tuy nhiên, khi bão vào sẽ còn rất nhiều tình huống xảy ra, do đó, Bộ trưởng yêu cầu địa phương này tiếp tục vận động tuyên truyền người dân không chủ quan, lơ là đối với cơn bão theo dự báo là một cơn bão tương đối lớn.

"Ngoài việc chủ động trong kêu gọi các tàu thuyền neo đậu, hướng dẫn các tàu thuyền ngoài khơi tìm nơi tránh trú, Quảng Ngãi cũng như các tỉnh miền Trung sẽ có những tình huống khó lường khi bão vào, trong đó có vấn đề sạt lở ở khu vực miền núi.

Dù hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đã chuẩn bị những kịch bản tương đối để ứng phó như bố trí điểm tái định cư, di dời dân ở vùng xung yếu, tuy nhiên, cần phải có thêm những lực lượng thường xuyên, túc trực hàng ngày ở cạnh bà con để kiểm soát tốt tình hình. Khi có tình huống xấu xảy ra sẽ động viên, thậm chí cưỡng chế với phương châm "cẩn tắc vô áy náy" nhằm đối phó với cơn bão Noru này" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo.

Liên quan đến công tác phòng, chống bão Noru, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã tiến hành cấp 220 tấn gạo cho các huyện khu vực miền núi để các địa phương này cấp phát cho người dân trong trường hợp mưa lũ làm chia cắt giao thông, không thể đi lại.

Cụ thể, tại huyện Phước Sơn đã cấp 450 triệu đồng cho 4 xã vùng cao mua dự trữ, hiện đang chuyển về các thôn. Tại huyện Nam Giang đã giao các xã chủ động thực hiện mua dự trữ gạo tại các xã.

Trong khi đó, huyện Đông Giang cũng giao kinh phí để phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp mua dự trữ các mặt hàng thiết yếu (150 triệu đồng). Còn chủ yếu đề nghị các hộ kinh doanh (tiểu thương) dự trữ. Tại huyện Nam Trà My cũng đang dự trữ 10 tấn gạo, còn trước đó đã cấp 40 tấn gạo cho các xã khó khăn. 22 đơn vị trường học đang có mỗi trường từ 3-4 tấn gạo.

Tại huyện Bắc Trà My không có kho dự trữ ở các xã nên chủ yếu đề nghị các cơ sở kinh doanh (tiểu thương) dự trữ. Tại huyện Tây Giang thì dự trữ gạo tại huyện là 40 tấn, trong dân 180 tấn (trong đó người dân 100 tấn, trong các tiểu thương là 80 tấn).

Nghệ An: Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn

Ngày 26/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Nghệ An đang khẩn trương triển khai nhiều phương án để chủ động ứng phó với cơn bão Noru.

Cụ thể, thông tin thường xuyên về vị trí, hướng đi của bão Noru và giữ thông tin liên lạc để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Đặc biệt, kêu gọi số phương tiện đánh bắt đang ở trên khu vực đảo Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ để thoát khỏi vùng nguy hiểm; kêu gọi những phương tiện đánh bắt gần bờ vào tránh trú an toàn.

Nghệ An: Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn - Ảnh 1.

Các ngư dân đang kiểm tra lại tàu thuyền trước cơn bão mạnh sắp đổ bộ.

Hiện, số phương tiện đang neo đậu tại bến là 3.009 phương tiện/13.778 lao động. Số phương tiện đang hoạt động trên biển là 339 phương tiện/2.019 lao động. Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã được cơ quan thông tin duyên hải thông báo về vị trí, hướng đi của bão Noru và giữ thông tin liên lạc thường xuyên.

Đáng lưu ý, trên địa bàn tỉnh có 22 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác. Trong đó, có 8 hồ chứa (Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mô, Bản Ang, Nhạn Hạc, Châu Thắng) đang thực hiện vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả và các hồ còn lại vận hành theo quy trình đơn hồ, tất cả đã được phê duyệt các phương án phòng chống thiên tai, phương án an toàn đập và hồ chứa.

Nghệ An: Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn - Ảnh 2.

Ngư dân cột chặt các mối nối để đảm bảo an toàn trước sóng lớn.

Trước dự báo đây là siêu bão, có cường độ rất mạnh, đổ bộ vào khu vực miền Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu yêu cầu các ngành, các địa phương cần theo dõi sát bởi diễn biến cơn bão có thể thay đổi để có phương án chủ động. Đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo thu hoạch với phương châm "Xanh nhà hơn già đồng".

Cùng với đó, chỉ đạo thu hoạch diện tích nuôi trồng thủy sản đến kỳ; thống kê số lượng lồng bè nuôi trồng trên biển, thông tin đến người dân không được ở trên lồng bè khi bão vào.

Nghệ An: Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn - Ảnh 3.

Hiện, số phương tiện đang neo đậu tại các bến trên địa bàn Nghệ An là hơn 3.009 phương tiện/13.778 lao động.

Nghệ An: Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn - Ảnh 4.

Nghệ An: Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn - Ảnh 5.

Thuyền thúng được người dân đưa lên bờ.

Đặc biệt, qua đợt mưa vừa qua, hiện hầu hết hồ đập đã đầy nước, trong đó 2 hồ lớn là hồ Vực Mấu và hồ Sông Sào đã xả tràn do đó cần quan tâm có phương án để bảo vệ tốt hồ đập này.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh đang có 8 hồ thủy lợi đang thi công và 70 hồ ách yếu, đặc biệt là đối với các hồ có dung tích trên 1 triệu m3 chưa đảm bảo an toàn cần có phương án xả tràn; đồng thời phải xem xét phương án di dời cho người dân ở vùng hạ du để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân.

Nghệ An: Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn - Ảnh 6.

Trước cơn bão lớn, một số địa phương vùng cao đang kiểm tra lại các điểm xung yếu, sạt lở.

Đối với những hồ thủy điện tiến hành xả lũ cần phải kịp thời thông tin đến người dân được biết. Những công trình trọng điểm, những công trình ven sông, ven suối phải có phương án đảm bảo an toàn.

Đối với phương án di dời dân, tỉnh đã ban hành kịch bản cho từng tình huống nên yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến của thời tiết để thực hiện.

Phố cổ Hội An bảo vệ các di tích trăm tuổi trước siêu bão NoruPhố cổ Hội An bảo vệ các di tích trăm tuổi trước siêu bão Noru

SKĐS - Với sức gió được dự báo mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, siêu bão Noru sẽ khiến những kiến trúc, di tích có tuổi đời hàng trăm năm tuổi ở Hội An đứng trước nguy cơ bị tàn phá.


Gia An - V.Đồng - Thanh Phong
Ý kiến của bạn