Thi nhan sắc Việt: Bao giờ thôi... xấu xí?

12-07-2018 06:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Dù nhiều đơn vị, cá nhân tổ chức thi nhan sắc chui đã bị cơ quan quản lý ngành văn hóa xử phạt mạnh tay, tình trạng này vẫn diễn ra khiến dư luận bức xúc.

Mới đây, cuộc thi Duyên dáng Doanh nhân Việt 2018 đang diễn ra thì Sở Văn hóa - Thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu đã  “tuýt còi”. Lý do: cuộc thi này không được cơ quan chức năng cấp phép.

Sai phạm có tính kế thừa

Đầu tháng 7/2018, cuộc thi Duyên dáng Doanh nhân Việt 2018 do Công ty Truyền thông Ngôi sao Việt tổ chức bước vào đêm chung kết tại thành phố Vũng Tàu.  Tuy nhiên ngay sau đó, Thanh tra Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dừng cuộc thi này bởi cơ quan chức năng chưa cấp phép tổ chức. Theo ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh, ban tổ chức cuộc thi có xin phép nhưng Sở không cấp phép vì không thuộc thẩm quyền. Sau đó, đơn vị tổ chức đã đổi tên chương trình thành biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang nhưng Sở chưa đồng ý. “Rõ ràng, họ đã cố tình lách luật để tổ chức cuộc thi. Dưới vỏ bọc một cuộc biểu diễn thời trang nhưng nội dung lại là một cuộc thi nhan sắc”- ông Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh.

Dù không được cơ quan chức năng cấp phép tổ chức nhưng cuộc thi Duyên dáng Doanh nhân Việt 2018 vẫn diễn ra làm dư luận bức xúc.

Dù không được cơ quan chức năng cấp phép tổ chức nhưng cuộc thi Duyên dáng Doanh nhân Việt 2018 vẫn diễn ra làm dư luận bức xúc.

Hơn nữa, ban tổ chức cuộc thi Duyên dáng Doanh nhân Việt 2018 còn quảng cáo đêm chung kết được truyền hình trực tiếp trên các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, cả hai nhà đài trên đều khẳng định không nhận trực tiếp phát sóng cuộc thi nhan sắc này. Ngoài ra, ban tổ chức thu lệ phí là 15 triệu đồng/thí sinh. Điều này khiến dư luận bức xúc vì cho rằng cuộc thi này đang “kinh doanh sắc đẹp” chứ không phải tạo ra sân chơi để tìm ra người phụ nữ tài năng, đẹp về hình thể lẫn tâm hồn... như mục đích đề ra.

Ngược dòng thời gian, Duyên dáng Doanh nhân 2016 cũng do đơn vị trên tổ chức từng khiến dư luận xôn xao, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vì có hành vi “vượt rào”. Tại cuộc thi nhan sắc cách đây hai năm, ban tổ chức Duyên dáng Doanh nhân đã không thực hiện đúng như đề án ban đầu mà cơ quan chức năng đã cấp phép gồm: tuyển chọn thí sinh trên toàn quốc, thu lệ phí 6 triệu đồng/thí sinh. Đặc biệt, năm 2016, bất chấp các quy định của pháp luật, đơn vị tổ chức Duyên dáng Doanh nhân đã trao tới 33 danh hiệu, trong đó có Hoa khôi, Á khôi 1, Á khôi 2 (2 giải), Á khôi 3 (10 giải) và 26 giải phụ: Hoa khôi có mái tóc đẹp, Hoa khôi có làn da đẹp, Hoa khôi vì cộng đồng...

Cần sự quyết liệt của cơ quan quản lý, trách nhiệm của nhà tổ chức

Trên thực tế, một số cuộc thi người đẹp diễn ra không phép hoặc “treo đầu dê bán thịt chó” ở nước ta bị cơ quan chức năng xử lý mạnh tay, quyết liệt. Điển hình, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội từng xử phạt hành chính 50 triệu đồng đối với Ban tổ chức cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam do tổ chức cuộc thi không xin phép cơ quan chức năng, vi phạm điều 12, khoản 4, mục C, Nghị định 158 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Bên cạnh đó, năm 2017, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Gia Lai cũng xử phạt 44 triệu đồng đối với ban tổ chức cuộc thi Người đẹp ảnh diễn ra tại địa phương này do vi phạm biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang không đúng nội dung ghi trong giấy phép; quảng cáo không đúng nội dung và không thông báo về nội dung quảng cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi thực hiện.

Có thể nói, nhiều cuộc thi sắc đẹp ở nước ta ban đầu đều hướng tới mục đích nhằm tôn vinh sắc đẹp, trí tuệ của phụ nữ Việt, ngoài ra còn góp vào việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người tới bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn bất chấp pháp luật để tổ chức các cuộc thi nhan sắc “chui”, vi phạm các quy định pháp luật kể trên và đi ngược lại tiêu chí ban đầu đặt ra. Vì thế, công chúng cho rằng, để dẹp bỏ vấn nạn này, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn cần nêu cao trách nhiệm trong quản lý, giám sát. Đối với cuộc thi sắc đẹp thuộc thẩm quyền cấp phép thì ngoài yêu cầu đầy đủ hồ sơ, cơ quan quản lý nên xem xét mục đích tổ chức. Nếu cuộc thi chỉ đem lại lợi ích cho một cá nhân hoặc nhóm cá biệt, ít ý nghĩa với xã hội thì không nên cấp phép. Nếu đã cấp phép thì cơ quan quản lý phải sát sao từ đầu đến cuối, nắm bắt mọi hoạt động của cuộc thi để có biện pháp ngăn chặn, xử lý các sai phạm kịp thời.

Đặc biệt, các đơn vị tổ chức thi sắc đẹp nên có trách nhiệm hơn với xã hội, không nên vì lợi ích cá nhân mà cố tình lách luật, có hành vi vi phạm tạo ra hình ảnh xấu xí trong hoạt động thi sắc đẹp nói riêng và ảnh hưởng tới sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật nước nhà nói chung.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn