Thí nghiệm sức chịu đói - Hé mở hướng điều trị rối loạn ăn uống

05-10-2020 11:47 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trong chiến tranh thế giới lần 2, quân đội Mỹ đã đầu tư cho nghiên cứu khoa học để tìm ra sức chịu đói của những người lính, để từ đó tìm ra biện pháp tạo ra những người lính có sức mạnh bền bỉ. Chiến tranh kết thúc khi nghiên cứu này đang dang dở, nhưng đến nay người ta đã sử dụng một phần trong nghiên cứu đó để tìm hiểu và điều trị chứng rối loạn ăn uống.

Khẩu phần K

Năm 1943 - 1 năm trước khi bắt đầu nghiên cứu, TS.Ancel Keys được bổ nhiệm làm người đứng đầu của Phòng thí nghiệm vệ sinh sinh lý của Đại học Minnesota. Tiếp đó ông nhận được khoản tài trợ lớn quân đội Mỹ cho phát minh Khẩu phần K. Đây đơn giản đó là một túi thức ăn chứa khoảng 2.830 calori, 33g chất đạm và nhiều loại vitamin mà lính Mỹ cần dùng trong ngày. Giới chức quân đội Mỹ bị ấn tượng với Khẩu phần K và họ đã bổ nhiệm ông Keys trở thành trợ lý đặc biệt cho Bộ trưởng chiến tranh, khuyến khích nghiên cứu của TS.Keys về các tác động của dinh dưỡng và thiếu thốn trong cơ thể người.

Một tình nguyện viên trong thí nghiệm của TS Ancel Keys tại Đại học Minnesota (Mỹ). Ảnh nguồn: Pinterest.al

Quân đội không chỉ rót tiền cho TS.Keys mà còn trao cho ông một đội ngũ các tình nguyện viên trẻ, khỏe. Các tình nguyện viên từ chối chiến đấu mà thay vào đó họ sẽ phụng sự cho quê hương thông qua các hoạt động như cứu hỏa, chăm sóc người ốm và duy tu các Vườn quốc gia trong vai trò là thành viên của Cục dịch vụ dân sự (CPS). TS.Keys sử dụng họ cho thí nghiệm nhằm nghiên cứu về sự thiếu hụt vitamin, khát và chứng trầm cảm nhiệt.

Trong suốt quá trình nghiên cứu, các tình nguyện viên CPS lần lượt trải qua các thái cực về lạnh giá, nóng rát, ẩm ướt và khát khô. Có thí nghiệm đòi hỏi họ phải nằm yên trên giường suốt 1 tháng. Những thí nghiệm khác lại đánh giá những tác động có hại cho cơ thể người khi vắng mặt nhiều loại vitamin trong chế độ ăn uống. Tất cả các thí nghiệm mà họ trải qua chỉ nhằm đạt được 1 mục tiêu duy nhất: Hình thành một người lính mạnh khỏe hơn bao giờ hết, có thể chiến đấu lâu không biết mệt… Nhưng nghiên cứu đã gặp phải sự bất mãn ngày càng tăng giữa các tình nguyện viên khi tiếp cận với Keys.

Bất chấp những lời phàn nàn, TS.Keys cũng đã nỗ lực không ngừng với các thí nghiệm của mình. Bởi nghiên cứu này, ngoài nỗ lực tìm kiếm người lính khỏe mạnh,có sức chịu đựng dẻo dai cho chiến tranh, thì TS.Keys cũng mong muốn nghiên cứu của mình có thể giải quyết cho một mục tiêu lớn hơn: Xử lý cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Âu.

Nhưng nghiên cứu này đã không tính đến các vấn đề: Thiếu calori sẽ ảnh hưởng ra sao tới tim, xương và tình trạng tâm thần của nạn nhân? Liệu kỹ thuật nào là tốt nhất để tái nuôi sống người đói khát: Làm chậm sự tiếp nhận calori của họ, hoặc giả là cung cấp cho họ càng nhiều thức ăn càng tốt? Có cần thiết dùng bổ sung vitamin hoặc chất đạm khi họ muốn tăng cân?

Cuộc thí nghiệm chết đói

TS.Keys đã phân phát các tập gấp tại các điểm của CPS trên khắp đất nước nhằm kêu gọi tình nguyện viên, với khẩu hiệu “Chịu nhịn đói vì một tương lai dồi dào thức ăn”. Kết quả có hơn 200 người yêu hòa bình đã làm tình nguyện cho thí nghiệm của TS.Keys và ông tuyển lựa được 36 người, đều là nam giới độc thân có thể trọng trung bình, thể chất hoàn hảo và sức khỏe tâm thần tốt. TS.Keys đã sàng lọc những người có thể chịu được sự trầm cảm và chật chội trong khu sinh hoạt, đồng thời ưu tiên cho những ai tha thiết muốn cứu trợ ở nước ngoài. Keys không muốn thấy sự thất bại, các tình nguyện viên không được bỏ ngang khi đang trong thời gian thí nghiệm.

Ngoài nằm trên những cái giường nhỏ trong những cái buồng không có cửa sổ, các tình nguyện viên cũng được phép đi quanh thành phố và thoải mái tham dự các hoạt động và lớp học tại trường đại học; đi bộ ít nhất 22 dặm mỗi tuần, khi đi ra ngoài họ đều chịu sự giám sát; chỉ được ăn thực phẩm do phòng thí nghiệm cung cấp, mỗi gram đồ ăn được cân cẩn thận và được ghi chép tỉ mỉ trước khi phân phát cho các đối tượng thí nghiệm. Trong 12 tuần đầu tiên của cuộc thí nghiệm (giai đoạn kiểm soát), các đối tượng thí nghiệm được đo, cân, xét nghiệm… nhằm xác định sức khỏe cơ bản, cân nặng và nhu cầu tiêu thụ calori.

TS Ancel Keys đang ghi nhận những biến đổi trên cơ thể của người tham gia vào thí nghiệm. Ảnh nguồn: Refinery29

Trong vòng 24 tuần tiếp đó, lượng calori cung cấp cho các tình nguyện viên bị giảm một nửa, cũng như sức khỏe, tình trạng tâm thần và cân nặng của họ liên tục được theo dõi. Các tác động của việc hạn chế calorie khiến lượng chất béo trong người giảm đi, khiến cho việc ngồi lên gỗ cứng hay ghế kim loại hay có cảm giác khó chịu và đau đớn. Việc thiếu chất béo cũng khiến cho các tình nguyện viên cảm thấy cơ thể họ lúc nào cũng lạnh. Nhiệt độ trung bình cơ thể giảm gần 1 độ và nhịp tim trung bình cũng giảm xuống mức 35 nhịp/phút. Họ suy giảm ham muốn tình dục, không còn quan tâm đến chiến tranh và thế giới bên ngoài phòng thí nghiệm.

Khi không chịu đựng được, có 2 tình nguyện viên bị đuổi do có hành vi gian lận; 1 người bị loại do có vấn đề về y tế; 1 người có vấn đề về tâm thần; 1 người tự dùng dao chặt đứt 3 ngón tay của mình trong một nỗ lực tuyệt vọng được “đuổi” khỏi phòng thí nghiệm mà không bị đánh giá là kẻ bỏ cuộc.

Trong 12 tuần cuối (giai đoạn phục hồi giới hạn), các tình nguyện viên được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm được cho lượng calorie theo từng mốc 400, 600, 800 hay 1200.

Một số người còn được cho dùng bổ sung vitamin hay chất đạm nhằm đo lường các tác động từ những kỹ thuật cho ăn khác nhau. Một số tình nguyện viên chịu được hơn 8 tuần của “giai đoạn phục hồi không bị giới hạn” và họ được ăn thoải mái bất kỳ thứ gì mà họ muốn, song vẫn được theo dõi và nghiên cứu cẩn thận. Một trong những khám phá quan trọng của thí nghiệm là các dạng bổ sung vitamin và đạm có rất ít tác động đến kết quả bệnh nhân khi phục hồi các nạn nhân chết đói. Nhân tố quan trọng nhất trong tốc độ phục hồi chỉ đơn giản là số lượng calorie được cung cấp trong quá trình tái cho ăn.

Thí nghiệm của TS. Keys kết thúc vào tháng 12.1945 còn lại 32 tình nguyện viên (bao gồm cả người đàn ông chặt đứt 3 ngón tay). Trong khi phải mất vài năm để TS. Keys phân tích và công bố các kết quả chính thức của công trình nghiên cứu, thì ông đã khuyến khích người trợ lý của mình - nhà tâm lý học Harold Guetzkow xuất bản một tập gấp minh họa 70 trang vào tháng 1.1946. Năm 1950, TS.Keys đã công bố cuốn sách Sinh học của nạn đói ở người. Cho đến ngày nay, cuốn sách này vẫn đặc biệt hữu ích khi điều trị các chứng rối loạn ăn uống, bởi vì nó liệt kê chi tiết các tác động thay đổi tâm lý của cơn đói. Những triệu chứng này phải được điều trị trước tiên đối với các bệnh nhân bị rối loạn ăn uống trước khi nguyên nhân gây rối loạn có thể được nhận dạng và tầm soát.

32 tình nguyện vươt qua các bài kiểm tra khắc nghiệt. Ảnh nguồn: Refinery29

Khi chiến tranh kết thúc, cùng với sự hé lộ của Tòa án các bác sĩ ở Nuremburg về những thí nghiệm rùng rợn được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu Đức quốc xã trên tù binh. Cộng đồng khoa học thế giới đã phát triển ra Bộ luật Nê-pan và sau đó là Tuyên bố Helsinki đề ra những giới hạn đạo đức đối với các thử nghiệm y khoa trên con người.


NGUYỄN THANH HẢI
Ý kiến của bạn