NSND Hoài Thu: Mỹ nhân làng chèo Thái Bình một thời
Hoài Thu gây ấn tượng với người đối diện bởi vẻ đẹp cá tính, đôi mắt to tròn sắc sảo, vừa thơ ngây vừa như người đàn bà từng trải. Cô đào từng một thời được coi là mỹ nhân làng chèo Thái Bình giờ đây chỉ nhận mình là người cá tính, còn danh xưng kia thì "em không dám nhận đâu, vì làng chèo còn nhiều người đẹp lắm".
Cá tính trong nghề nhưng bước ra khỏi sân khấu, Hoài Thu sống thiên về cảm xúc và có đôi chút bất cần. Làm nghệ thuật vốn cần quảng bá hình ảnh, thương hiệu thì cô lại không biết khoe bản thân, thích sống lặng lẽ, đơn giản, không bon chen hay mưu cầu tiền tài, hư danh. Ở tuổi 40 Hoài Thu, thỉnh thoảng Hoài Thu thích ngồi một mình lặng lẽ, trầm ngâm với điếu thuốc trên tay và độc thoại với cõi riêng của mình.
Sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em và không có ai theo nghệ thuật nhưng từ nhỏ, cô con út Hoài Thu đã mang trong mình niềm đam mê với làn điệu chèo. Nuôi dưỡng cho niềm đam mê ấy cho cô không phải là thầy cô hay trường lớp như ở thành phố, mà là những chương trình âm nhạc truyền thống qua đài tiếng nói hay cái loa phát thanh của xã. Hàng ngày, cô cứ mong ngóng đến giờ để được nghe chương trình 30 phút dân ca và nhạc cổ truyền của Đài tiếng nói Việt Nam rồi ngân nga hát theo.
Thấy em gái mê hát và hát hay nên khi biết tin Nhà hát chèo Thái Bình tuyển diễn viên, chị gái cô đã khuyên em đi thi. Quyết định này đã làm thay đổi cuộc đời, đưa Hoài Thu sang một trang hoàn toàn khác. Với kết quả điểm cao nhất, 15 tuổi, Hoài Thu vào Đoàn chèo Thái Bình, rồi học lớp sơ cấp chèo năm 1999 - 2000. Với năng khiếu sẵn có, nay được học đào tạo bài bản, Hoài Thu nhanh chóng trở thành lứa diễn viên trẻ tiềm năng của Đoàn chèo Thái Bình.
Không chỉ có tài năng, Hoài Thu còn được coi là mỹ nhân làng chèo Thái Bình, bên cạnh những tên tuổi như Thanh Trầm, Văn Quyền, An Chinh. Vì thế, về đoàn hơn 1 năm, Hoài Thu được lựa chọn diễn vai chính để chuẩn bị cho Hội diễn Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc ở Quảng Ninh. Vai diễn kinh điển Thị Mầu trong vở "Quan Âm Thị Kính" đã trở thành dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của cô.
17 tuổi giành 4 giải thưởng cho vai Thị Màu
Ở tuổi 17, Hoài Thu gây ngỡ ngàng khi thể hiện xuất sắc vai diễn Thị Mầu đã được nhiều tên tuổi của làng chèo thể hiện. Năm đó, cô giành được 4 giải trong 1 hội diễn, gồm: Huy chương Vàng, Diễn viên xuất sắc. Hội Nghệ sĩ Sân khấu trao cho giải Tài năng trẻ và Diễn viên đạt thành tích xuất sắc nhất Hội diễn năm 2001. Nhờ thành tích hiếm hoi này mà cô đã được BTV Thanh Hạnh mời lên chương trình truyền hình Việt Nam "Dành cho người hâm mộ".
Công tác tại Nhà hát Chèo Thái Bình đến năm 2005 thì Hoài Thu chuyển về Nhà hát Tuổi trẻ. Sau đó, vì tập trung cho thiên chức làm mẹ, cô chấp nhận hi sinh niềm đam mê với chèo để chuyên tâm chăm lo cho gia đình. Mất 10 năm nhưng Hoài Thu cho biết, cô không nuối tiếc vì cho đến sau cùng, với bất cứ ai thì gia đình và những đứa con vẫn là quan trọng nhất. Không nuối tiếc nữa vì khi trở lại với chèo, cô vẫn giữ được vị trí ngôi sao làng chèo.
Năm 2013, khi vừa sinh con trai được 5 tháng, Hoài Thu được NSND Trịnh Thúy Mùi (lúc đó là Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội) mời vào vai Trưng Trắc trong vở Vương nữ Mê Linh để mang đi hội diễn Liên hoan sân khấu toàn quốc. Lúc đầu, Hoài Thu khá băn khoăn không dám nhận vì đã rời xa chèo quá lâu, sợ cơ hàm bị cứng không hát được như xưa. Nhưng nhờ sự động viên của NSND Thúy Mùi, cùng người chị thân thiết NSƯT Minh Vượng đã tiếp lửa cho cô tự tin trở lại luyện tập. Với kịch bản xuất sắc và bàn tay đạo diễn tài năng của nghệ sĩ gạo cội Thúy Mùi, Hoài Thu đã giành HCV Diễn viên xuất sắc, còn n ghệ sĩ Thúy Mùi cũng giành giải Đạo diễn xuất sắc.
Từ đó đến nay, những vở diễn Hoài Thu tham gia đều vào vai chính và nếu thi đều đoạt huy chương Vàng. Cho tới nay, Hoài Thu đã giành 1 cúp bạc quốc tế, 6 huy chương vàng; 1 huy chương bạc, 3 giải Diễn viên xuất sắc nhất. Các vai diễn nổi bật của Hoài Thu ngoài Thị Mầu – Quan Âm Thị Kính, Trưng Trắc – Vương nữ Mê Linh, còn phải kể đến vai Mỹ Duyên – Cánh chim trắng trong đêm, Trương phu nhân – Chuyện tình trên bến Nam Xang, Đặng Thúy Hạnh – Nàng thứ phi họ Đặng, Kiều Loan – Kiều Loan, Mợ Ba – Cánh diều làng Vũ Đại, Nụ - Của thiên trả địa, Thanh Loan – Tình xưa, Bà Dịu – Biến vĩ của tình yêu, Trâm – Cô gái đội mũ nồi xám, Thanh Nga – Tiếng chuông, Thanh Hoa – Kiếp người cần che chở.
Ở vai trò đạo diễn, cô ghi dấu ấn với các vở: Tình trăng, Linh từ quốc mẫu, Cung thương một khúc…
Thành công đến sớm nên bị đặt dấu hỏi "có thực sự Hoài Thu làm không?"
Dù danh hiệu NSND với Hoài Thu là bảo chứng cho những cống hiến và tài năng mà cô đã dành cho nghiệp chèo nhưng khi nhận danh hiệu, Hoài Thu tâm sự rằng cô cảm thấy áp lực đè nặng lên vai khi là "nghệ sĩ chèo trẻ nhất nhận danh hiệu NSND".
Nói về việc được nhận danh hiệu NSND ở tuổi 40, cô cho biết: "Tôi nghĩ người nghệ sĩ nói chung không ai xác định tôi làm nghề là để được huy chương này hay danh hiệu kia. Danh hiệu không phải là đích đến của người nghệ sĩ, mà người ta làm trước hết là vì đam mê. Khi chọn chèo, tôi nghĩ đơn giản lắm, các cụ tiền nhân là người thắp lửa và mình là thế hệ sau, làm sao giữ lửa cho tốt. Cứ đam mê và cháy hết mình đi, tổ nghiệp sẽ không phụ. Và đến bây giờ, cái tôi cố gắng nỗ lực đã được ghi nhận".
Trước những ý kiến cho rằng còn rất nhiều nghệ sĩ tài năng nhưng chưa được phong danh hiệu, trong khi đó Hoài Thu 30 tuổi là NSƯT, 40 tuổi là NSND, cô chia sẻ: "Nếu so sánh như vậy thì đúng là tôi có sự may mắn hơn những người đồng trang lứa hay những người đi trước. Không phải vì họ làm không tốt, không cống hiến mà bởi vì cơ hội có hay không, vì tiêu chí đặt ra là phải có giải thưởng, năm công tác, trong khi có phải ai cũng được tham dự liên hoan, hội diễn hoặc có tham gia nhưng chắc gì đã được HCV? Mình có lợi thế hơn vì đang hoạt động ở nhà hát, lại có may mắn được làm nhiều vai chính và đi thi thì được giải Vàng".
Thành công cùng lúc ở cả hai vai trò là diễn viên và đạo diễn cũng tạo áp lực không nhỏ cho Hoài Thu. Cô biết, những ai không hiểu sẽ không khỏi nghi kỵ rằng đó có đúng là thực lực của cô hay không hay là ý tưởng của người khác hay là sự chống đỡ của người khác. "Tôi bị tiếng rất nhiều. Cái nghề của chúng tôi là bánh đúc bày sàng, vở diễn đưa lên sân khấu thì ai cũng đánh giá được hay dở nhưng ở vai trò đạo diễn, người ta lại sẽ đặt câu hỏi: Vở đó có thực sự Hoài Thu làm không hay của người khác làm cho? Đó cũng là áp lực để tôi phải vượt qua chính mình ở những vở diễn sau, nhất là khi giờ đây còn mang trên mình danh hiệu NSND", Hoài Thu tâm sự.
Thừa nhận mình may mắn nhưng Hoài Thu cũng khẳng định rằng nếu chỉ có như vậy thì không thể làm nên một Hoài Thu như hôm nay. Vốn là người vô cùng cá tính, mạnh mẽ và quyết liệt nên khi đã làm, cô gần như sống trọn với nó. Cô bảo, làm nghệ thuật nếu thiếu đi cá tính thì sẽ như bao người khác, khó mà bật lên được. Cùng với đó là không ngừng trau dồi học hỏi vì thầy già con hát trẻ, sóng sau cao hơn sóng trước, nếu thỏa mãn với những gì mình có thì sẽ bị lùi lại phía sau.
Khi thấy mình không còn trẻ để đóng những vai chính, Hoài Thu chuyển sang học đạo diễn, cũng là cách để cô làm mới mình và thử thách bản thân. Sau 4 năm học, tốt nghiệp đạo diễn xong cô được nhà hát giao làm vở Linh từ quốc mẫu để tham dự Hội diễn sân khấu toàn quốc. Kết quả cô giành 2 giải cho đạo diễn và giải cho vở diễn.
Sắp tới đây, để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, Nhà hát tiếp tục giao cho dựng vở. Hiện cô đang trong quá trình tìm kiếm kịch bản, "sẽ phải mất nhiều công sức hơn vì làm sao để vượt qua được thành công của Linh từ quốc mẫu và xứng đáng với danh hiệu NSND nữa", Hoài Thu nói.