Hà Nội

Thi lại đại học hay chấp nhận học ngành không phù hợp?

08-01-2024 14:51 | Xã hội

SKĐS - Thời điểm này, hầu hết các trường đại học đều đã kết thúc kỳ thi cuối kỳ I, nhiều sinh viên đang băn khoăn trước lựa chọn thi lại đại học hay chấp nhận học ngành không phù hợp.

Chọn 'rẽ hướng' để theo đuổi đam mê

Không ít sinh viên học năm thứ nhất đại học, thậm chí sang năm thứ hai mới phát hiện bản thân chọn học sai ngành, không cảm thấy hứng thú với lĩnh vực đang được đào tạo.

Vừa trở thành sinh viên năm nhất Trường ĐH Thương mại nhưng Đ.N. Linh đã muốn chuyển ngành học. Linh cho biết, sau khi thi tốt nghiệp THPT với kết quả không ưng ý nhưng em vẫn phải nhập học để tránh "nhàn cư vi bất thiện". "Số điểm không đủ để em vào được ngành yêu thích nên sau một học kỳ em muốn thi lại năm nay để được vào ngành mà em thích đó là Kinh doanh quốc tế. Em nghĩ muộn còn hơn không nên thời gian này, ngoài học trên trường em quyết tâm ôn tập kiến thức để thi lại cho mùa tuyển sinh năm tới".

Tương tự, trên các hội nhóm dành cho thí sinh tự do thi tốt nghiệp THPT, thi lại đai học hay những sinh viên đang học đại học, thời điểm này không khó để bắt gặp những bài viết xin tư vấn về việc muốn nghỉ học hoặc bảo lưu kết quả học tập.

Thi lại đại học hay chấp nhận học ngành không phù hợp?- Ảnh 1.

Thi lại đại học hay chấp nhận học ngành không phù hợp?- Ảnh 2.

Trên các hội nhóm dành cho thí sinh tự do thi tốt nghiệp THPT, thi lại đai học, không khó để bắt gặp những bài viết xin tư vấn về việc muốn nghỉ học hoặc bảo lưu kết quả học tập.

Một em sinh viên chia sẻ: "Em sinh năm 2005, hiện đang học ở một trường đại học. Sau một kỳ học em thật sự cảm thấy bản thân không phù hợp với ngành học và môi trường ở đây nên em đã suy nghĩ kỹ và quyết định thi lại. Em có bàn bạc với gia đình nhưng không nhận được sự ủng hộ nên em quyết định giấu gia đình thi lại. Em có viết đơn xin bảo lưu… Nếu học tiếp một kỳ nữa em cũng không muốn vì còn ít thời gian ôn, tốn chi phí + năm nay năm cuối thi chương trình cũ nên cạnh tranh rất cao. Mong mọi người cho em lời khuyên, em phải làm sao".

Nhiều sinh viên khác cũng đăng bài chia sẻ như: "Đã học đại học và giờ muốn xét tuyển vào trường khác, ngành khác thì nên tham gia thi lại THPT hay thi đánh giá năng lực?" hoặc "Năm trước em thi khối A01, năm nay em dự định thi lại khối D01, cách nào để học hiệu quả?"…

Sinh viên có nên học lại ngành khác?

Nhiều giảng viên đại học cho hay, không xác định được mục tiêu của mình là lý do hàng đầu mà nhiều sinh viên không đầu tư, chú trọng đến việc học.

Theo một giảng viên Trường ĐH Thương mại, lý do nhiều sinh viên vào trường học một thời gian lại muốn nghỉ học để chuyển ngành đó là do các em không xác định được mục tiêu của mình. Việc chọn lại ngành nghề có nhiều nhóm nguyên nhân như: nhu cầu, sở thích, yếu tố về xã hội như thị trường lao động và sự kỳ vọng của gia đình. "Đối với những sinh viên chọn lại ngành học, các em cần cân nhắc kỹ sở thích, năng lực và thị trường lao động. 

Các em phải cố gắng đặt ra mục tiêu, vượt qua khó khăn về thời gian, tài chính, gia đình và phải say mê tìm tòi, tập trung công sức vào ngành mới, tránh lầm tưởng vì những sở thích ảo. Các em hoàn toàn có thể thay đổi được nghề nghiệp của bản thân mình nếu muốn nhưng hãy hạn chế việc chọn sai bởi khi tăng tuổi thì trách nhiệm với gia đình, cuộc sống càng lớn".

Thừa nhận hiện tượng trên là không nhỏ trong các trường, ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng, Giám đốc Chương trình Dự báo nguồn nhân lực Viện Nghiên cứu Đào tạo kinh tế quốc tế cho hay: Thống kê từ các nguồn cho thấy, mỗi năm có khoảng 30% sinh viên bỏ học tại trường đại học này sang học trường khác, hoặc chuyển xuống học cao đẳng, trung cấp. "Đây là thực trạng vừa buồn vừa vui. Buồn vì sự lãng phí không nhỏ về thời gian, tiền bạc cho bản thân, gia đình và xã hội, nhưng vui vì các em đã biết dừng lại đúng lúc. Biết thay đổi và đi lại đúng con đường, đam mê ngành nghề phù hợp với bản thân mình, dù sai, dù chậm nhưng chưa là quá muộn".

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, nếu xác định được ngành học khác phù hợp hơn, có những trải nghiệm nhất định thì các em nên chuyển sang ngành học khác. Còn nếu các em cảm thấy không chắc chắn thì sẽ rơi vào nguy cơ "đẽo cày giữa đường", tức là đi bất cứ ngành nào cũng không thấy phù hợp. 

"Kể cả khi các em học một ngành nhưng nếu muốn thành công ở vị trí nghề nghiệp đó thì về sau các em cũng phải cập nhật thêm rất nhiều kiến thức của ngành học khác, chứ không thể chỉ một ngành được".

Thi tốt nghiệp THPT 2024: Những vật dụng bị cấm mang vào phòng thiThi tốt nghiệp THPT 2024: Những vật dụng bị cấm mang vào phòng thi

SKĐS - Việc ra khỏi khu vực thi tốt nghiệp THPT của thí sinh trong trường hợp cần cấp cứu phải có sự giám sát của công an cho tới khi hết giờ làm bài của buổi thi.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn