Thí điểm trao quyền xử phạt ATTP cho cán bộ thanh tra huyện/xã

17-10-2015 16:01 | Thời sự
google news

Những người được thực hiện chức năng thanh tra tại cấp xã/phường được quyền xử phạt đến 500.000 đồng.

Các công chức, viên chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) cấp quận/huyện, phường/xã sẽ có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về ATTP trên địa bàn.

Tại hội nghị triển khai Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP do Bộ Y tế tổ chức ngày 16/10, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, trước mắt, quyết định này sẽ được thực hiện thí điểm tại 10 quận/huyện, 20 phường/xã ở Hà Nội và TP.HCM, bắt đầu từ ngày 15/11. Thời gian thực hiện thí điểm là 12 tháng.

Đây là một quyết định cần thiết trong bối cảnh tình hình ATTP trên cả nước đang có diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có sự quản lý sâu rộng từ các cấp cơ sở, trong khi các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay về lĩnh vực thanh tra mới chỉ trao quyền thanh tra chuyên ngành cho cấp tỉnh, thành phố.

Theo ông Nguyễn Hùng Long, người được giao nhiệm vụ thanh tra và xử phạt vi phạm ATTP phải là công chức, viên chức am hiểu pháp luật, có ít nhất một năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến quản lý ATTP và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra.

Thí điểm trao quyền xử phạt ATTP cho cán bộ thanh tra huyện/xã
Thanh tra An toàn thực phẩm

Ở cấp quận/huyện thì giao cho cán bộ thuộc các phòng y tế, kinh tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm y tế, đội quản lý thị trường. Cấp xã/phường thì giao cho cán bộ thuộc biên chế của trạm y tế, công chức phụ trách nông nghiệp, kinh tế. Trong quyết định của Chính phủ không tăng thêm biên chế mà sử dụng lực lượng tại địa phương để làm việc này.

Ông Nguyễn Hùng Long cũng cho biết, những người được thực hiện chức năng thanh tra tại cấp xã/phường được quyền xử phạt đến 500.000 đồng. Với mức xử phạt cao hơn, trưởng đoàn kiểm tra phải làm báo cáo, trình UBND phường/xã, mức phạt có thể 5 triệu, cấp quận/huyện là 20 triệu đồng.

Cũng theo ông Nguyễn Hùng Long, sẽ không có chuyện thanh tra cấp quận/huyện, xã/phường lạm quyền phạt bừa các cơ sở kinh doanh. Vì khi đi thanh tra độc lập, dù một người đi thanh tra cũng phải có quyết định của Chủ tịch UBND quận, huyện, xã, phường. Trước mắt, kết quả thanh tra sẽ tập trung nhắc nhở, tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc các cơ sở, nếu cơ sở nào cố tình hoặc tiếp tục vi phạm thì sẽ tiến hành xử phạt. Nếu cơ sở hoặc doanh nghiệp cá nhân phản hồi lại, không đồng ý với kết quả thanh tra đó, thì đối với cấp quận/huyện, thanh tra Sở phải kiểm soát và thanh tra lại, còn cấp xã/phường thì các Chi cục sẽ làm nhiệm vụ này.

Thời gian tới, Cục ATTP (Bộ Y tế) sẽ phối hợp với Hà Nội và TPHCM tổ chức 2 lớp đào tạo kỹ năng, quy trình thanh tra và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thực phẩm. Chứng chỉ có giá trị tương đương với thanh tra Chính phủ cấp.

H.Phan, Univadis


Ý kiến của bạn