Việc thực hiện lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe đang được Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thí điểm tại 3 địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh và Phú Thọ. Theo đó, người dân các địa phương này được mời đến trạm y tế xã, phường để khám sức khỏe tổng quát. Tất cả dữ liệu được nhập vào hệ thống mạng để tạo hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Mỗi hồ sơ có một mã định danh và được kết nối trên cùng một hệ thống điện tử từ trạm y tế xã, phường đến các bệnh viện tuyến cao nhất. Đây là một trong những chủ trương lớn rất nhân văn mà Chính phủ, Bộ Y tế quyết liệt chỉ đạo.
Lợi cho dân
Có mặt từ rất sớm tại buổi khám sức khỏe lập hồ sơ quản lý điện tử do Hà Nội tổ chức tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội, bà Lưu Kim Hoạt (64 tuổi) cho biết, nhận được thông tin bà có mặt từ rất sớm, cố được khám lâm sàng mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, siêu âm... Sau khi khám sẽ không phải mất thời gian chờ kết quả mà sẽ được nhận kết quả qua tin nhắn điện thoại, rất tiện lợi và nhanh gọn. “Chương trình rất tốt, phù hợp với lòng dân”, bà Hoạt chia sẻ. Cũng trong tâm trạng như bà Hoạt, cô Hoàng Thị Hiếu (55 tuổi) phấn khởi cho biết, nếu làm được như này thì rất thuận lợi cho người dân chúng tôi, từ nay mỗi lần đi khám, chúng tôi sẽ không còn phải lo đi tìm sổ khám chữa bệnh và cũng không phải lo lắng mỗi khi bác sĩ hỏi tiền sử bệnh tật, tiền sử dùng thuốc như thế nào, bởi đã có máy lưu hết...
Lập hồ sơ theo dõi sức khỏe tại Bắc Ninh.
Không chỉ người dân ở Hà Nội được hưởng cách khám bệnh mới và đặc biệt này, những người nông dân ở Bắc Ninh cũng rất ngạc nhiên và vui vẻ khi lần đầu đi khám mà không phải mang sổ hay phải chờ đợi lấy kết quả như những lần trước. Có mặt tại Trạm y tế xã Tri Phương, huyện Tiên Du, trong sáng ngày đầu ra quân triển khai khám lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, chúng tôi ghi nhận sự phấn khởi và đồng tình của rất nhiều người dân khi được biết chủ trương này. Ông Trịnh Trọng Thơi (thôn Đinh, xã Tri Phương) chia sẻ, người dân đã hiểu rõ ý nghĩa của việc khám sức khỏe hôm nay, không nhằm mục đích khám để bán thuốc chữa bệnh mà là khám để lập hồ sơ sức khỏe cá nhân để lưu giữ trên mạng cho thuận tiện việc khám chữa bệnh sau này. Tương tự, ông Nguyễn Xuân Dự cùng thôn với ông Thơi vui vẻ cho biết, ông được các y bác sĩ khám và phát hiện ông bị gan nhiễm mỡ. Mặc dù khá lo lắng nhưng sau khi được tư vấn ông đã yên tâm hơn. Ông càng vui mừng hơn khi được cán bộ y tế cho biết, khi lập xong hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân lần này, mỗi người dân như ông sẽ được nhập đầy đủ thông tin về tình hình sức khỏe của mình vào hệ thống dữ liệu dùng chung và được cấp một mã số sức khỏe cá nhân. “Vì vậy, mỗi khi bị ốm đau phải đến cơ sở y tế khám chữa bệnh, ông chỉ cần đọc mã số sức khỏe cá nhân của mình thì cho dù đến bất kỳ bệnh viện nào trên toàn quốc ông cũng sẽ có đầy đủ thông tin, không cần phải khai báo hay trả lời nhiều về tiền sử bệnh tình của mình.
Tiện cả đôi đường
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 1/3, Hà Nội đã triển khai thí điểm khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân trên địa bàn. Hồ sơ sức khỏe cá nhân sẽ giúp mỗi người dân được quản lý, theo dõi, tư vấn sức khỏe trọn đời. Còn TS. Phan Huy Anh Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cũng cho rằng, việc triển khai hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân lẫn ngành y tế và Bảo hiểm xã hội. Với người dân sẽ giúp phát hiện sớm những nguy cơ bệnh tật, qua đó thầy thuốc sẽ tư vấn để phòng ngừa hoặc điều trị kịp thời. Còn đại diện lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Bắc Ninh cho rằng, không chỉ thuận lợi trong hoạt động chăm sóc sức khỏe mà từ hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử còn tránh được tình trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế hoặc lạm dụng Bảo hiểm y tế. Mặt khác, khi mở mã định danh sẽ phát hiện bệnh nhân khám bệnh nhiều lần để lấy thuốc trong cùng thời điểm. Ngoài ra, hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử sẽ giúp tăng cường giám sát y tế dự phòng đối với việc sử dụng hiệu quả quỹ Bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, để dự án lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho người dân đạt hiệu quả cao thì phía trước còn nhiều khó khăn. Theo BS. Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Bắc Ninh, hiện nay chưa có hướng dẫn chính thức về quy trình khám ra sao, làm các xét nghiệm gì... hoặc là khó khăn về nguồn kinh phí để thực hiện chương trình. Ngoài ra, từ thực tế việc thực hiện ở một số địa phương vẫn còn những vướng mắc như việc sử dụng chữ ký điện tử chưa được công nhận trong hồ sơ bệnh án y khoa, cần một khoản kinh phí lớn cho đầu tư trang bị máy móc, phần mềm kết nối giữa các tuyến, giữa các bệnh viện...