Không ít bệnh nhân hay lo lắng, thậm chí còn hoang mang tuyệt vọng khi được chẩn đoán bệnh tái phát hay di căn. Câu hỏi đặt ra là “phát hiện sớm tái phát có cải thiện sống còn?”. Đây là câu hỏi rất quan trọng, khi cân nhắc tính hợp lý của việc theo dõi sẽ có cơ hội phát hiện sớm tái phát, cải thiện sống còn. Mục đích của việc theo dõi chặt sau khi mổ là nhằm tìm ra những biểu hiện sớm của các triệu chứng tái phát nhằm tạo cơ hội điều trị khỏi cho bệnh nhân một lần nữa. Phát hiện tái phát càng sớm thì kết quả điều trị càng cao. Mổ lại được có thể xem là trị khỏi khi tái phát còn giới hạn tại chỗ.
Phẫu thuật cũng có thể trị khỏi cho những vị trí di căn còn giới hạn như di căn gan. Gần 40% bệnh nhân còn sống được 5 năm sau khi cắt một phần gan do di căn. Mặc dù di căn đơn độc ở phổi ít gặp hơn là di căn gan, cắt bướu di căn cho từng nhóm bệnh nhân chọn lọc cẩn thận, cho thấy thời gian sống còn 5 năm từ 34 - 45%. Thời gian theo dõi được khuyến cáo là từ 3- 6 tháng trong 3 năm đầu, mỗi 6 tháng cho năm thứ 4 và năm thứ 5, sau đó là mỗi năm nên khám một lần.
Tóm lại, ung thư đại trực tràng là loại bệnh thường gặp ở nước ta, tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, chỉ định điều trị đúng sẽ góp phần làm tăng tỉ lệ chữa khỏi bệnh. Quá trình chăm sóc sau khi mổ, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng như chiến lược theo dõi một cách chặt chẽ sẽ mang lại chất lượng sống lạc quan hơn cho người bệnh.
Kết quả nghiên cứu từ 2.315 bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đại trực tràng của một nhóm nghiên cứu thuộc Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) cho thấy các loại thịt đỏ, thịt chế biến sẽ làm tình trạng ung thư đại tràng xấu hơn. Hơn nữa, trong số những bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đại trực tràng trước đây đã ăn nhiều thịt, sau đó tiếp tục ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẽ dễ bị xuất hiện biến chứng và tử vong.
TS.BS. BÙI CHÍ VIẾT
(Trưởng khoa Ngoại - BV. Ung Bướu TP. HCM)