Theo dõi cử động thai nhi

06-11-2018 10:09 | Đời sống
google news

SKĐS - Cảm nhận về cử động của thai nhi là trải nghiệm đầu tiên của thai phụ về sự có mặt của một cơ thể khác đang phát triển từng ngày trong chính cơ thể mình. Những cử động này của thai nhi bao gồm: cảm giác thai nhi đang xoay, đạp, cuộn tròn trong bụng của thai phụ.

Biểu hiện này cho thấy tình trạng hoạt động bình thường của hệ thần kinh trung ương cũng như hệ cơ - xương - khớp của đứa trẻ. Các cử động này diễn ra đều đặn, xen kẽ đó là khoảng thời gian ngủ hay nghỉ ngơi của thai nhi.

Việc theo dõi này giúp người mẹ theo dõi được tình trạng của thai nhi, từ đó, phát hiện kịp thời các bất thường. Các can thiệp y khoa tiến hành sau đó nhờ vậy sẽ hiệu quả hơn. Ngoài ra, theo dõi cử động thai góp phần giúp người phụ nữ bớt lo lắng, căng thẳng hơn, nhất là trong những thai kỳ nguy cơ cao.

Theo dõi cử động thai nhi không tốn kém và thực hiện đơn giản. Tuy nhiên, nếu thai phụ thực hiện không đúng cách, sự thay đổi trong cử động thai có thể gây ra những lo lắng không cần thiết hay nguy hiểm hơn, thai phụ không đánh giá đúng và bỏ sót những đe dọa đang diễn ra lên thai nhi. Do đó, việc nhân viên y tế hướng dẫn mỗi thai phụ thực hiện theo dõi đúng và chính xác là hết sức quan trọng.

cu dong thai nhi

Thời gian bắt đầu theo dõi

Khoảng thời gian người phụ nữ bắt đầu cảm nhận được những cử động này của thai nhi là khác nhau. Đối với thai phụ con so, thời điểm bắt đầu là 18 - 20 tuần; với thai phụ con rạ thì sớm hơn, 16 - 18 tuần. Người mẹ cảm nhận được rõ ràng nhất cử động của thai nhi ở thời điểm sau tuần 28 của thai kỳ. Từ sau tam cá nguyệt II, thai phụ có thể cảm thấy thai cử động ít hơn trước, nhưng thực chất, theo diễn tiến bình thường của thai kỳ, cử động của thai nhi đang dần trở nên có “tổ chức” hơn và đi vào ổn định; mỗi cử động tuy chậm hơn nhưng cường độ mạnh và rõ ràng hơn.

Khi thai nhi trong trạng thái bị đe dọa, cử động của thai sẽ giảm xuống, mục đích nhằm giảm tiêu thụ oxy và giảm tiêu hao năng lượng. Tuy nhiên, cử động thai nhi không chỉ phụ thuộc vào những thay đổi bất thường bên trong cơ thể mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: trạng thái ngủ của thai nhi, lượng nước ối, vị trí nhau bám (giảm khi bánh nhau ở mặt trước); tư thế (cử động thai ở tư thế đứng hay ngồi ít hơn khi ở tư thế nằm); mẹ uống rượu, hút thuốc hay có sử dụng các thuốc (thuốc an thần nhóm benzodiazepine, methadone, opioid...), mẹ bị béo phì hay có thai lần đầu.

cu dong thai nhi

Đối tượng áp dụng

Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về đối tượng cần theo dõi cử động thai:

Quan điểm thứ nhất: việc theo dõi cử động thai cần được tiến hành một cách thường quy trên mọi thai phụ.

Quan điểm thứ hai: chỉ ở những thai phụ có thai nhi bị đe dọa mới cần phải theo dõi.

Theo tổng quan của thư viện Cochrane (2015), không có khác nhau về kết cục thai kỳ ở các nhóm thai phụ được tư vấn thực hiện theo hai quan điểm trên. Tuy nhiên, việc theo dõi cử động thai thường quy giúp thai phụ đỡ lo lắng hơn về tình trạng của thai nhi.

Cách theo dõi

Trước khi đếm, thai phụ cần làm trống bàng quang của mình, nằm thư giãn và đặt tay lên bụng để đếm số cử động của thai nhi.

Thời điểm: cần được tiến hành sau khi ăn xong và vào những thời điểm nhất định trong ngày để dễ dàng trong việc theo dõi và đánh giá những thay đổi nếu có trong một khoảng thời gian dài.

Tổng thời gian theo dõi là 2 giờ, thai phụ sẽ ghi nhận số cử động thai trong khoảng thời gian này. Nếu số lần cử động của thai nhi từ 10 lần trở lên là bình thường.

Từ tuần thứ 28 của thai kỳ, nếu sau 2 giờ theo dõi, thai nhi cử động dưới 10 lần. Thai phụ nên nằm nghiêng trái và tiếp tục theo dõi trong 2 giờ nữa. Nếu vẫn dưới 10 lần, cần báo ngay cho nhân viên y tế.

Số cử động trung bình mỗi giờ của thai nhi là 16 - 45 lần; khoảng cách tối đa ghi nhận giữa các cử động của thai nhi là 50 - 75 phút.

Có thể không cảm nhận được cử động của thai nhi trong khoảng thời gian thai nhi ngủ. Thời gian ngủ kéo dài 20 - 40 phút, hiếm khi quá 90 phút.

Thai phụ nên có 1 bảng (cuối bài) để thuận tiện hơn trong việc theo dõi.

cu dong thai nhiSiêu âm: nên được tiến hành trong khoảng thời gian không quá 12 giờ sau khi thai phụ cảm giác thai giảm cử động

Đánh giá tình trạng thai nhi khi số cử động thai giảm

Khi sản phụ đến với nhân viên y tế do số cử động thai giảm, cần thực hiện các bước cơ bản sau đây nhằm đánh giá bước đầu tình trạng của thai nhi:

Khai thác kỹ bệnh sử:

- Khoảng thời gian từ khi thai có biểu hiện giảm cử động.

- Cách theo dõi cử động thai của bệnh nhân có đúng không? Bệnh nhân có tập trung theo dõi không?

- Đã từng có biểu hiện như thế này bao giờ chưa?

- Về phía thai: theo dõi thai có tình trạng chậm tăng trưởng trong tử cung (IUGR) hay có bất thường đã được ghi nhận trước đó không?

- Về phía mẹ: có bị tăng huyết áp, đái tháo đường đang được theo dõi và điều trị hay có sử dụng bất kỳ loại thuốc, hút thuốc trước đó?

- Các bất thường ở thai kỳ trước?

Thăm khám: ngoài các thăm khám sản khoa cơ bản, các việc làm sau cần được chú trọng:

- Nghe tim thai bằng các phương tiện sẵn có, tốt nhất là với máy nghe tim thai Doppler.

- Đo CTG: tối thiểu trong 20 phút. Trong một nghiên cứu trên 3.014 phụ nữ Na Uy đến khám vì số cử động thai giảm, 97,5% thai phụ được đo CTG; trong đó, 3,2% thực sự có bất thường về tim thai.

- Siêu âm: nên được tiến hành trong khoảng thời gian không quá 12 giờ sau khi thai phụ cảm giác thai giảm cử động nhất là trong các trường hợp thai nghi ngờ có tình trạng IUGR hay CTG cho kết quả bất thường. Siêu âm cần ghi nhận 2 chỉ số quan trọng là cân nặng thai nhi và lượng nước ối.

Nếu quá trình thăm khám ghi nhận tình trạng thai nhi không có gì bất thường, nhân viên y tế cần giải thích cho thai phụ và hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi về sau nhằm làm cho thai phụ yên tâm.

Nếu có bất thường, thai phụ cần được nhập viện để có hướng xử trí kịp thời.

cu dong thai nhi

- Theo dõi cử động thai là một công cụ hiệu quả và cần thiết trong quá trình theo dõi thai kỳ.
- Nhân viên y tế cần hướng dẫn thai phụ cách theo dõi để thai phụ thực hiện đúng - chính xác; nhờ đó, phát hiện và xử trí kịp thời các bất thường có thể có.

BS. HỒ NGỌC ANH VŨ
Ý kiến của bạn