Theo dấu Mê Kông

29-08-2017 06:58 | Xã hội

SKĐS - Kỳ II. Mênh mang hạ du

Tiếp theo số 133

Thuyền của Vông Sa Ly đưa chúng tôi đến địa phận tỉnh Champasak, miền Nam Lào, giáp biên giới Campuchia. Đó cũng là nơi dòng Mê Kông gom nước đổ vào thác Khone Phapheng và trở thành một trong những dòng thác nổi tiếng trên thế giới, được nhiều người ví như thác Niagara của Lào. Vẻ đẹp kỳ vĩ của thác không chỉ là điểm đến du lịch đầy hứng khởi mà còn là nơi mang lại nguồn lợi thủy sản phong phú cho người dân hai nước Lào và Campuchia. Các tay lưới trên thuyền sẽ thử vận may ở khúc sông này ba ngày rồi sẽ quay về làng. Không thể vượt thác bằng đường sông, chúng tôi chuyển lên đi đường bộ và đến thẳng Phnom Penh, ở đó có sông Tonlé Sap nối sông Mê Kông với Biển Hồ ở phía Tây Bắc. Bắt đầu từ Phnôm Pênh, Mê Kông chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Ba Thắc, bên trái là Mê Kông, cả hai “nhập cảnh” vào Việt Nam qua và được gọi với cái tên mới là sông Tiền, sông Hậu.Khu làng nổi Preak Toal thuộc tỉnh BatTambang, Campuchia.

Khu làng nổi Preak Toal thuộc tỉnh BatTambang, Campuchia.

Từ quảng trường trước Hoàng cung Campuchia, thiếu tá Thusavang, một sĩ quan của lực lượng hiến binh Hoàng gia Campuchia theo lời ủy thác của những người bạn biên phòng Tây Ninh đã tận tình thuê một chiếc ca nô đưa tôi theo dòng nước để đến vùng hồ nổi tiếng có trữ lượng nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Vùng hồ có diện tích 2.700km2 trong những tháng mùa khô và 16.000km2 vào mùa lũ này được khẳng định là đã hình thành từ 5.500 năm trước Công nguyên do sự va chạm của lục địa Ấn Độ với châu Á. Và như một sự hậu đãi của thiên nhiên, Nhờ có Biển Hồ mà lượng nước sông Cửu Long ở Đồng bằng sông Cửu Long được điều hòa vào mùa mưa hạn và mùa khô được bổ sung nước.

Đang mùa lũ, nên nước tràn lên các cánh đồng, mênh mông một sắc đỏ phù sa. Dọc đường đi, tốc độ vừa phải của ca nô cũng khiến cho những ngôi nhà dựng bên sông hoáng loáng trôi. Thuyền câu thì rất nhiều bởi nơi đây không chỉ là khu dự trữ sinh quyển có tầm quan trọng toàn cầu, mà còn là một vựa cá khổng lồ, cung cấp phần lớn nguồn thủy sản cho đất nước Chùa Tháp cũng như người dân đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Chúng tôi không có thời gian đến khu người Việt ở Biển Hồ mà rẽ ngang khu Preak Toal, một khu làng nổi của người Khơmer thuộc tỉnh BatTambang. Đó là một khu rừng bán ngập được chính quyền quy hoạch thành khu bảo tồn chim với hàng trăm loài chim quý.

Kâng Khon, một ngư dân có tiếng sát cá ở khu này nói với vẻ tự hào: “Gia đình tôi có 3 đời gắn bó với con thuyền, lênh đênh trên mặt nước. Từ khi mới 3 tuổi tôi đã được bố thả xuống nước tập bơi nên không có loài cá nào, không có cách đánh bắt nào ở Biển Hồ xa lạ với tôi. Mỗi khi bắt được cá lớn, tôi thường mang khu chợ cá Kompong Chnang để bán cho được giá”. Khi chúng tôi nhắc đến những người Việt ở Biển Hồ, Kâng Khon nhún vai, tỏ ý chia sẻ trước việc cộng đồng người Việt ở đây đã không còn được sống no đủ như trước. Một phần nguyên nhân là do nguồn lợi cạn kiệt, phần khác là do biến động chính trị đã ít nhiều khiến bà con bỏ về nước, sống tạm bợ ở các vùng biên giới Việt Nam. “Trước đây, chúng tôi thường hay gặp nhau ở chợ cá, trao đổi tình hình đánh bắt ở mỗi khu hoặc học hỏi kinh nghiệm, bán ngư lưới cụ cho nhau... Nhưng bây giờ thì ít gặp. Nhiều bạn nghề cá của tôi đã lên bờ đi làm thuê, nhưng không khá hơn là mấy” - anh bảo.

Bữa trưa giữa Biển Hồ trên ngôi nhà cao cẳng có chút khó ăn do không hợp khẩu vị. Cá tươi mổ sạch nướng trực tiếp trên bếp lò chấm với mắm bò hóc được chế bằng cách ướp muối và đường từ những con cá tươi nhất rồi để trong tủ đậy kín vài tháng sau mới đem ra ăn. Cá này do ngư dân đánh bắt được ở đây không sử dụng hết chuyển sang làm mắm dự trữ. Ăn cá Biển Hồ, lại bâng khuâng nghĩ đến miền Tây mùa nước nổi. Được biết, không chỉ tạo nên vựa cá ở Biển Hồ,  khi về đến Việt Nam, lượng thủy sản trên Mê Kông vẫn rất dồi dào, cung cấp cho người dân khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhiều loài cá nước ngọt quý báu. Bạc Liêu nước chảy lờ đờ/ Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu, hay Theo anh về xứ Bạc Liêu. Ăn cá thay bánh, sò nghêu thay quà, hai câu ca dao ấy đủ nói điều đó.

Miệt mài bồi đắp lên một vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn trải suốt 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ của Việt Nam, Mê Kông đã làm nên độ trù phú và màu mỡ hiếm có cho nơi đây. Mặc dù diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản thuộc tiểu vùng chỉ chiếm khoảng gần 30% của cả nước nhưng miền Tây đóng góp hơn 50% diện tích lúa, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, 30% giá trị sản xuất nông nghiệp và 54% sản lượng thủy sản của cả nước. Lúa, cây lương thực chủ đạo của đồng bằng sông Cửu Long được trồng nhiều nhất ở các tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp, Tiền

Giang. Trung bình mỗi năm, “vựa lúa của Việt Nam” cho thu hoạch từ 21-25 triệu tấn, chiếm đến hơn 50% tổng sản lượng lúa của cả nước, bình quân lương thực trên đầu người ở đây cũng cao gấp 2 - 3 lần so với các vùng khác.Cầu qua sông Mê Kông

Cầu qua sông Mê Kông

Giờ đây, sau hành trình dài gần một tháng xuôi mái theo dòng Sông Mẹ, dù có đi trên sông Tiền hay sông Hậu, người ta đều thấy xóm làng trù mật với nhiều tòa nhà chọc trời kiêu hãnh đứng khuấy mây, vượt thoát hẳn lên tràm đước. Còn trên mênh mang nước, từng đám lục bình tím ngắt bồng bềnh trôi về hạ lưu, đâu đó tiếng gà trống gáy ban trưa, tất cả gợi cảm giác thanh bình vô hạn độ. Xe chạy giữa những thảm vàng trĩu hạt và bạt ngàn cao su xanh ngắt. Đó là bằng chứng cho thấy đã qua rồi cảnh người dân biên giới nhọc nhằn mưu sinh trên vùng đất khó. Quay đầu nhìn lại, vẫn thấy những ngôi chùa Khmer in bóng giữa ráng chiều và hàng thốt nốt xanh. Để có một miền biên viễn an yên như thế, thật khó để nhắc nhớ hết công lao của cha ông trong quá trình khai phóng biên cương đầy nhọc nhằn một thuở.

Sử cũ còn ghi, trong thời gian đóng quân trấn giữ vùng biên cương Tân Châu - nơi con sông Tiền, một nhánh của Mê Kông, chảy vào đất Việt - Chưởng cơ Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã cho nạo vét kênh mương, nối nhánh với sông Tiền, vừa giúp thông luồng cho thủy quân di chuyển, vừa lấy nước cho dân khai khẩn ruộng đất, để lại nhiều thành quả khai canh khai cơ rõ nét. Từ việc xây dựng nền tảng kinh tế, xã hội vững chắc, Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục sứ mệnh hoàn thành cương giới quốc gia Đại Việt ở cả vùng miền Tây Nam Bộ, trong đó có An Giang. Thế mới biết, trên mỗi vùng biên thùy nước Việt, từng tấc đất đều in dấu chân của cha ông đi mở cõi. Và thấy thật thấm thía, khi nghe ai đó nói rằng, cứ lần theo những bước chân ấy, xâu chuỗi những câu chuyện như còn đang rì rầm trong mạch nguồn lịch sử, sẽ thấy tổ tiên ta thông tuệ thế nào.

Giọng đọc của anh lính biên phòng còn rất trẻ người gốc An Giang bất chợt vang lên khiến tôi bừng tỉnh niềm suy tưởng. ...Mê Kông sông dài hơn hai ngàn cây số mông mênh. Nguồn tự Trung Hoa có Vạn lý trường thành. Có Hy Mã lạp sơn, Ðộng Ðình hồ, Tây du, Thủy Hử. Mê Kông chảy. Cây lao đá đổ. Ngẫm nghĩ voi đi. Thác Khôn cười trắng xóa. Lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương. Những trưa hè ngun ngút nắng Trường Sơn. Rừng Lào - Miên rộng quá. Dân Lào - Miên mến yêu... Ta cởi áo lội dòng sông ta hát. Mê Kông chảy Mê Kông cũng hát... Đó là những câu thơ biết mấy hào sảng trong bài “Cửu Long Giang ta ơi” của nhà văn Nguyên Hồng.

Phải rồi, dù còn đó những thác ghềnh hiểm địa, còn đó mối lo đập thủy điện và sự cạn kiệt của nguồn lợi thủy sản, của biến đổi khí hậu khi nước biển xâm thực mỗi ngày, nhưng dường như Mê Kông vẫn đang hát. Bài hát của tình người, tình phù sa bền chặt ngàn năm. Dòng Sông Mẹ sẽ mãi bao dung cho 65 triệu đứa con của mình đang sống và tạo nên bao điều kỳ diệu trên sóng nước phù sa. Và các dân tộc đang chung niềm may mắn là thừa hưởng “lộc trời” từ dòng sông vĩnh hằng ấy đã và đang đoàn kết bên nhau, tạo nên tình hữu nghị, gắn bó giữa người với người, giữa dân tộc với dân tộc và giữa các quốc gia láng giềng bền chặt.


Bài và ảnh: Phạm Vân Anh
Ý kiến của bạn